Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

toi-giet-hoac-vut-bo-con-moi-de

Hàng năm, trên cả nước có khá nhiều trường hợp trẻ sơ sinh vừa chào đời bị vứt bỏ, bị bỏ rơi, thậm chí bị chính những người mẹ vừa mới sinh ra tước đoạt đi mạng sống, trong đó có những vụ án thể hiện sự tàn bạo trong hành vi của người phạm tội, gây bất binh, phẫn nộ trong nhân dân. Hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ của những người mẹ cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là những hành vi tàn ác, trái đạo đức xã hội. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích tội giết hoặc vứt bỏ con mới để được quy định trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Cấu thành tội phạm của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ gồm:

* Mặt khách thể của tội phạm:

– Tội giết hoặc vứt bỏ con mới trực tiếp xâm phạm vào quyền được sống của con người, đạo đức xã hội, xâm phạm vào những quy định của luật pháp quốc tế về nhân quyền, Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà nước ta là thanh viên tham gia ký kết.

– Đối tượng tác động của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ chính là những đứa trẻ mới được sinh ra trong vòng thời gian 7 ngày tuổi trở lại (tính từ khi sinh ra). Nếu đứa trẻ từ khi sinh ra đến khi bị xâm hại mà vượt quá 07 ngày, thì đứa trẻ đó không còn là đối tượng tác động của tội giết hoặc vứt bỏ con mới để theo quy định của BLHS nữa mà nó sẽ chuyển thành đổi tượng tác động của những loại tội phạm khác (tội giết người, tôi vô ý làm chết người,…).

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan:

+ Hành vi giết con mới đẻ được biểu hiện dưới dạng hành động, thể hiện bằng các hành vi như bóp cổ, đánh, thả từ trên cao xuống, dìm xuống nước… Mặt khác, các hành vi này còn biểu hiện dưới dạng không hành động như không có con minh bú sữa vì một nguyên nhân nào đó, nên dẫn đến đứa trẻ chết…

+ Hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết được thể hiện dưới dạng hành động như vứt bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài nghĩa trang, cổng trường học, cổng bệnh viện, cổng nhà thờ, nhà chùa… Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

– Hậu quả:

+ Tội giết con mới đẻ có cấu thành tội phạm vật chất, dấu hiệu hậu quả được mô tả trong cấu thành tội phạm. Vì vậy, khi hậu quả xảy ra thì tội phạm được coi là hoàn thành. Trường hợp người mẹ có hành vi giết con mới đẻ nhưng nạn nhân không chết tức là hậu quả chết người không xảy ra, thì hành vi phạm tội được xác định là phạm tội chưa đạt.

+ Đối với hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết bắt buộc phải có hậu quả đứa trẻ bị vứt bỏ đã chết thì mới có thể cấu thành tội phạm. Trường hợp vứt bỏ mà nạn nhân không chết, tức là hậu quả không xảy ra thì hành vi của người mẹ không cấu thành tội phạm.

– Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả: Hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới để là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đứa con mới đẻ chết.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

– Hành vi giết con mới đẻ thể hiện lỗi cố ý của chủ thể, gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.

+ Trường hợp người mẹ hiểu, nhận thức và thấy trước hậu quả xảy ra đối với hành vi khách quan của mình là đánh đập, thả từ trên cao xuống, vứt xuống ao, nhét vào túi nilon rồi buộc chặt lại .. và mong muốn cho hậu quả đứa trẻ chết xảy ra. Trường hợp này, lỗi của người mẹ là lỗi cố ý trực tiếp.

+ Ở trường hợp khác, người mẹ sau khi sinh ra đứa trẻ, mang vứt đứa trẻ vào trong rừng sâu, nơi nghĩa trang vắng vẻ, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đứa trẻ chết xảy ra, đó là lỗi cố ý gián tiếp của người mẹ.

– Lỗi của chủ thể tội phạm trong trường hợp phạm tội vứt bỏ con mới đẻ là lỗi cố ý gián tiếp. Mọi trường hợp chủ thể mong muốn đứa trẻ chết đều phải bị coi là giết con mới đẻ. Chỉ được coi là “vứt bỏ” khi người phạm tội không mong muốn mà chỉ chấp nhận đối với hậu quả là đứa trẻ chết.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

– Người phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới để phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên).

– Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là một trong những tội phạm có chủ thể đặc biệt theo quy định của Bộ luật hình sự. Chủ thể của tội phạm này ngoài việc thỏa mãn hai dấu hiệu là có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì còn cần phải có những dấu hiệu đặc biệt khác như quy định tại điều luật. Điều 124 BLHS năm 2015 tại cả Khoản 1 cũng như Khoản 2 đều dùng thuật ngữ chỉ chủ thể đặc biệt của tội phạm này đó là “người mẹ nào ”.  Chủ thể của tội phạm này phải thỏa mãn hai điều kiện:

+ Thứ nhất phải là những “người mẹ mới sinh con trong vòng 07 ngày”;

+ Thứ hai là phải “chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt”. Người mẹ này chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu có thể là việc người mẹ khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú hoặc trước dư luận khắc nghiệt của nhà chồng cho đẻ con gái là tai họa v.v… Hoàn cảnh khác quan đặc biệt chi phối vì dụ như là đứa trẻ sinh ra có dị dạng… Nếu người mẹ chỉ vì những nguyên nhân khác ví dụ như giận dỗi chồng vì không quan tâm chăm sóc, ngoại tình với người khác, sợ chồng biết đứa trẻ không phải là con của chồng mà không liên quan đến tư tưởng lạc hậu và trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt, thì không thuộc trường hợp phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới để theo quy định của BLHS.

Đó chính là yếu tố tạo nên tính đặc biệt của chủ thể tội phạm này. Những người thân thích, ruột thịt khác của đứa trẻ (cha ruột, ông bà nội, ông bà ngoại…) khi có hành vi tương tự cũng không thể bị kết án về tội này. Hành vi cố ý tước đoạt mạng sống đứa trẻ của những người thân thích, ruột thịt khác có thể cấu thành tội phạm giết người với khung hình phạt và mức hình phạt nặng hơn rất nhiều.

2. Phân biệt tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ với tội giết người

Tội giết người Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Khái niệm Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.

 

Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là hành vi của người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong bảy ngày tuổi hoặc vứt bỏ con do mình đẻ ra trong bảy ngày tuổi dẫn đến hậu quả đưa trẻ chết.
Đối tượng tác động Đối tượng tác động của tội giết người là tất cả những con người đang sống. Đối tượng tác động của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ chỉ là con mới sinh ra trong bảy ngày tuổi.
Hành vi khách quan Người phạm tội giết người thực hiện các hành vi nhằm tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật (giết), được thể hiện qua hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt sự sống. Hành vi được thực hiện dưới hình thức hành động (thể hiện qua việc người phạm tội đã cố tình thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép nhằm tước đoạt mạng sống người khác như dùng súng bắn, dùng dao đâm, siết cổ..) hoặc không hành động (thể hiện qua việc người phạm tội đã không thực hiện nghĩa vụ phải làm để cứu giúp người khác nhằm giết người. + Hành vi giết con mới đẻ được biểu hiện dưới dạng hành động, thể hiện bằng các hành vi như bóp cổ, đánh, thả từ trên cao xuống, dìm xuống nước… Mặt khác, các hành vi này còn biểu hiện dưới dạng không hành động như không có con minh bú sữa vì một nguyên nhân nào đó, nên dẫn đến đứa trẻ chết…

+ Hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết được thể hiện dưới dạng hành động như vứt bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài nghĩa trang, cổng trường học, cổng bệnh viện, cổng nhà thờ, nhà chùa… Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.

Lỗi Chủ thể của tội giết người thực hiện hành vi với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). – Chủ thể của tội giết con mới đẻ thực hiện hành vi với lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp).

– Đối với hành vi vứt bỏ con mới đẻ, lỗi của người phạm tội chỉ có thể là cố ý gián tiếp

Chủ thể của tội phạm Đối với tội giết người, chủ thể của tội phạm có thể là bất cứ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ có chủ thể đặc biệt đó là người mẹ của đứa trẻ mới sinh trong vòng 07 ngày bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt, đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên.
Hình phạt Tội giết người có khung hình phạt cơ bản là từ 07 đến 15 năm tù. Đối với khung hình phạt tăng nặng đặc biệt theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 BLHS, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội giết con mới để theo quy định tại Khoản 1, Điều 124 BLHS có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người phạm tội vứt bỏ con mới đẻ theo quy định tại Khoản 2, Điều 124 BLHS có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon