Một vấn đề khá quan trọng đối với một doanh nghiệp đang hoạt động hoặc sắp được thành lập mới chính là thuế. Cụ thể, đối với một doanh nghiệp, cần chú ý đến thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là một trong những loại thuế bắt buộc phải đóng của các công ty có hoạt động kinh doanh và sản xuất hàng hoá. Vậy thuế thu nhập doanh nghiệp là gì và những vấn đề liên quan như thế nào sẽ là nội dung chính trong bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý
- Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật thuế thu nhập doanh nghiệp do Văn phòng Quốc hội ban hành;
- Thông tư 78/2014/TT-BTC;
- Thông tư 96/2015/TT-BTC;
- Luật quản lý thuế năm 2019;
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp là mức thuế phải nộp trên một đơn vị hành hoá hoặc thu nhập chịu thuế. Thuế suất được tính trên đơn vị hàng hoá, thu nhập tính thuế hoặc được Nhà nước ấn định với từng loại hàng hoá, dịch vụ cụ thể.
Căn cứ tại Điều 10 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất được quy định như sau:
Điều 10. Thuế suất
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại Điều 13 của Luật này.
Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% quy định tại khoản này chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.
Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là doanh thu của năm trước liền kề.
3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
Như vậy, với mức quy định trên, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 2022 là 20% áp dụng với doanh nghiệp không thuộc trường hợp hưởng ưu đãi thuế, hoạt động khai thác một số loại khoáng sản quý, hiếm. Ngoài ra, mức thuế suất 20% còn được áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá hai mươi tỷ đồng và doanh thu làm căn cứ để xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của mức thuế này là doanh thu của năm trước liền kề.
Đối với mức thuế từ 32%-50% được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác. Trong đó, từng dự án, từng cơ sở kinh doanh sẽ phù hợp với một mức thuế cụ thể trong khoản từ 32%-50%.
Theo quy định trên, thuế suất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, tuy nhiên trong một số trường hợp, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế. Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Điều 11 Thông tư 96/2015/TT-BTC, thuế suất ưu đãi được quy định:
Mức thuế ưu đãi 10% trong thời hạn mười lăm năm được áp dụng đối với:
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao…
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Đối với mức thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động được quy định trong:
– Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, giám định tư pháp.
– Phần thu nhập của hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản.
– Phần thu nhập từ hoạt động báo in.
– Phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thuỷ sản ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn…
– Phần thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và đại bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Thuế suất ưu đãi 15% sẽ được áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Hơn nữa, mức thuế suất ưu đãi 20% (sẽ áp dụng thuế suất 17% kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016) cũng được áp dụng thành hai trường hợp. Trường hợp trong thời hạn 10 năm sẽ được quy định đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới. Đối với trong suốt thời gian hoạt động được áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô.
2. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Khi nhắc đến thuế thu nhập doanh nghiệp thì hầu hết mọi người đều biết người nộp thuế là doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là những hiểu biết mang tính khái quát, vì bên cạnh doanh nghiệp là đối tượng chính thì người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp còn gồm một số đối tượng khác.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm các đối tượng sau:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
– Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 2 Luật này cũng quy định về doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp rằng:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam.
– Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó.
– Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú.
– Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Cụ thể hơn về cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài được quy định tại khoản 3 Điều này ví dụ như chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, địa điểm xây dựng, cơ sở cung cấp dịch vụ, đại lý, đại diện tại Việt Nam… Riêng về đại diện tại Việt Nam, được quy định trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
3. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định rất rõ trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư 78/2014/TT-BTC. Cụ thể về công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại Điều 1 của Thông tư 96/2015/TT-BTC như sau:
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = [ Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) ] x Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, để tính được số thuế phải nộp cần phải biết thu nhập tính thuế là bao nhiêu và nắm rõ quy định về thuế suất.
Thu nhập tính thuế được tính theo như quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư 78/2014/TT-BTC:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định).
Và trong đó, thu nhập chịu thuế được quy định tại Điều 2 của Thông tư 96/2015/TT-BTC sẽ bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và thu nhập khác. Tại Điều này thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế dược xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác.
Về thuế suất, theo như những phân tích quy định trên, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp áp dụng mức thuế suất cao hơn như doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam hoặc áp dụng thuế suất ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao nên mức nộp thấp hơn.
Cụ thể hơn về các bước tính thuế thu nhập doanh nghiệp được hiểu như sau:
Bước 1: Tính doanh thu trong kỳ tính thuế, chi phí được trừ, các khoản thu nhập khác.
Bước 2: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức nêu trên.
Bước 3: Tính thu nhập được miễn thuế, các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định.
Bước 4: Tính thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo công thức.
Bước 5: Tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo công thức tổng quát.
Đây là quy trình tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế, phần mềm mà doanh nghiệp đang sử dụng và gửi cho cơ quan thuế sẽ cần nhiều thao tác phức tạp hơn.
4. Thời hạn khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Điều 44 của Luật quản lý thuế năm 2019, thời hạn khai, nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định như sau:
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với thuế khai theo tháng, theo quý nộp chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế và chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh…
Ngoài ra còn rất nhiều quy định chi tiết khác về thuế thu nhập doanh nghiệp tại những văn bản pháp luật liên quan. Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những loại thuế quan trọng giúp nhà nước duy trì nguồn quỹ ngân sách của mình. Chính vì vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định rất rõ ràng và cụ thể. Bài viết này có thể góp phần giúp bạn tránh tình trạng không nắm rõ các quy định pháp luật về thuế này khiến doanh nghiệp rơi vào tình huống vi phạm pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về thuế thu nhập doanh nghiệp 2022. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.