Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

boi-thuong-thiet-hai-do-nha-cua-cong-trinh-xay-dung-khac-gay-ra

Bài viết nghiên cứu quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, phân tích những hạn chế trong Điều 605 BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện quy định về trách nhiệm này. Theo đó, tác giả nhận thấy quy định tại Điều 605 BLDS 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra còn tồn tại một số vấn đề sau:

1. Thứ nhất, về khái niệm “nhà cửa, công trình xây dựng khác”

“Nhà cửa, công trình xây dựng khác” là khái niệm được đề cập đến rất nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay chưa có bất kì văn bản nào đưa ra định nghĩa cho khái niệm này.

Về khái niệm “nhà cửa”: Theo Từ điển Tiếng Việt thì “nhà cửa” chính là “nhà ở (nói khái quát)”12. Mà theo Luật Nhà ở năm 2014 thì “nhà ở” là“công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”[1] [2]. Như vậy, xét về bản chất, “nhà cửa” chính là một loại “công trình xây dựng”

Về khái niệm “công trình xây dựng khác”: Luật Xây dựng 2014 chỉ có định nghĩa về “công trình xây dựng” mà không có định nghĩa về “công trình xây dựng khác”. Nếu tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ thì “khác” được hiểu là “không phải là cái đã biết, đã nói đến, tuy là cùng loại”[3]. Đặt trong ngữ cảnh này, “nhà cửa” là “cái đã biết, đã nói đến” là “cùng loại” công trình xây dựng, do vậy, “công trình xây dựng khác” được hiểu là tất cả những “công trình xây dựng” còn lại, ngoài “nhà cửa”. Nếu lấy “nhà cửa” làm trung tâm thì tất cả các công trình xây dựng còn lại bao gồm: công trình dân dụng (trừ nhà cửa), công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quốc phòng an ninh đều được coi là “công trình xây dựng khác”.

Từ những nội dung đã nêu có thể thấy, việc BLDS (1995, 2005 và 2015) sử dụng khái niệm “nhà cửa, công trình xây dựng khác” là chưa thực sự khoa học và chính xác. Bởi lẽ, về bản chất “nhà cửa” hay “công trình xây dựng khác” đều là “công trình xây dựng”, là một loại bất động sản do con người tạo ra; việc xây dựng, khai thác, bảo quản, sử dụng “nhà cửa” hay “công trình xây dựng khác” cũng đều tiềm ẩn những rủi ro như nhau; phương thức gây thiệt hại, điều kiện làm phát sinh TNBTTH, chủ thể chịu TNBTTH của hai loại tài sản này là như nhau. Do đó, việc BLDS sử dụng hai khái niệm để chỉ chung một đối tượng như hiện nay là không cần thiết, thiếu khoa học. Trong trường hợp này, BLDS chỉ cần dùng khải niệm “công trình xây dựng” là đủ.

2. Thứ hai, về bản chất của trách nhiệm

Điều 605 không rõ ràng trong việc xác định bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. Cụ thể, nếu căn cứ vào đoạn 1 Điều 605: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản ỉý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác” thì có thể khẳng định: đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra (nguyên nhân gây thiệt hại là “do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra”). Nhưng nếu căn cứ vào đoạn 2 Điều 605: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường” – thì đây lại là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật, có lỗi (của người thi công gây ra).

Điều này cũng tạo nên sự mâu thuẫn giữa tên gọi và nội dung điều luật (tên gọi là “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra” nhưng nội dung lại điều chỉnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của người thi công gây ra);

3. Thứ ba, về điều kiện làm phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của người thi công

Trách nhiệm liên đới BTTH của người thi công là một quy định hoàn toàn mới của BLDS 2015 so với những BLDS đã ban hành trước đó. Trước hết, phải khẳng định rằng, việc bổ sung quy định về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của người thi công là đúng đắn và cần thiết, nhằm nâng cao trách nhiệm của người thi công.

Tuy nhiên, cách đoạn 2 Điều 605 BLDS 2015 quy định “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường” như hiện nay là chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tế.

Cách hiểu thứ nhất: vì đoạn 2 Điều 605 không đề cập đến hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác, do đó, có thể hiểu, chỉ cần người thi công có hành vi trái pháp luật, “có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại” thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác đương nhiên phải chịu trách nhiệm liên đới BTTH cùng người thi công cho dù bản thân mình không hề có hành vi trái pháp luật, có lỗi.

Theo tác giả, cách hiểu này không phù hợp với lẽ công bằng và cũng trái với nguyên tắc chung về xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Khoản 1 Điều 584 BLDS 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Trong trường hợp này, “người” có hành vi gây thiệt hại là “người thi công” nhưng người chịu TNBTTH lại là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 587, trách nhiệm liên đới chỉ phát sinh khi có “nhiều người cùng gây thiệt hại”. Trong trường hợp này, nếu hiểu theo cách trên, chỉ có một người gây thiệt hại là người thi công, do đó, không đủ điều kiện làm phát sinh trách nhiệm liên đới BTTH.

Cách hiểu thứ hai, căn cứ vào Điều 587 BLDS 2015 thì trách nhiệm liên đới chỉ đặt ra trong trường hợp “nhiều người cùng gây thiệt hại”. Nói cách khác, trách nhiệm liên đới chỉ phát sinh nếu thiệt hại phải do hành vi trái pháp luật của nhiều người gây ra. Kết hợp đoạn 2 Điều 605 và Điều 587 có thể suy ra, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải liên đới BTTH cùng người thi công nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác và người thi công cùng có hành vi trái pháp luật, có lỗi.

Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách này thì: một là, không phù hợp với câu chữ tại đoạn 2 Điều 605 (đoạn 2 Điều 605 chỉ đề cập đến hành vi trái pháp luật, có lỗi của người thi công, không hề đề cập đến hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác); hai là, nếu cho rằng, trách nhiệm liên đới phát sinh tại khoản 2 Điều 605 là do hành vi cùng gây thiệt hại, có lỗi của người thi công và chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác thì dường như quy định này là thừa. Bởi chúng ta đã có Điều 587 BLDS 2015 để quy định về trách nhiệm liên đới trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại không cần đến quy định riêng tại đoạn 2 Điều 605. Ba là, nếu hiểu theo cách này, vô hình chung sẽ tạo ra sự mâu thuẫn giữa tên gọi và nội dung điều luật: tên điều luật là “BTTH do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra” trong khi nội dung lại quy định về trách nhiệm liên đới BTTH do hành vi trái pháp luật, có lỗi của người thi công và chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác.

Cách hiểu thứ ba, đoạn 1 Điều 605 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác” phải bồi thường nếu nhà cửa, công trình xây dựng khác tự gây thiệt hại cho người khác; kế tiếp đó đoạn 2 Điều 605 quy định: “Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”. Điều này cho phép chúng ta hiểu: nếu nhà cửa, công trình xây dựng khác tự gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường; nếu thiệt hại xảy ra vừa do tự thân sự tác động của nhà cửa, công trình xây dựng khác vừa do lỗi của người thi công thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải liên đới chịu TNBTTH cùng người thi công. Sở dĩ, đoạn 2 không nhắc đến chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác vì nội dung này đã được đề cập đến tại đoạn 1. Đây có lẽ cũng là lí do mà Điều 605 BLDS không chia thành 2 khoản độc lập mà chỉ chia thành 2 đoạn, trong đó, đoạn 2 là sự tiếp nối ý của đoạn 1.

Tác giả tán thành cách hiểu này, bởi như trên đã phân tích, cách hiểu này phù hợp tinh thần của điều luật, cho thấy sự logic giữa đoạn 1 và đoạn 2 Điều 605. Hơn thế, cách hiểu này bảo vệ được lẽ công bằng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, khắc phục được những tồn tại trong hai cách hiểu trước đó. Cụ thể: cách hiểu này lý giải được sở dĩ chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải liên đới BTTH cùng người thi công mặc dù có thể họ hoàn toàn không có lỗi trong việc nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại là do họ là người được hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác. Do đó, khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại (có một phần lỗi) của người thi công thì họ phải gánh chịu một phần trách nhiệm (cùng với người thi công) Trong trường hợp này, cơ sở để buộc người thi công phải chịu TNBTTH là do họ có lỗi, còn cơ sở để buộc chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác là do họ là người được hưởng lợi từ việc sử dụng, khai thác công dụng từ nhà cửa, công trình xây dựng khác.

Với cách hiểu này nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do hành vi trái pháp luật, có lỗi của người thi công thì người thi công phải chịu toàn bộ TNBTTH theo đúng nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 584: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng…. mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Nếu thiệt hại xảy ra do người thi công và chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác có hành vi “cùng gây thiệt hại” thì khi đó chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải liên đới BTTH cùng người thi công theo quy định Điều 587. Chỉ khi nào, thiệt hại vừa do tự thân nhà cửa, công trình xây dựng khác vừa do hành vi trái pháp luật, có lỗi của người thi công cùng gây ra thì khi đó mới áp dụng đoạn 2 Điều 605. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp thiệt hại xảy ra vừa do hành vi trái pháp luật có lỗi của người thi công vừa do tự thân sự tác động của nhà cửa, công trình xây dựng khác. VD: bản thân công trình đã xuống cấp, trong quá trình sửa chữa, do thi công không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… khiến công trình xuống cấp nhanh hơn, dẫn đến bị sụp đổ, gây thiệt hại.

4. Thứ tư, về mức bồi thường thiệt hại

Đoạn 2 Điều 605 chỉ quy định về trách nhiệm liên đới của người thi công với chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác mà không quy định về cách xác định mức bồi thường của từng chủ thể. Nếu theo Điều 587 thì “Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chỉ người thi công có lỗi, còn chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác không có lỗi. Vậy mức bồi thường của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác và người thi công được xác định theo tiêu chí nào? Đây là vấn đề mà Điều 605 nói riêng, BLDS 2015 nói chung còn đang bỏ ngỏ.

5. Thứ năm, về thứ tự chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Điều 605 BLDS 2015 quy định tới năm chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác và người thi công (trong khi đó tối đa như BLDS Đức cũng chỉ quy định đến ba chủ thể (chủ sở hữu, người chiếm hữu, người bảo trì); Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan chỉ quy định hai chủ thể (chủ sở hữu, người chiếm hữu)[4]; còn Pháp chỉ một chủ thể (chủ sở hữu).

Mặc dù quy định tới năm chủ thể có khả năng phải chịu trách nhiệm nhưng BLDS 2015 hoàn toàn không đưa ra bất kỳ một quy định nào về thứ tự các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường hay tiêu chí để xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong từng trường hợp cụ thể. Các quy định trong Điều 605 chỉ đơn thuần mang tính liệt kê.

Nghiên cứu pháp luật dân sự của một số quốc gia trên thế giới, có thể dễ dang nhận thấy, BLDS của các quốc gia hoặc trực tiếp xác định rõ ràng chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường (tại Pháp luôn là “chủ sở hữu”) hoặc đưa ra những tiêu chí rõ ràng để xác định chủ thể chịu trách nhiệm (BLDS Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan quy định: người phải chịu trách nhiệm trước hết là người đang trực tiếp chiếm hữu nhà cửa, công trình xây dựng; nếu người này chứng minh được là mình không có lỗi thì khi đó chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại)[5] chỉ riêng Điều 605 BLDS 2015 là quy định tới năm chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng hoàn toàn không đưa ra bất kì tiêu chí nào để xác định thứ tự chịu trách nhiệm của những chủ thể này. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

[1]  Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr. 700;

[2]  Khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở;

[3]  Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr. 489.

[4]   Điều 717 BLDS Nhật Bản qui định: “ Nếu việc xẩy ra thiệt hại đối với người khác vì nguyên nhân sai sót trong xây dựng hoặc bảo quản cấu trúc trên đất thì người chiếm hữu cấu trúc chịu trách nhiệm về những thiệt hại đối với bên bị thiệt hại, song nếu như người chiếm hữu đã thể hiện sự quan tâm đúng mức nhằm ngăn chặn việc xảy ra thiệt hại thì chủ của các cấu trúc phải bồi thường thiệt hại.

Điều 434 BLDS và Thương mại Thái Lan: Nếu tổn thất xảy ra vì lý do xây dựng tồi hoặc không được bảo trì đầy dủ đối với một ngôi nhà hoặc kiến trúc khác thì người chiếm hữu ngôi nhà hoặc kiến trúc đó có bổn phận bồi thường; nhưng nếu người chiếm hữu đó đã có sự chăm nom thích đáng để ngăn ngừa xẩy ra tổn thất thì chủ sở hữu có bổn phận bồi thường.

[5]  Điều 717 BLDS Nhật Bản, Điều 434 BLDS và Thương mại Thái Lan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon