Điều chỉnh chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội        

dieu-chinh-chinh-sach-hinh-su-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi

Nhìn một cách tổng quát có thể thấy rằng, BLHS năm 2015 đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới tại phần những quy định chung, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trong chính sách xử lý người phạm tội trên tinh thần hướng thiện rõ ràng và sâu sắc, đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Tính hướng thiện trong chính sách xử lý người phạm tội được thể hiện đậm nét trong các quy định của BLHS năm 2015 liên quan đến việc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là đối với các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên

1. Bổ sung các nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất

Thực hiện chủ trương xử lý hướng thiện đối với người chưa thành niên phạm tội, BLHS năm 2015 bổ sung một số nguyên tắc về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là các nguyên tắc “việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”;

“Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm” (khoản 1 Điều 91) hoặc nguyên tắc “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa” (khoản 6 Điều 91).

Đây được xem là những nguyên tắc mang tính định hướng xuyên suốt trong việc quy định các chính sách hình sự tại phần các quy định chung và phân các tội phạm cụ thể của BLHS năm 2015 cũng như trong quá trình vận dụng pháp luật vào thực tiễn xử lý người chưa thành niên phạm tội.

2. Thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự

 Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, BLHS năm 2015 đã thu hẹp đáng kể phạm vi trách nhiệm hình sự của đối tượng này. Theo đó, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện 29 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS (chiếm tỷ lệ 9,23%) thuộc 04 nhóm tội phạm: (1) các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; (2) các tội xâm phạm sở hữu; (3) các tội phạm về ma túy; (4) các tội xâm phạm an toàn công cộng[1].

Ngoài ra, các em trong độ tuổi này cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 04 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS năm 2015 (chiếm tỷ lệ 1,27%). Đó là các tội: giết người (Điều 123); cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); cướp tài sản (Điều 168) và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).

Như vậy, có thể thấy, trên cơ sở cân nhắc tính chất, mức độ nghiêm trọng và tính phổ biến của hành vi phạm tội do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi gây ra trong thời gian qua cũng như dự báo trong thời gian tới, BLHS năm 2015 đã xác định nhóm các tội danh mà các em trong độ tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự (kể cả trường hợp chuẩn bị phạm tội) chủ yếu tập trung vào các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người và an toàn công cộng.

3. Mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm hình sự và bổ sung quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự

BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội so với BLHS năm 1999. Theo đó, không chỉ người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn mới được miễn trách nhiệm hình sự như quy định của BLHS năm 1999, mà cả những người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng cũng được miễn trách nhiệm hình sự (chỉ trừ 08 tội phạm cụ thể[2]).

Đồng thời, BLHS năm 2015 cũng bổ sung quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý (trừ một số trường hợp cụ thể[3]) và đối với người dưới 18 tuổi là đồng phạm trong các vụ án nhưng có vai trò không đáng kể.

Cùng với quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với từng đối tượng người chưa thành niên phạm tội, BLHS năm 2015 bổ sung 03 biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp các em được miễn trách nhiệm hình sự. Đó là: (1) khiển trách; (2) hòa giải tại cộng đồng; (3) biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Bộ luật cũng quy định rõ điều kiện áp dụng từng biện pháp cụ thể nêu trên.

[1] Khoản 2 Điều 12 BLHS quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

– Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

– Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

– Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

– Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

– Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

– Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

[2] Điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định không miễn trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu phạm tội quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản), Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy), Điều 252 (tội c hiếm đoạt chất ma túy).

[3] Điểm b khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 quy định không miễn trách nhiệm hình sự đói với người từ đủ 14 tuổ đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4,5,6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 142 (tội  hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dẫm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản), Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy), Điều 252 (tội c hiếm đoạt chất ma túy).

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon