Họ, tên là yếu tố cơ bản để phân biệt người này với người khác sau khi nhận diện được hình dáng bên ngoài. Mỗi người cần một cái tên và nó là thứ đi theo con người đến hết cuộc đời. Đồng thời, thông qua việc sử dụng họ, tên, cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. Bên cạnh đó, trong những trường hợp nhất định mà pháp luật dân sự quy định, cá nhân có quyền yêu cầu thay đổi họ, tên của mình. Quyền thay đổi họ, tên của cá nhân cũng là một trong những quyền nhân thân được pháp luật ghi nhận. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích quyền thay đổi họ, tên và thủ tục thay đổi họ, tên, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hộ tịch năm 2014;
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật hộ tịch năm 2014;
1. Quyền thay đổi họ, tên
1.1. Khái niệm của quyền thay đổi họ, tên
Quyền nhân thân được quy định trong BLDS năm 2015 là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quyền thay đổi họ, tên của cá nhân cũng là một trong những quyền nhân thân vì họ, tên gắn liền với mỗi cá nhân, mọi người khi sinh ra đều được gia đình đặt họ, tên một cách riêng biệt.
Họ, tên của cá nhân được pháp luật thừa nhận là họ, tên được ghi trong giấy khai sinh. Cái tên này sẽ mang ý nghĩa pháp lý và là tên gọi cố định. Tuy nhiên pháp luật không yêu cầu cá nhân phải giữ tên đã đăng ký khai sinh cả đời mà có thể thay đổi họ, tên của mình khi đã đăng ký khai sinh. Pháp luật quy định mỗi cá nhân có quyền thay đổi họ, tên của mình, tuy nhiên phải trong giới hạn nhất định, nên không phải trong mọi hoàn cảnh cá nhân đều có thể thay đổi họ, tên của mình.
Quyền thay đổi họ, tên của cá nhân được quy định tại Điều 27, 28 của BLDS năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong từng trường hợp được quy định cụ thể. Hiện nay pháp luật dân sự chưa có quy định cụ thể về khái niệm của quyền thay đổi họ, tên. Do đó, quyền thay đổi họ, tên có thể được hiểu là quyền nhân thân mà pháp luật quy định cho cá nhân có quyền thay đổi họ, tên mà không thay đổi các quyền và nghĩa vụ pháp lý được xác lập theo họ, tên cũ và không thể chuyển giao cho người khác.
1.2. Các thuật ngữ tiếng Anh có liên quan
– Fullname: họ tên đầy đủ
– Firstname: tên
– Surname/Lastname: họ
– Power to change name: quyền thay đổi tên
1.3. Đặc điểm của quyền thay đổi họ, tên
– Quyền thay đổi họ, tên là quyền gắn liền với bản thân của mỗi con người, gắn liền với cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân, có liên quan mật thiết tới danh dự, nhân phẩm, uy tín, của người đó. Việc thực hiện quyền thay đổi họ, tên cần phù hợp với quy định về quyền nhân thân theo quy định của BLDS.
– Quyền thay đổi họ, tên luôn gắn với một cá nhân xác định, không được phép chuyển giao cho người khác. Ngoài ra, quyền thay đổi họ, tên không xác định được bằng tiền. Về cơ bản, chủ thể của quyền thay đổi họ, tên chỉ được hưởng lợi ích tinh thần mà không được hưởng lợi ích vật chất. Những lợi ích vật chất mà chủ thể được hưởng là do giá trị tinh thần mang lại.
– Quyền thay đổi họ, tên được xác lập không phải dựa trên các sự kiện pháp lý mà chúng được xác lập trực tiếp trên cơ sở những quy định của pháp luật. Với các quy định của BLDS năm 2015 chính là điều kiện quan trọng cho việc thay đổi họ, tên trên phương diện lý luận và thực tiễn. Đồng thời, quyền thay đổi họ, tên là một loại quyền tuyệt đối. Các chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng giá trị nhân thân được bảo vệ.
– Quyền thay đổi họ, tên của các cá nhân trong thực tế được cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) điều hành và kiểm soát bằng việc xây dựng các quy định pháp lý đảm bảo cho hoạt động này. Bởi vì luật chỉ đưa ra các điều kiện giả định để quy định quyền và nghĩa vụ cho các hoạt động của các chủ thể trong quy định về quyền thay đổi họ, tên; đưa ra các quy phạm được phép hay không được phép trong các hoạt động quyền thay đổi họ, tên nói chung nên cơ quan quản lý nhà nước phải tự quyết định hành động trong khuôn khổ của những điều kiện và phạm vi đã xác định của luật, đảm bảo tính phổ biến và công bằng.
2. Ý nghĩa của việc thay đổi họ, tên
– Quyền thay đổi họ, tên đảm bảo lợi ích cho người dân. Thông qua các quy định về quyền thay đổi họ, tên, Nhà nước đảm bảo quy định về quyền nhân thân cho mỗi con người.
– Quyền thay đổi họ, tên nói riêng cùng việc bảo vệ các giá trị nhân thân nói chung góp phần xác định vị trí của con người trong xã hội nên nó có ý nghĩa như là sự thể hiện trình độ phát triển của toàn xã hội. Bằng cách đó, mức độ tự do của cá nhân trong xã hội được quy chiếu với mức độ công bằng và tự do của chính xã hội.
– Quyền thay đổi họ, tên có vai trò trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm về đảm bảo quyền nhân thân diễn ra trong những năm trở lại đây. Thông qua đó, với việc quy định các điều cấm và hình thức xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm về quyền nhân thân có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền thay đổi họ, tên ở nước ta trong thời gian qua.
– Quy định về quyền thay đổi họ, tên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề quyền nhân thân. Những quy định về quyền thay đổi họ, tên có vai trò trong việc giáo dục truyền thông về quyền nhân thân từ đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề quyền nhân thân vốn đã rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian tới.
3. Thủ tục thay đổi họ, tên
3.1. Điều kiện được thay đổi họ, tên
* Điều kiện được thay đổi họ:
Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận 08 trường hợp cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, gồm:
– Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
– Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
– Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
– Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
– Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
– Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
– Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
– Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
* Điều kiện được thay đổi tên:
Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong 07 trường hợp sau đây:
– Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
– Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
– Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
– Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
– Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
– Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
– Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 09 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
3.2. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đổi họ, tên
– Trong trường hợp người thay đổi họ, tên chưa đủ 14 tuổi thì căn cứ điều 27 Luật Hộ tịch 2014 Ủy ban nhân dân cấp xã/thị trấn nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết thủ tục thay đổi họ, tên trong giấy khai sinh.
– Ngoài ra, đối với trường hợp người thay đổi họ, tên từ đủ 14 tuổi trở lên căn cứ tại khoản 3 Điều 46, Luật hộ tịch 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.
3.3. Thủ tục thay đổi họ, tên
Bước 1: Người yêu cầu thay đổi họ, tên nộp tờ khai cải chính hộ tịch theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Đồng thời, cần xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi họ, tên và các giấy tờ có liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên của người đó.
Bước 2: Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Sau đó, ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Trường hợp đăng ký thay đổi họ, tên không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Như vậy, bài viết trên đây đã phân tích về quyền thay đổi họ, tên và thủ tục thay đổi họ, tên. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.