Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, xuất phát từ tội phạm mang tính chất chiếm đoạt tài sản và các tội phạm về tham nhũng khác. Hành vi khách quan của tội phạm có tính nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự công cộng, trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. BLHS năm 2015 quy định chế tài xử lý đối với tội phạm này rất nghiêm khắc. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự  năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

* Mặt khách thể của tội phạm:

– Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xâm phạm đến trật tự công cộng – là một trong những khách thể quan trọng được luật hình sự bảo vệ. Ttrật tự công cộng được hiểu là tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật tại nơi công cộng.

– Đối với tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối tượng tác động là tài sản do người khác phạm tội mà có và phải là những tài sản có được do người khác thực hiện các tội phạm thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội phạm khác như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản …

* Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được thể hiện bởi hai loại hành vi là: Hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

– Hành vi chứa chấp được hiểu là hành vi cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản (trực tiếp hoặc nhờ người khác) và việc cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản này có thể ở bất cứ địa điểm nào hoặc là hành vi tạo điều kiện giúp người phạm tội về địa điểm cất giấu cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản như “cho để nhờ, cho thuê địa điểm” và địa điểm đó có thể là tại nơi ở, nơi làm việc hoặc trong phương tiện giao thông của mình.

– Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi có tính chất làm “chuyển đổi” tài sản do phạm tội mà có thành tài sản hợp pháp thông qua các hành vi như mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc hành vi tạo điều kiện để thực hiện các hành vi trên như giới thiệu để người khác mua, chuyển tài sản đó.

Hành vi chứa chấp” hoặc “tiêu thụ chỉ thuộc hành vi khách quan của tội này khi người thực hiện hành vi “chứa chấp” hoặc “tiêu thụ” tài sản từ người phạm tội. Nếu như người thực hiện hành vi “chứa chấp” hoặc “ tiêu thụ” không nhận tài sản từ người phạm tội và bản thân cũng không biết tài sản mà mình đang cất, giữ, mua bán, trao đổi là tài sản do phạm tội mà có thi hành vi của họ không phạm tội này.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý rằng, chỉ truy cứu TNHS về hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có khi hành vi này được thực hiện mà không có sự hứa hẹn, bàn bạc hoặc thảo luận với người thực hiện tội phạm từ trước khi người phạm tội có được tài sản từ việc thực hiện tội phạm. nếu có sự hứa hẹn, bàn bạc, thảo luận từ trước thì người chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có sẽ bị coi là đồng phạm với người đã thực hiện tội phạm mà có được tài sản với vai trò giúp sức.

* Mặt chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước hậu quả của hành vi đỏ và mong muốn hậu quả xảy ra.

Động cơ và mục đích phạm tội trong mặt chủ quan của tôi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không phải là dấu hiệu bắt buộc, không có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm nhưng lại có ý nghĩa đối với việc xác định mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm. Động cơ của người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, có thể là vì tư lợi cá nhân mà đã tiêu thụ tài sản, hoặc do tham lam, cả nể, thương hại mà chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có…

2. Hình phạt của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

2.1. Khung hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015

Khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 quy định hình phạt áp dụng đối với người phạm tội chưa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cụ thể Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2.2. Khung hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 323 BLHS năm 2015

Khoản 2 Điều 323 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng thứ nhất của tội phạm với mức cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù, đây là tội phạm nghiêm trọng.

– Phạm tội có tổ chức: phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm trong đó phải có người thực hành và một trong những người khác như người tổ chức (cầm đầu), người xúi giục, người giúp sức. Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác được cá thể hóa thông qua hậu quả của hành vi của người thực hành.

– Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp: người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp nếu phạm tội từ năm lần trở lên về cùng tội này và người phạm tội lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

– Tài sản vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng: Đây là trường hợp người phạm tội chứa chấp, tiêu thụ tà sản do người khác phạm tội mà có chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản có trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

– Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng: Đây là trường hợp người phạm tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thu được những khoản lợi nhất định từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng (có thể là tiền hoặc tài sản ) do thực hiện hành vi chứa chấp nên được trả công, hoặc tiêu thụ tài sản như bán, trao đổi tài sản do người khác phạm tội mà có nên đã thu được những khoản lợi bất chính từ những việc làm trên.

– Tái phạm nguy hiểm: người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm trong trường hợp: nếu người đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng. tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 323 BLHS năm 2015, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bất kể trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 333 BLHS năm 2015.

2.3. Khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 323 BLHS năm 2015

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm trong trường hợp có một trong các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt là:

– Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

– Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng

2.4. Khung hình phạt quy định tại Khoản 4 Điều 323 BLHS năm 2015

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm trong trường hợp có một trong các tỉnh tiết định khung tăng nặng hình phạt là:

– Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.

– Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

Theo quy định của khoản 4 Điều 323 BLHS thì mức cao nhất của khung hình phạt là đến 15 năm tù Như vậy, khoản 4 Điều 323 BLHS thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng

2.5. Khung hình phạt quy định tại Khoản 5 Điều 323 BLHS năm 2015

Khoản 5 của Điều 323 BLHS quy định: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đây là hình phạt bổ sung áp dụng đối với người phạm tội hoặc chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Như vậy, ngoài hình phạt chính như quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 323 BLHS năm 2015 thì người phạm tội hoặc chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tùy từng trường hợp cụ thể còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hinh phạt tiền với mức hình phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản nhằm hỗ trợ cho hình phạt chính đạt được mục đích tối đa, hoặc loại bỏ những điều kiện thuận lợi mà người phạm tội có thể sử dụng để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội lại.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon