Tội nhận hối lộ

toi-nhan-hoi-lo

Trong những năm qua, nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng và những hậu quả nguy hại của tệ nạn nhận hối lộ, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đấu tranh nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi hối lộ nói chung và nhận hối lộ nói riêng. Tuy nhiên, nạn hối lộ và nhận hối lộ vẫn diễn ra hết sức phổ biến, ngày càng tinh vi, khó phát hiện và có nguy cơ lan rộng ở mọi ngành, mọi cấp. BLHS đã quy định chế tài xử lý rất nghiêm khắc đối với người phạm tội nhận hối lộ, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tội nhận hối lộ qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

1. Cấu thành tội phạm của tội nhận hối lộ

* Mặt khách thể của tội nhận hối lộ:

Tội nhận hối lộ xâm phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức mà họ là thành viên, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Cụ thể là các quan hệ bảo đảm tính liêm chính, tính vô tư và công minh trong hoạt động thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức.

Đối tượng tác động của tội phạm này chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn.

* Mặt khách quan của tội nhận hối lộ:

– Hành vi khách quan của tội nhận hối lộ: Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích phi vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là sử dụng chức vụ, quyền hạn vào việc thực hiện tội phạm. Lợi dụng chức vụ là lợi dụng chức danh công tác, chức danh hoặc quyền hạn được giao. Lợi dụng quyền hạn là lợi dụng quyền năng cụ thể được giao do có chức vụ hoặc do một căn cứ khác. Chính nhờ có chức vụ, quyền hạn chủ thể mới có khả năng giải quyết được việc người khác đang mong muốn và người có việc đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn cũng vì chủ thể có khả năng này. Như vậy, hành vi nhận hối lộ chỉ có thể được thực hiện trong mối quan hệ với chức năng, quyền hạn của chủ thể. Chỉ thông qua thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn chủ thể mới có thể nhận lợi ích vật chất để làm hoặc không làm việc mà người đưa hối lộ yêu cầu.

Hành vi nhận của hối lộ có thể được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào khác, không chỉ là việc nhận tiền hay lợi ích vật chất một cách thuần túy theo kiểu trao tay. Các hình thức nhận hối lộ khác dù được che đậy dưới vỏ bọc hợp pháp như việc nhận các khoản thưởng hoặc tiền thù lao (thực chất không chính đáng), việc nhận lợi ích bất chính thông qua các hình thức hợp đồng (như hợp đồng vay tiền nhưng sau đó không hoàn trả, hợp đồng bán tài sản với giá cao hơn hoặc mua tài sản với giá thấp hơn giá trị thực tế của tài sản), hoặc qua các loại hình dịch vụ (không phải trả chi phí) đều bị coi là tội phạm. 

Tài sản hối lộ không chỉ là tiền, tài sản mà còn có thể là lợi ích phi vật chất. Phi vật chất tức là những lợi ích tuy không có tính hữu hình và quy giá trị thành tiền nhưng có khả năng đem lại sự hài lòng, sự thỏa mãn cho người nhận, do đó có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động thực thi công vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: khen ngợi trên phương tiện truyền thông, việc quan hệ tình dục, tặng huân, huy chương cho người thân… Do đó hành vi trao và nhận những lợi ích này bị xem là phạm tội hối lộ.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận lợi ích vật chất trái pháp luật cấu thành tội nhận hối lộ khi giá trị “của hối lộ” từ 2 triệu đồng trở lên. Ngoài ra hành vi nêu trên có thể CTTP khi “của hối lộ” dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong hai trường hợp: Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đối với những trường hợp của hối lộ là lợi ích phi vật chất, hành vi luôn CTTP không tính đến giá trị của hối lộ.

Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội nhận hối lộ là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành cơ bản, tức là dù hậu quả xảy ra chưa thì hành vi của người phạm tội vẫn CTTP.

* Mặt chủ quan của tội nhận hối lộ:

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp và động cơ của người phạm tội là động cơ vụ lợi. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra, không có trường hợp nhận hối lộ nào được thực hiện do cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn nhận được của hối lộ. 

* Mặt chủ thể của tội nhận hối lộ:

Chủ thể của tội nhận hối lộ phải đảm bảo các điều kiện về chủ thể của tội phạm nói chung, như: độ tuổi và năng lực TNHS. Bên cạnh những quy định chung về chủ thể của tội phạm, dấu hiệu về chủ thể của tội nhận hối lộ có những nét đặc thù riêng, đó là người phạm tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn. 

Đối với chủ thể của tội nhận hối lộ có tổ chức, ngoài những người có chức vụ, quyền hạn còn có thể có những người không có chức vụ, quyền hạn là chủ thể của tội phạm nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức còn người thực hành nhất thiết là phải có chức vụ, quyền hạn.

2. Hình phạt của tội nhận hối lộ

* Hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 354:

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

Đây là khung hình phạt cơ bản của tội nhận hối lộ với mức cao nhất của khung hình phạt là 07 năm tù nên đây là tội phạm nghiêm trọng.

* Hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 354:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 354, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng thứ nhất của tội nhận hối lộ với mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù nên đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Cụ thể:

– Có tổ chức: là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Không phải vụ án nào cũng có đủ những người đồng phạm như người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức; tùy từng trường hợp có thể không có đủ các dạng người trên, nhưng nhất định phải người tổ chức và người thực hành mới được coi là phạm tội có tổ chức. Phạm tội nhận hối lộ có tổ chức có những đặc điểm riêng về chủ thể như: người thực hành phải là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trực tiếp hoặc qua trung gian nhận của hối lộ.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn: là trường hợp người phạm tội nhận hối lộ để làm một việc vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình. Nếu một người không có chức vụ, quyền hạn nhưng lại mạo danh có chức vụ, quyền hạn để lấy của hối lộ thì không phải lạm dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ mà là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

– Phạm tội 02 lần trở lên: là trường hợp nhận hối lộ từ 2 lần trở lên một cách độc lập và mỗi lần như vậy đều cấu thành tội nhận hối lộ và chưa bị kết án về lần nào. Đồng thời những lần phạm tội đó đều chưa bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu TNHS. Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu TNHS hoặc đã hết thời hiệu truy cứu TNHS thì không được coi là phạm tội 02 lần trở lên.

– Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

– Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt:  là trường hợp người phạm tội chủ động đòi hỏi, yêu cầu, đề nghị, ép buộc, dọa dẫm người khác để họ đưa hối lộ cho mình. Đòi hối lộ, sách nhiễu hay dùng thủ đoạn xảo quyệt là những hành vi đòi hối lộ trắng trợn, có chủ đích của người nhận hối lộ. Trường hợp này thường gặp trong mối quan hệ công quyền, giữa những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước với những người đến các cơ quan đó để thực hiện một số thủ tục hành chính, ví dụ như: thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, nộp hồ sơ giấy tờ tại các Sở, ban ngành; khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế…

* Hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 354:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Đây là khung hình phạt tăng nặng thứ hai với mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù nên đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể:

– Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

– Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

* Hình phạt quy định tại Khoản 4 Điều 354:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt tăng nặng thứ ba với mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình nên đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể:

– Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

* Hình phạt bổ sung:

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.

* Quy định tại Khoản 6 Điều 354:

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Theo quy định được bổ sung tại khoản 6 Điều 354, chủ thể của tội nhận hối lộ còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Đó là những người làm công tác quản lý từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất hoặc những người tuy không có chức vụ nhưng được giao nhiệm vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức này và nhiệm vụ đó làm phát sinh quyền của họ đối với người khác.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về tội nhận hối lộ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon