Tài sản góp vốn là gì? Các loại tài sản góp vốn?

tai-san-gop-von-la-gi-cac-loai-tai-san-gop-von

Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, góp vốn là khâu có ảnh hưởng lớn không chỉ đến quyền lợi của các thành viên trong công ty mà còn ảnh hưởng tới sự hoạt động của công ty sau khi thành lập. Vì vậy, để tạo môi trường pháp lý lành mạnh, an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, pháp luật doanh nghiệp được chú trọng xây dựng và từng bước hoàn thiện, Luật doanh nghiệp năm 2020 đã có những quy định điều chỉnh quan hệ góp vốn thành lập doanh nghiệp, trong đó có quy định cụ thể về tài sản góp vốn. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về tài sản góp vốn và các loại tài sản góp vốn.

Căn cứ pháp lý:

– Luật doanh nghiệp năm 2020;

1. Tài sản góp vốn là gì?

Khoản 1 điều 34 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 thì “tài sản khác” đó là vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

– Theo khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Về quyền sở hữu công nghiệp, khoản 4 điều này cũng quy định quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Như vậy, về nguyên tắc, mọi tài sản đều có thể sử dụng để góp vốn vào công ty chỉ cần đạt được thỏa thuận thống nhất của các thành viên sáng lập đối với trường hợp góp vốn thành lập công ty. Việc Luật doanh nghiệp năm 2020 cho phép sử dụng nhiều loại tài sản để góp vốn vào công ty, một mặt là sự bảo đảm trên thực tế các quyền năng của chủ sở hữu tài sản, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khi tạo lập sản nghiệp thương mại để đầu tư kinh doanh.

2. Các loại tài sản góp vốn

– Góp vốn bằng tiền:

Góp vốn bằng tiền là việc cá nhân hay tổ chức đem chuyển một khoản tiền (Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ) hay những giấy tờ có giá như ngân phiếu hay trái phiếu của mình để thành lập doanh nghiệp và hưởng quyền tài sản từ việc góp vốn. Hành vi dịch chuyển tài sản chỉ được thực hiện xong khi nào thành viên góp vốn hoàn thành nghĩa vụ góp tiền.

Góp vốn bằng tiền có tính chất giống với việc bỏ tiền ra mua quyền lợi trong công ty và người góp vốn ban đầu chính là những người tạo ra những quyền lợi cho công ty. Tuy nhiên, khi đã cam kết góp vốn bằng tiền mà không góp hay góp không đúng hạn như đã cam kết, thì người cam kết bị coi là đã nợ công ty khoản tiền cam kết đó theo quy tắc chung của việc góp vốn. Việc góp vốn hay trả nợ vốn này có thể thực hiện bằng các phương tiện thanh toán. Đối với việc góp vốn bằng tiền mặt các thành viên phải xác định rõ để thuận lợi cho công tác hạch toán thu chi của doanh nghiệp.

– Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất:

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên theo điều kiện, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, theo đó người sử dụng đất đưa quyền sử dụng đất của mình hợp vào vốn của doanh nghiệp để hợp tác sản xuất, kinh doanh với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khác ở trong và ngoài nước.

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước đã được Nhà nước giao, cho thuê đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp (trừ trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền). Còn tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam không được pháp luật cho hưởng quyền này.

Do đặc điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước giao đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, nên đối tượng của việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất là quyền sử dụng đất chứ không phải bản thân đất đai. Sau khi góp vốn để sản xuất, kinh doanh thì quyền sử dụng đất trở thành tài sản của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp bị phá sản thì quyền sử dụng đất góp vốn sẽ bị xử lý theo quy định của Luật phá sản và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Giá trị góp vốn được xác định không chỉ bao gồm giá trị quyền sử dụng đất mà còn bao gồm giá trị tài sản thuộc sở hữu của bên góp vốn gắn liền với đất. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, đất đai luôn gắn liền với các tài sản trên đất và trong một số trường hợp việc xác định giá trị của BĐS không thể tách bạch rạch ròi giữa giá trị quyền sử dụng đất với giá trị của tài sản trên đất.

– Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ:

Quyền sở hữu trí tuệ là những quyền của chủ sở hữu đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý… Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

Một trong những lợi ích thiết thực dễ thấy nhất từ sở hữu trí tuệ là đặc quyền sử dụng phát minh, sáng chế, thương hiệu. Điều này tạo ra vị thế cạnh tranh rõ rệt đối với các đối thủ trên thương trường. Không những thế, bản chất của những sản phẩm mang tính sáng tạo là khả năng tạo ra lợi nhuận cao. Do đó, quản lý tốt vấn đề sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến doanh thu, lợi nhuận cũng như các chỉ số tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp đang tìm cách tăng vốn, quản lý sở hữu trí tuệ có thể là một công cụ hữu ích, bởi nó làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư cũng như các nhà phân tích. Ví dụ, một doanh nghiệp nắm trong tay càng nhiều bằng sáng chế thì càng được định giá cao, cả trước và sau khi phát hành cổ phiếu.

Những lý do trên đây không chỉ đơn thuần giải thích cho sự cần thiết và tầm quan trọng của các tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ để thành lập doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với một doanh nghiệp.

– Góp vốn bằng công nghệ, bí quyết kỹ thuật:

Bí quyết kỹ thuật là là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của một sản phẩm hay thậm chí là cả một doanh nghiệp. Còn công nghệ nói chung là những phát minh các công cụ để thay thế máy móc kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh nói riêng.

Việc góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật chính là chuyển giao các quyền tài sản khác cho doanh nghiệp, có thể là quyền hưởng dụng, quyền định đoạt các tài sản đó.

3. Thủ tục góp vốn

3.1. Định giá tài sản góp vốn

– Trước khi chuyển quyền sở hữu tài sản, việc định giá tài sản có ý nghĩa hết sức quan trọng vì xác định giá tài sản đem góp vốn sẽ quyết định tỷ lệ phần vốn góp quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn. Theo quy định tại Điều 36 Luật doanh nghiệp 2020 thì những tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng thì phải được định giá.

– Về phương thức định giá, việc định giá được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên hoặc định giá bởi một bên thứ ba. Các bên có thể thỏa thuận xác định giá trị của tài sản góp vốn bằng con số cụ thể hoặc xác định công thức tính giá trị bằng các tham số có tác dụng làm cho giá trị của tài sản được xác định chính xác tại thời điểm góp vốn. Giá trị của tài sản được thông qua theo nguyên tắc nhất trí. Ngoài ra, để đảm bảo việc định giá đúng giá trị tài sản góp vốn, các bên cũng có thể thỏa thuận thuê một tổ chức định giá chuyên nghiệp để xác định giá. Tuy nhiên, giá do tổ chức chuyên nghiệp định giá chỉ mang tính chất tham khảo; mà việc quyết định giá là do các bên góp vốn quyết định và thỏa thuận.

Đồng thời, luật cũng nghiêm cấm hành vi cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

3.2. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty của người góp vốn được thực hiện thông qua việc chuyển giao pháp lý và chuyển giao vật chất.

– Chuyển giao pháp lý:

Khoản 1 Điều 35 Luật doanh nghiệp 2020 quy định thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

+ Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

+ Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

– Chuyển giao vật chất:

Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản. Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tài sản góp vốn và các loại tài sản góp vốn. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon