BLHS năm 2015 thu hẹp phạm vi hình phạt tử hình

blhs-nam-2015-thu-hep-pham-vi-hinh-phat-tu-hinh

Trong BLHS năm 2015, hệ thống hình phạt được quy định tại Chương VI, từ Điều 30 đến Điều 45, gồm 16 điều. Đây là những điều luật đặc biệt quan trọng, thể hiện tập trung chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, chi phối việc xây dựng và áp dụng hình phạt tại các điều luật thuộc phần các tội phạm của BLHS.

So với Điều 35 BLHS năm 1999, Điều 40 BLHS năm 2015 sửa đổi theo hướng giảm hình phạt tử hình. Việc giảm giảm hình phạt tử hình được thực hiện trên ba phương diện.

1. Giảm tội danh có quy định hình phạt tử hình

BLHS năm 1999 (đến lần sửa đổi, bổ sung năm 2009) có 28 tội danh quy định tại 22 điều luật có hình phạt cao nhất là tử hình[1] (chiếm tỷ lệ 7,3% số điều luật quy định tội phạm). BLHS năm 2015 bỏ hình phạt tử hình ở 08 tội danh quy định tại 07 điều luật, đó là: tội cướp tài sản (Điều 168), tội sản xuất, buôn bán hành giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252), tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); tội chống mệnh lệnh (Điều 394); tội đầu hàng địch (Điều 399). Đồng thời, BLHS năm 2015 cũng bỏ tội danh hoạt động phỉ có quy định hình phạt tử hình. BLHS năm 2015 còn 19 tội danh quy định trong 18 điều luật có hình phạt cao nhất là tử hình[2] (chiếm tỷ lệ 5,7% số điều luật quy định tội phạm). So với BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) BLHS năm 2015 giảm 09 tội danh, 04 điều luật có hình phạt tử hình.

2. Mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình

Ngoài người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) khi phạm tội; phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử như quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 bổ sung quy định người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử cũng không bị áp dụng hình phạt tử hình.

3. Mở rộng đối tượng không bị thi hành án tử hình

Ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 bổ sung 02 trường hợp bị kết án tử hình nhưng không bị thi hành mà chuyển thành tù chung thân, đó là: (1) người bị kết án là người đủ 75 tuổi trở lên; (2) người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư (¾) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Ngoài ra, để góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, tại các điều luật phần các tội phạm của BLHS năm 2015 có quy định hình phạt tử hình cũng được sửa theo hướng thu hẹp phạm vi của hình phạt này như giảm tình tiết phạm tội bị áp dụng hình phạt tử hình. Ví dụ: theo Điều 112 BLHS năm 1999 quy định tội hiếp dâm trẻ em thì phạm tội nhiều lần, phạm tội đối với nhiều người là tình tiết phạm tội thuộc khung có hình phạt tử hình, nay theo Điều 142 BLHS năm 2015, khung có hình phạt tử hình đã bỏ các tình tiết nêu trên hoặc Điều 112 BLHS năm 1999 quy định mọi trường hợp giao cấu với người dưới 13 tuổi đều là phạm tội hiếp dâm trẻ em và có mức hình phạt cao nhất là từ hình, nay Điều 142 BLHS năm 2015 quy định trường hợp hiếp dâm người dưới 10 tuổi mới có thể bị áp dụng hình phạt này.

Ở đây có vấn đề đặt ra là chưa có quy định cụ thể của pháp luật về thời hạn người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nộp lại số tiền đã tham ô, nhận hối lộ nên sẽ dẫn đến một số khó khăn trong việc áp dụng. Ví dụ như khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án có điều kiện là đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn nhưng chưa nộp lại được ít nhất ba phần tư tài sản đã tham ô, nhận hối lộ, song người bị kết án cam kết là sẽ nộp lại ít nhất số tiền theo quy định nêu trên thì có thi hành án không, đến khi nào thì quyết định là thi hành hoặc không thi hành án hoặc trường hợp người bị kết án đã tự nguyện nộp được ít nhất ba phần tư tài sản đã tham ô, nhận hối lộ nhưng không có điều kiện thứ hai là đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn vì lý do người bị kết án đưa ra là do tính chất của vụ án, do điều kiện thực tế nên họ không có điều kiện để thực hiện điều kiện nêu trên thì có đưa ra thi hành án không… Những vấn đề đó cần phải được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thống nhất trong thi hành pháp luật.

Các quy định của BLHS năm 2015 nói chung, các quy định về hệ thống hình phạt và biện pháp tư pháp nói riêng là kết quả của việc tham khảo kinh nghiệm lập pháp pháp của các nước, tiếp thu những giá trị tiến bộ, phản ánh xu thế của thời đại như về bảo đảm tính hiệu quả, đề cao tính giáo dục, hướng thiện, giảm dần tính trừng trị của hình phạt.

Chính sách của Nhà nước ta về đề cao và tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực tư pháp hình sự, phòng, chống tội phạm trong tình hình mới là cơ sở chính trị – pháp lý quan trọng chi phối nội dung của BLHS năm 2015. Chính sách ấy được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án… của Nhà nước, trong đó Hiến pháp năm 2013 là văn bản chính trị – pháp lý tập trung nhất.

Đó là các quy định tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như quyền sống, quyền được bảo hộ tính mạng của con người; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xục phạm danh dự, nhân phẩm; quyền bình đẳng trước pháp luật… Hoặc quy định về nguyên tắc trong hoạt động lập pháp về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại khoản 2 Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.  

Do đó, việc giảm hình phạt tử hình là phù hợp với xu hướng chung của thế giới và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.

[1] Tội phản bội Tổ quốc (Điều 78); tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79); tội gián điệp (Điều 80); tội bạo loạn (Điều 82); tội hoạt động phỉ (Điều 83); tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84); tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 85); tội giết người  (Điều 93); tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112); tội cướp tài sản (Điều 133); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh (Điều 157); tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193); tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194); tội khủng bố (Điều 230a); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội chống mệnh lệnh (Điều 316); tội đầu hàng địch (Điều 322); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341); tội chống loài người (Điều 342); tội phạm chiến tranh (Điều 343)

[2] 06 tội danh về các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), tội gián điệp (Điều 110), tội bạo loạn (Điều 112), tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 114); 02 tội dang về các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người: Tội giết người (Điều 123), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); 02 tội danh về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh (Điều 194); 03 điều quy định về tội phạm về ma túy: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội vận chuyển, trái phép chất ma túy (Điều 250), tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); 01 tội danh về xâm phạm trật tự công cộng: tội khủng bố (Điều 299);  02 tội danh về tội phạm tham nhũng: Tội tham ô tài sản (Điều 352), tội nhận hối lộ (Điều 354); 03 tội danh về các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), tội chống loài người (Điều 422), Tội phạm chiến tranh (Điều 423).

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon