Phân tích các giai đoạn tố tụng hình sự

phan-tich-cac-giai-doan-to-tung-hinh-su

Tố tụng hình sự là quá trình tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Tố tụng hình sự bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan nhà nước khác và tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật. Mỗi giai đoạn tố tụng khác nhau, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của mình theo luật định, mỗi giai đoạn tố tụng đều có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ phân tích các giai đoạn của Tố tụng hình sự, rất mong sẽ giúp ích cho bạn đọc các kiến thức pháp luật liên quan đến tố tụng hình sự.

Căn cứ pháp lý:

1. Tố tụng hình sự là gì?

Tố tụng hình sự là các thức, trình tự tiến hành các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Các giai đoạn tố tụng hình sự bao gồm: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án mà quyết định của toà án theo quy định của pháp luật tố tụng quá trình giải quyết vụ án hình sự bao gồm các giai đoạn nhất định của pháp luật.

Mỗi giai đoạn tố tụng đều được tiến hành một cách đọc lập do từng cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, có trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn của tố tụng đều có liên quan mật thiết với nhau, là một sự thống nhất bắt buộc phải có để giải quyết án hình sự.

2. Các giai đoạn tố tụng hình sự

2.1. Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

– Theo Điều 144 BLTTHS 2015:

“Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.”

– Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

Bộ Luật TTHS quy định cơ quan điều tra, viện kiểm sát và cơ quan khác được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. (Điều 145 Bộ luật TTHS 2015).

– Về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố (Điều 147 BLTTHS 2015)

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Có thể được Viện kiểm sát gia hạn thêm một lần nhưng cũng không quá 02 tháng.

2.2. Khởi tố, điều tra

Khi hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định: khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án; tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp khởi tố vụ án, cơ quan điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát để tiến hành các biện pháp nhằm thu thập và củng cố các tài liệu, chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự để tiến hành điều tra vụ án, trường hợp có đối tượng phạm tội thì tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định.

Giai đoạn này được bắt đầu từ khi cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ điều tra vụ án. Trường hợp tạm đình chỉ điều tra, căn cứ thực hiện được quy định tại Điều 229 BLTTHS.

Về thời hạn điều tra quy định tại điều 172 BLTTHS 2015: “Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.” Ngoài ra, các trường hợp gia hạn điều tra cũng được quy định chi tiết tại Điều 172 BLTTHS 2015

2.3. Truy tố

Giai đoạn truy tố được bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc bằng việc Viện kiểm sát ra một trong ba loại quyết định sau: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản Cáo trạng, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

Theo quy định tại Điều 240 BLTTHS về thời hạn truy tố: Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

a) Truy tố bị can trước Tòa án;

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2.4. Xét xử vụ án hình sự

– Xét xử sơ thẩm

* Giai đoạn chuẩn bị xét xử (Điều 276, 277 BLTTHS 2015):

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.

Thời hạn chuẩn bị xét xử là 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án phức tạp có thể gia hạn thời hạn xét xử không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong thời hạn nêu trên kể từ ngày thụ lý, thẩm phán ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

* Thẩm quyền xét xử của Tòa án (Điều 268 BLTTHS):

Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự cấp khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng trừ những tội phạm sau đây: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;  các tội phạm quy định tại các Điều 92, 95, 96, 172, 216, 217, 218, 219, 221, 223, 224, 225, 226, 263, 293, 294, 295, 296, 322, 323 của BLHS.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự cấp khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp dưới có tính chất phức tạp hoặc liên quan đến nhiều cấp, ngành mà cần lấy lên để xét xử; vụ án có yếu tố nước ngoài; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

* Phiên tòa hình sự sơ thẩm được thực hiện theo các bước sau:

Thủ tục bắt đầu phiên tòa:

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện các thủ tục cần thiết trước khi xét hỏi như: kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng, giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng,…

Xét hỏi: 

Trước khi bắt đầu xét hỏi, Kiểm sát viên công bố bản cáo trạng, sau đó Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, trực tiếp xem xét vật chứng, tài liệu tại phiên tòa. Khi xét hỏi, Thẩm phán hỏi trước sau đó đến Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa. Bị cáo, người tham gia tố tụng khác có quyền yêu cầu xét hỏi thêm về những vấn đề chưa được làm rõ.

 Tranh luận

Mở đầu giai đoạn tranh luận Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, sau đó người bào chữa (nếu có), bị cáo trình bày lời bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Kiểm sát viên phải tham gia đối đáp về những vấn đề còn mâu thuẫn giữa lời luận tội, quan điểm xử lý vụ án của Kiểm sát viên với lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp qua tranh luận mà phát hiện thêm những vấn đề chưa được làm rõ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi, sau khi xét hỏi xong lại trở lại phần tranh luận. Kết thúc phần tranh luân bị cáo được trình bày “lời nói sau cùng” trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án.

Nghị án và tuyên án

Khi nghị án chỉ có thành viên Hội đồng xét xử (Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân) mới có quyền này. Hội đồng xét xử phải lần lượt thảo luận và biểu quyết từng vấn đề của vụ án; các thành viên của Hội đồng xét xử đều phải trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ án, Hội thẩm phát biểu trước, Thẩm phán phát biểu sau và là người biểu quyết sau cùng. Bản án, các quyết định của Hội đồng xét xử phải được đa số thành viên của Hội đồng xét xử biểu quyết thông qua, người có ý kiến thiểu số được bảo lưu ý kiến trong hồ sơ; việc nghị án phải được lập thành biên bản, bản án, các quyết định của Hội đồng xét xử và biên bản nghị án phải được thông qua tại phòng nghị án.

Sau khi nghị án xong Thư ký Tòa án yêu cầu các bị cáo và người tham gia tố tụng vào phòng xử án, sau đó Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử đọc bản án hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án.

– Xét xử phúc thẩm

Theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự thì xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

+ Thời hạn kháng cáo (Điều 333 Bộ luật TTHS 2015): Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.

+ Thời hạn kháng nghị (Điều 337 Bộ luật TTHS 2015): Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Theo quy định tại Điều 355 về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm thì Hội đồng xét xử có quyền: Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

2.5. Thi hành án hình sự

Là giai đoạn tố tụng hình sự nhằm thực hiện bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án được quy định tại Chương XXIII của Bộ luật tố tụng hình sự.

2.6. Giai đoạn tố tụng đặc biệt: gồm giám đốc thẩm và tái thẩm

Giám đốc thẩm là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.

Tái thẩm là giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó Toà án có thẩm quyền xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến “Phân tích các giai đoạn tố tụng hình sự”. Nếu có bất kỳ thắc mắc xi nào hãy liên hệ đến chúng tôi theo số Hotline 19006568 để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon