Giao thông đường bộ là một trong những lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Trong quá trình tham gia giao thông, pháp luật không chỉ điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện mà còn kiểm soát trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan. Một trong những hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển. Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, Bộ luật Hình sự đã quy định rõ về tội danh này tại Điều 264 với những chế tài xử lý tương ứng. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu cụ thể hơn thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
- Luật Đường bộ 2024.
1. Một số khái niệm pháp lý
1.1. Thế nào là người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ?
Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ là việc chủ sở hữu, người quản lý phương tiện biết rõ về việc đối tượng được giao không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng vẫn thực hiện hành vi bàn giao gây thiệt hại cho những người khác.
Theo đó, người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là người thuộc một trong các trường hợp sau:
– Không có giấy phép lái xe (GPLX) phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển.
– Đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX.
– Không đủ độ tuổi theo quy định.
– Không đủ điều kiện sức khỏe để điều khiển phương tiện.
– Sử dụng chất kích thích, rượu bia vượt ngưỡng quy định.
– Không được phép lái xe do vi phạm pháp luật trước đó (ví dụ đang trong thời gian chấp hành án, quản chế, cấm hành nghề…).
– Các trường hợp khác theo quy định pháp luật
1.2. Hành vi giao phương tiện là gì?
Giao phương tiện được hiểu là việc chủ sở hữu hoặc người đang quản lý, sử dụng phương tiện tự nguyện để người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện đó tham gia giao thông. Hành vi này có thể thể hiện qua việc:
– Trực tiếp đưa phương tiện cho người khác điều khiển.
– Cho mượn xe khi biết rõ người đó không có GPLX hoặc không đủ điều kiện.
– Giao phương tiện để chở thuê, chở hàng khi biết rõ người điều khiển không đủ điều kiện.
2. Phân tích dấu hiệu cấu thành tội phạm
Trên cơ sở quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự 2015 về tội danh này, nội dung cũng như các khung hình phạt được thể hiện như sau:
Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Theo đó, các yếu tố cấu thành tội phạm được phân tích cụ thể:
2.1. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý, nhưng trước khi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người phạm tội phải biết người mà mình giao cho phải là người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho rằng, người cho mượn xe không biết người mượn xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì họ không bị coi là giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
2.2. Chủ thể của tội phạm
Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi do luật định. Ngoài ra còn đòi hỏi hỏi phải có thêm dấu hiệu chủ thể đặc biệt: là người có chức vụ, có quyền hạn chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ.
2.3. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi được biểu hiện ở việc người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
– Hậu quả cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, cụ thể:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2.4. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm vào các quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường bộ, những quy định nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, tổ chức hay công dân, làm ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của giao thông đường bộ.
3. Quy định về khung hình phạt
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ có thể gián tiếp tạo ra các tình huống tiềm ẩn rủi ro cao cho an toàn giao thông và tính mạng cũng như sức khỏe của người tham gia giao thông, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định cụ thể tội danh tại Điều 264, trong đó chia thành nhiều khung hình phạt dựa theo mức độ hậu quả xảy ra:
– Khung 1. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
So với khoản 1 Điều 205 BLHS năm 1999 thì quy định tại khoản 1 Điều 264 BLHS năm 2015 mức phạt tiền có thay đổi, phạt tiền từ 10.000.000 đồng (trước đây mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng), mức phạt tối đa 50.000.000 đồng (trước đây mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng).
– Khung 2.Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nếu có một trong các tình tiết tăng nặng:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
So với khoản 2 Điều 205 BLHS năm 1999 chỉ quy định trường hợp phạm tội, đó là: “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Đến khoản 2 Điều 264 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa thành các tình tiết định khung hình phạt cụ thể hơn. Do đó, nếu so sánh khoản 2 Điều 205 BLHS năm 1999 với khoản 2 Điều 264 BLHS năm 2015 thì khoản 2 Điều 264 BLHS năm 2015 nhẹ nhàng và cụ thể hơn.
– Khung 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 264 BLHS năm 2015, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Nếu có các tình tiết định khung hình phạt tại khoản 3 cụ thể:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
– Hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
So với khoản 4 Điều 205 BLHS năm 1999 với khoản 4 Điều 264 BLHS năm 2015 thì khoản 4 Điều 264 BLHS năm 2015 quy định thêm mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, bỏ hình thức phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Hình phạt bổ sung này thường được áp dụng đối với những người có vị trí, chức vụ hoặc công việc liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giao thông, vận tải, như: chủ doanh nghiệp vận tải, quản lý bãi xe, người làm công tác đào tạo lái xe… Việc áp dụng hình phạt bổ sung nhằm ngăn ngừa việc người phạm tội tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong tương lai.
Nhận thấy, trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, việc xử lý nghiêm minh các hành vi tiếp tay cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Tội danh này không chỉ phản ánh trách nhiệm pháp lý của người giao phương tiện mà còn thể hiện rõ quan điểm của pháp luật trong việc đề cao tính phòng ngừa và bảo vệ an toàn cộng đồng. Mỗi cá nhân khi tham gia giao thông cần nhận thức rõ hậu quả của hành vi bất cẩn, từ đó chủ động tuân thủ quy định pháp luật, góp phần giảm thiểu rủi ro và xây dựng môi trường giao thông có trách nhiệm, an toàn hơn cho toàn xã hội.
Nếu bạn đang có nhu cầu tìm hiểu cụ thể hơn về các nội dung có liên quan đến Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ và cần hỗ trợ pháp lý chuyên nghiệp, hãy liên hệ ngay với Luật Dương Gia qua hotine 0931548999 để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.
CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG
Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0931548999; 02367300899