Công tác kiểm sát điều tra án hình sự về các vụ án ma túy trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Việc đề ra yêu cầu điều tra trong giai đoạn điều tra của Kiểm sát viên luôn được chú trọng thực hiện, trong đó tập trung yêu cầu làm rõ những vấn đề phức tạp cần phải chứng minh, làm rõ nhằm đảm bảo chứng cứ được sử dụng và có giá trị buộc tội đối với bị can, đặc biệt các đối tượng ma túy thường rất ngoan cố, liều lĩnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, nhất là trong giai đoạn hiện nay, tệ nạn ma túy ngày một gia tăng và phức tạp, các đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi, dẫn đến khó khăn trong việc đấu tranh với loại tội phạm này một cách triệt để. Do đó, cần đưa ra những kinh nghiệm trong công tác đề ra yêu cầu điều tra một cách cụ thể, mang tính định hướng, đúng quy định pháp luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, cũng như kiểm sát hoạt động điều tra được toàn diện, hạn chế sai sót dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Từ thực trạng và ý nghĩa cấp thiết nêu trên, đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án ma túy” sẽ đi sâu vào nghiên cứu và đưa ra những giải pháp cụ thể.
Cơ sở khoa học hoặc lý luận
– Bộ luật hình sự;
– Bộ luật Tố tụng hình sự;
– Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014;
– Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA- BQP ngày 19/10/2018 về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
– Quy chế tạm thời công tác Thực hành quyền công tố và Kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC, ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Quy chế số 111/QĐ-VKS ngày 17/04/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
– Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
1. Thực trạng hoạt động đề ra yêu cầu điều tra các vụ án hình sự về ma túy
Tại khu vực miền Trung, cụ thể là thành phố Đà Nẵng, hoạt động điều tra các vụ án hình sự về ma túy được thực hiện rất sát sao. Riêng tại Quận Liên Chiểu việc đề ra các yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên luôn được chú trọng, thực hiện.
Quận Liên Chiểu là một quận công nghiệp nằm ở phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng, phía Nam giáp quận Cẩm Lệ, Thanh Khê; phía Tây giáp huyện Hòa Vang, phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên – Huế. Nằm ở vị trí có nhiều đầu mối giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, nơi có hầm đường bộ Hải Vân, một trong những đường hầm dài nhất Đông Nam Á xuyên qua lòng núi.
Ngoài ra, Liên Chiểu có bờ biển dài 26 km chạy vòng cung ôm dọc theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành, cùng với việc tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp công nghiệp lớn của thành phố, trung ương và các nhà đầu tư trong và ngoài nước với lượng công nhân lớn, lượng người đến sinh hoạt tại địa bàn cũng nhiều. Đây vừa là điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, nhưng mặc khác cũng là môi trường mà tội phạm dễ lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, nhất là tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp hơn, với thủ đoạn tinh vi hơn.
Thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và các Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trong những năm gần đây, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân quận Liên Chiểu đã quan tâm và tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đặc biệt là các vụ án về ma túy; lãnh đạo Viện đã chỉ đạo, đôn tốc các đồng chí Kiểm sát viên được phụ trách công tác thực hành quyền công tác, kiểm sát điều tra phải luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đề ra yêu cầu điều tra.
Theo đó, từ năm 2017 trở đi, 100% các vụ án ngay sau khi khởi tố, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra đều nghiên cứu kỹ hồ sơ và đề ra yêu cầu điều tra đối với từng vụ án cụ thể, yêu cầu bằng văn bản và cả bằng lời nói, nội dung yêu cầu điều tra đảm bảo sát đúng với nội dung vụ án, trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên kịp thời nắm bắt những nội dung mới phát sinh và trực tiếp trao đổi hoặc bổ sung nội dung yêu cầu điều tra, giúp cho Điều tra viên điều tra vụ án được kịp thời, đúng tiến độ, hạn chế đến mức thấp nhất việc để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Năm | Tổng số vụ án ma túy và bị can đã khởi tố | Số yêu cầu điều tra ban hành |
Năm 2017 | 19 vụ/27 bị can | 19 |
Năm 2018 | 19 vụ/32 bị can | 19 |
Năm 2019 | 26 vụ/30 bị can | 27 |
Năm 2020 | 36 vụ/46 bị can | 38 |
Năm 2021 | 32 vụ/50 bị can | 35 |
Năm 2022 | 41 vụ/59 bị can | 46 |
Với bảng so sánh, đánh giá qua các năm như trên, có thể thấy tội phạm về ma túy được phát hiện và xử lý nhiều, không có xu hướng giảm, đây là chưa kể đến các vụ án đã phát hiện và chuyển cho cơ quan điều tra cấp trên để xử lý theo thẩm quyền. Do đó, công tác đấu tranh, đánh giá chứng cứ nhằm xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng ma túy đòi hỏi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thời Kiểm sát viên phải kiểm sát kỹ hoạt động điều tra của Điều tra viên, Cán bộ điều tra nhằm hạn chế các vi phạm trong hoạt động tố tụng, đề ra yêu cầu điều tra một cách cụ thể, mang tính định hướng, đồng thời lường trước các biểu hiện của bị can phạm tội, cũng như diễn biến vụ án theo các chiều hướng khác nhau để đảm bảo giải quyết vụ án một cách triệt để, thuyết phục.
Đối với việc giải quyết các vụ án ma túy, việc đề ra yêu cầu điều tra là rất quan trọng và cần thiết, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có sự thay đổi đáng kể về việc xác định định lượng tối thiểu để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự, như đối với tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” đối với một số chất ma túy tổng hợp đã được ấn định ở mức rất thấp (0,1gam) so với trước đây (01 gam), nên dẫn đến nhiều trường hợp trước đây chỉ ở mức xem xét xử lý bằng các biện pháp hành chính, thì nay phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, việc đấu tranh với các đối tượng có hành vi tàng trữ chất ma túy hoặc vận chuyển chất ma túy nhằm mục đích mua bán, hoặc đồng phạm với các đối tượng mua bán ma túy nhằm chứng minh hành vi phạm tội đúng với bản chất, hành vi phạm tội cũng là điều rất khó khăn, đòi hỏi việc đánh giá chứng cứ cũng như đấu tranh ngay từ đầu đối với các đối tượng ma túy.
Một số vụ việc đối tượng thay đổi lời khai trong khi tài liệu, chứng cứ không được thu thập đầy đủ, dẫn đến việc chứng minh hành vi phạm tội của bị can gặp nhiều khó khăn. Do đó, quá trình kiểm sát điều tra các vụ án ma túy, Kiểm sát viên luôn chủ động đề ra yêu cầu điều tra ngay khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện việc kiểm sát theo đúng quy định của pháp luật, tất cả các vụ án ma túy, Kiểm sát viên đều thực hiện đúng quy định.
Do đó, việc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với một số vụ án ma túy như thống kê nêu trên, Viện kiểm sát đã giữ nguyên cáo trạng truy tố và chuyển lại Tòa để đưa ra xét xử, các vụ này đều đã đưa ra xét xử xong. Điều này cho thấy, việc đề ra yêu cầu điều tra một cách cụ thể, bám sát diễn biến vụ án có vai trò rất quan trọng.
Ngoài ra, từ khi Nghị định 19/2018 ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, việc bắt giữ các loại tội phạm ma túy để khởi tố, điều tra đúng quy định của pháp luật bắt buộc phải có sự kiểm sát chặt chẽ, yêu cầu điều tra ngay từ ban đầu, đặc biệt là đối với trường hợp các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán từ 02 (hai) chất ma túy trở lên, đòi hỏi phải xác định chính xác tỷ lệ phần trăm về khối lượng các chất ma túy, nhằm xác định đúng điểm, khoản, điều luật để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, việc yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện đúng quy định và kiểm sát một cách chặt chẽ luôn là công việc thường xuyên mà các Kiểm sát viên luôn quan tâm, chú trọng và Lãnh đạo Viện luôn đôn đốc, chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật.
2. Một số khó khăn, hạn chế trong việc đề ra yêu cầu điều tra trong hoạt động điều tra các vụ án ma túy và nguyên nhân
Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm ma túy, quy định của Bộ luật hình sự về tội danh được quy định tại Điều 249 và 251 Bộ luật hình sự qua thực tiễn áp dụng đã nảy sinh một số vướng mắc trong một số trường hợp cụ thể do chưa có sự thống nhất của cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và cá nhân người tiến hành tố tụng nói riêng, mặc dù vụ án đã được yêu cầu điều tra làm rõ một số tình tiết, nhưng sự nhận thức, đánh giá khác nhau vẫn còn xảy ra, dẫn đến tình trạng Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát, cụ thể là tình tiết định khung “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Đối với 02 người trở lên” vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng, cũng đã có những văn bản hướng dẫn nhưng vẫn còn chung chung, chưa thống nhất.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về những vấn đề khi xây dựng yêu cầu điều tra và quy trình yêu cầu điều tra vẫn theo khái quát chung tại Điều 42 BLTTHS, nhưng chưa rõ ràng, còn mang tính tùy nghi, theo kinh nghiệm và hiểu biết của Kiểm sát viên, do đó yêu cầu điều tra chất lượng chưa cao và không có tính thống nhất về pháp lý cao.
Một số Điều tra viên còn chưa đánh giá cao tầm quan trọng của yêu cầu điều tra mà Kiểm sát viên đã đề ra, nhất là các vụ án về tội phạm ma túy, vẫn còn tình trạng Điều tra viên chỉ bám sát kế hoạch điều tra của Cơ quan điều tra mà không chú trọng, lơ là đến yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên, thực hiện không đầy đủ, không nghiêm túc thực hiện yêu cầu điều tra.
Ngoài ra, Điều tra viên chỉ chú trọng đến chứng cứ vật chất, nghĩ là đã bắt được đối tượng và có kết luận giám định ma túy là có tội thì không chú trọng đến việc đảm bảo các hoạt động tố tụng trong vụ án, do đó, đôi lúc còn tình trạng chủ quan trong quá trình điều tra các vụ án này, dẫn đến việc diễn biến vụ án theo chiều hướng phức tạp, bị can chối tội, quanh co hoặc thay đổi lời khai thì Điều tra viên không có đủ tài liệu, chứng cứ để đấu tranh với tội phạm.
Đa số các vụ án về ma túy, việc truy tìm, xác minh đối với các đối tượng đã mua, bán ma túy cho bị can phạm tội là hết sức khó khăn, dẫn đến không thể mở rộng điều tra vụ án. Theo như quy định của BLTTHS thì Viện kiểm sát đóng vai trò quyết định trong việc thực THQCT nhưng việc thực hiện các hoạt động công tố trong giai đoạn điều tra như khởi tố vụ án, thu thập chứng cứ, khởi tố bị can, thực hiện việc áp dụng biện pháp ngăn chặn chủ yếu do Cơ quan điều tra đảm nhiệm.
Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát chặt chẽ các tài liệu, chứng cứ trên cơ sở hồ sơ nhằm đảm bảo căn cứ phê chuẩn, khi cần thiết sẽ tham gia công tác nhận dạng, đối chất và tham gia lấy lời khai. Nhưng trên thực tế, các quy định của luật tạo ra sự bị động cho Viện kiểm sát xuất phát ở chỗ một số hoạt động điều tra được tiến hành không có sự tham gia của Kiểm sát viên như việc khám xét khẩn cấp, những vụ bắt quả tang có nhiều tang vật….
Điều này dễ dẫn đến việc Điều tra viên có thể không thực hiện đúng quy định, hoặc thay đổi bản chất của vụ việc nhưng không được kiểm sát chặt chẽ. Đến khi Kiểm sát viên đề ra các yêu cầu điều tra theo quy định thì Điều tra viên không thực hiện được, đối với những vụ án ma túy, việc kiểm tra ngay dữ liệu di động của đối tượng là cần thiết, tránh để đối tượng xóa dữ liệu, dấu vết, nhưng một số trường hợp không ngăn chặn được.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đề ra yêu cầu điều tra các vụ án ma túy trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự
Mục đích của việc đề ra yêu cầu điều tra là nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án và để làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự; thể hiện tập trung nhất vai trò công tố trong giai đoạn điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; mục đích cuối cùng của yêu cầu điều tra là nhằm “xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định việc buộc tội, gỡ tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”. Từ thực trạng tình hình, để có được yêu cầu điều tra có chất lượng, đúng với nội dung vụ án, góp phần giải quyết vụ án về ma túy được chính xác, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, qua công tác nhiệm vụ được giao, bản thân đề xuất một số giải pháp sau:
– Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc đề ra yêu cầu điều tra đối với các vụ án về tội phạm ma túy. Để có một bản yêu cầu điều tra có chất lượng, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, nắm rõ những đặc điểm riêng của tội phạm ma túy, phải thường xuyên kiểm sát tiến độ điều tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chủ động tổng hợp, đánh giá chứng cứ thu thập được một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và phải nhạy bén trong tư duy pháp lý trên cơ sở nhận thức đúng đắn, vận dụng đầy đủ, chính xác những quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và những văn bản pháp luật khác có liên quan để áp dụng vào vụ án cụ thể.
– Thực tế đã diễn ra trong một số vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”, các đối tượng bán trái phép chất ma túy khi bị bắt quả tang thì nhận tội, sau đó lại quanh co, chối tội hay nhiều bị can có tiền án, tiền sự, thay đổi lời khai trong quá trình điều tra, thậm chí có đối tượng khi bị bắt quả tang vứt bỏ tang vật (nghi chất ma túy), không thừa nhận tang vật đó là của mình…hoặc không thừa nhận hành vi tàng trữ để bán lại cho con nghiện…gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi chứng minh hành vi phạm tội. Do đó, trong trường hợp cần thiết, ngoài đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, thực nghiệm điều tra… để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can ngay từ giai đoạn đầu của vụ án.
– Trước khi ban hành yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nội dung yêu cầu điều tra phải được xây dựng dựa trên thông tin được phản ánh qua các tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra thu thập theo quy định của pháp luật, không được dựa trên suy diễn chủ quan. Các yêu cầu điều tra vụ án về ma túy không phải lúc nào cũng chỉ xoay quanh các vấn đề đối tượng mua, bán, tàng trữ, sản xuất…trái phép chất ma túy, hành vi, hậu quả, số tiền thu lợi bất chính… mà mỗi vụ án đều có các tình tiết, hành vi khác nhau nhằm làm rõ hành vi phạm tội trong các vụ án về ma túy đồng thời mở rộng phạm vi vụ án và điều tra các đối tượng khác cùng thực hiện hành vi phạm tội và các vấn đề khác có liên quan
– Do đó, việc đề ra yêu cầu điều tra là vô cùng quan trọng, đòi hỏi Kiểm sát viên cần phải xác định việc ban hành yêu cầu điều tra là nhiệm vụ bắt buộc trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, đặc biệt là các vụ án tội phạm về ma túy. Tránh tình trạng đối với các hành vi phạm tội về ma túy với cách thức tương tự nhau mà chủ quan, lơ là khi đề ra yêu cầu điều tra và kiểm sát việc thực hiện các yêu cầu điều tra của Cơ quan điều tra.
– Hồ sơ bắt, tạm giữ ban đầu… Kiểm sát viên phải nghiên cứu và ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra ngay từ khi tiếp nhận (nếu cần thiết) và khi vụ án được khởi tố, Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, yêu cầu điều tra phải được thay đổi, bổ sung khi hoạt động điều tra thu thập được những tài liệu, chứng cứ mới của vụ án.
– Kiểm sát viên phải nghiên cứu thật kỹ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; nắm vững các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan để áp dụng giải quyết vụ án. Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên cần phân tích, đánh giá chứng cứ; đưa ra các giả thuyết về diễn biến của vụ án, đặt ra các câu hỏi và câu trả lời về những vấn đề cần chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật tố tụng hình sự, trên cơ sở đó để nêu lên những vấn đề cần phải điều tra để đề ra yêu cầu điều tra.
– Kiểm sát viên phải nghiên cứu các thủ tục tố tụng, xác định những thủ tục nào chưa được thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng chưa đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để yêu cầu Điều tra viên thực hiện và khắc phục, bổ sung, hoàn thiện.
– Trước khi ban hành bản yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải báo cáo với Lãnh đạo đơn vị về những nội dung mình đã đề ra yêu cầu điều tra; đối với những vụ án trọng điểm, phức tạp …thì Kiểm sát viên phải xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị trước khi ký văn bản. Bản yêu cầu điều tra phải được gửi cho Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên điều tra vụ án. Kiểm sát viên cần làm việc với Điều tra viên về từng nội dung yêu cầu điều tra để có sự thống nhất về hoạt động điều tra. Những nội dung nào Điều tra viên chưa rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ thì cần giải thích rõ. Trong trường hợp cần thiết có thể trao đổi với Điều tra viên về cách thức tiến hành điều tra để đạt được nội dung theo yêu cầu điều tra.
– Trong quá trình điều tra vụ án ma túy, Kiểm sát viên luôn bám sát tiến độ điều tra của Điều tra viên, Kiểm sát viên chủ động nghiên cứu hồ sơ vụ án để kịp thời phát hiện những tình tiết mới phát sinh trong quá trình điều tra để yêu cầu Điều tra viên điều tra làm rõ, bổ sung ngay trong thời hạn điều tra vụ án. Trước khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên và Điều tra viên cùng rà soát lại toàn bộ chứng cứ, thủ tục tố tụng có trong hồ sơ vụ án và lập biên bản làm việc, nếu xét thấy còn những vấn đề cần phải chứng minh, thu thập thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên phải hoàn tất trước khi kết thúc điều tra vụ án.
– Kiểm sát viên phải thực hiện nghiêm túc nhật ký kiểm sát hoạt động điều tra nhằm đảm bảo hoạt động điều tra các vụ án hình sự nói chung và các vụ án về ma túy nói riêng được thực hiện một cách chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.
– Đối với các yêu cầu điều tra được đề ra nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, cần tổng hợp vi phạm, ban hành kiến nghị, tránh tình trạng nể nang mà bỏ qua các thiếu sót, vi phạm, cùng hướng tới mục đích đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng thời hạn luật định.
4. Kết luận
Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra là rất quan trọng và cần thiết, được quy định cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác.
Viện kiểm sát chủ động xây dựng mối quan hệ tốt, hiệu quả giữa Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên là tiền đề quan trọng trong việc đề ra yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, nâng tầm vai trò, vị trí của Viện kiểm sát, nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả điều tra của Cơ quan điều tra, bảo đảm cho hoạt động điều tra đúng hướng, đầy đủ, kịp thời, thực chất, hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố trong việc giải quyết án hình sự nói chung và án ma túy nói riêng được thực hiện xuyên suốt trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Thông qua đó, khắc phục tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; bảo đảm chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.