Trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng điện ngày càng gia tăng, điện đã trở thành nguồn năng lượng thiết yếu đối với mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Việc cung ứng điện ổn định, liên tục và đúng quy định pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp các cá nhân, pháp nhân vi phạm quy định về cung ứng điện, gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống người dân và đều làm phát sinh trách nhiệm hình sự.
- Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
1. Khái niệm và bản chất Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
1.1. Khái niệm Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện được quy định tại Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo quy định này, người nào vi phạm quy định về cung ứng điện, gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cung ứng điện được hiểu là hoạt động truyền tải, phân phối để đưa điện từ nhà máy sản xuất điện đến người sử dụng đúng quy trình, quy định kỹ thuật và an toàn. Việc vi phạm trong lĩnh vực này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà còn đe dọa đến an ninh năng lượng quốc gia.
Vi phạm các quy định về cung ứng điện là hành vi của người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện mà cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định; từ chối cung cấp điện không có căn cứ; trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
1.2. Bản chất Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
Bản chất của tội vi phạm này là hành vi xâm phạm đến chế độ, quy trình kỹ thuật và an toàn trong việc cung ứng điện, từ đó xâm hại đến lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Tội danh này được đặt ra để ngăn ngừa các hành vi tự ý cung cấp điện sai quy trình, dẫn đến mất an toàn, thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng, đặc biệt trong bối cảnh điện được xem là hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng diện rộng.
1.3. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
- Căn cứ pháp lý tại Điều 7 Luật Điện lực 2004, Quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, theo đó các hành vi bị cấm bao gồm:
- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
- Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Trộm cắp điện.
- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này.
- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.
- Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.
2. Dấu hiệu pháp lý cấu thành Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
Căn cứ pháp lý tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chủ thể tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình và từ đủ 16 tuổi trở lên. Pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội phạm này.
2.1. Chủ thể
2.1.1. Đối với trường hợp chủ thể của tội phạm là cá nhân:
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong một số trường hợp theo quy định pháp luật hình sự.
Chủ thể của tội phạm là cá nhân đủ 16 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự, có thể bao gồm người được giao nhiệm vụ, quyền hạn trong việc vận hành, cung ứng điện.
Chủ thể của tội phạm có thể là cá nhân thực hiện tội phạm một mình nhưng cũng có thể là nhiều người cùng thực hiện tội phạm. Trường hợp nhiều người thực hiện cùng một tội phạm được quy định theo Điều 17 Bộ luật Hình sự, quy định về đồng phạm. Theo đó, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2.1.2. Đối với trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân:
Căn cứ pháp lý tại Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
Chủ thể của tội này còn là pháp nhân được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập; đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm vào trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý thị trường.
2.2. Khách thể
Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực cung ứng điện và an toàn điện.
Đối tượng tác động của tội phạm này là nguồn điện (điện dùng cho sản xuất, sinh hoạt, trang trí, thắp sáng nơi công cộng…)
Đây là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.
2.3. Mặt khách quan
2.3.1. Hành vi khách quan:
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm các quy định pháp luật về cung ứng điện. Một số hành vi điển hình bao gồm:
Tự ý ngắt điện trái phép, là hành vi cắt điện một cách tùy tiện, không đưa ra lý do hoặc cắt điện không có lý do chính đáng. Hành vi cắt điện không thông báo theo quy định là hành vi cắt điện không thực hiện đúng quy định của ngành điện lực là phải thông báo trước cho người sử dụng điện trong một thời gian nhất định, thể hiện ở việc chưa có thông báo hoặc không thông báo mà vẫn cắt điện. Theo quy định việc thông báo cắt điện phải được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo đến tận người sử dụng điện.
Hành vi từ chối cung cấp điện không có căn cứ là hành vi của người có trách nhiệm trong việc cung ứng điện đã không cung cấp điện cho người sử dựng khi họ có yêu cầu và có đủ điều kiện, làm đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định của ngành điện lực để được cấp điện. Việc từ chối này không có lý do chính đáng hoặc lý do mà bên cung cấp đưa ra để từ chối việc cung cấp điện là không có căn cứ.
Không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình truyền tải và phân phối điện, à hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn điện, thể hiện qua việc không áp dụng hoặc áp dụng không đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, tổ chức và quản lý nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn cho người, thiết bị và hệ thống điện trong quá trình vận hành, truyền tải và phân phối điện năng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Vận hành hệ thống điện sai quy trình kỹ thuật gây mất an toàn hoặc gián đoạn hệ thống điện, là hành vi thực hiện việc điều độ, vận hành, điều khiển hoặc thao tác hệ thống điện không đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, dẫn đến nguy cơ hoặc thực tế xảy ra mất an toàn cho con người, thiết bị, hoặc gây gián đoạn việc cung cấp điện trong phạm vi hệ thống điện quốc gia hoặc khu vực, vi phạm các quy định pháp luật về quản lý vận hành hệ thống điện.
Vi phạm nghĩa vụ cung ứng điện theo hợp đồng đã ký kết, là hành vi của bên có trách nhiệm cung cấp điện không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng mua bán điện với khách hàng, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc cung cấp không đúng sản lượng, không đúng thời gian, không đảm bảo chất lượng điện năng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua điện, vi phạm các quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật về điện lực.
Không tuân thủ quy định trong các tình huống khẩn cấp, thiên tai dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, à hành vi của tổ chức hoặc cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định, chỉ đạo, hoặc phương án ứng phó đã được ban hành trong tình huống khẩn cấp, thiên tai (như bão lụt, cháy rừng, sự cố lưới điện…), từ đó gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường hoặc làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, vi phạm các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai và bảo đảm an toàn công trình, hệ thống có liên quan.
Các hành vi này có thể được thực hiện dưới dạng hành động (chủ động vi phạm) hoặc không hành động (không thực hiện nghĩa vụ pháp lý bắt buộc).
2.3.2. Hậu quả:
Hành vi vi phạm phải gây ra thiệt hại nghiêm trọng mới cấu thành tội phạm. Thiệt hại ở đây có thể bao gồm:
Thiệt hại lớn về tài sản của tổ chức, cá nhân;
Gây gián đoạn sản xuất, kinh doanh quy mô lớn;
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân;
Gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người do mất an toàn điện.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để định tội, do đó, nếu hành vi vi phạm không gây hậu quả đáng kể thì chưa đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.3.3. Mối quan hệ nhân quả:
Phải chứng minh được mối liên hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra. Nghĩa là hậu quả nghiêm trọng chỉ phát sinh do hành vi vi phạm các quy định về cung ứng điện. Nếu không xác lập được mối quan hệ nhân quả này thì chưa thể xác định hành vi là tội phạm.
2.4. Mặt chủ quan
Hình thức lỗi: Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình vi phạm quy định về cung ứng điện nhưng vẫn cố tình thực hiện, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Động cơ thường gặp là vụ lợi hoặc do thiếu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ.
3. Mức hình phạt của Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện
Căn cứ pháp lý tại Điều 199 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) Quy định về Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện. Theo đó, khi thực hiện các hành vi vi phạm các quy định về cung ứng điện thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật hình sự cụ thể như sau:
KHUNG 1: Người nào có trách nhiệm mà đóng điện, cắt điện, từ chối cung cấp điện trái quy định của pháp luật hoặc trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
KHUNG 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
KHUNG 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
KHUNG 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện mang tính chất đặc thù trong bối cảnh điện đang trở thành nguồn năng lượng thiết yếu cho phát triển kinh tế – xã hội. Việc nhận diện đúng bản chất, các dấu hiệu pháp lý và xác định trách nhiệm hình sự đối với tội danh này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trật tự pháp luật, an toàn điện và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đạt hiệu quả trong thực tiễn.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện”. Trong trường hợp còn đang thắc mắc hoặc cần sử dụng dịch vụ, hãy liên hệ ngay với Luật Dương Gia để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899