Về bản chất, bảo đảm quyền con người là hệ thống các điều kiện để cho các lợi ích của con người được đáp ứng một cách hiện thực. Chức năng chính của bảo đảm quyền con người là việc nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình để cho quyền con người được thực hiện trong thực tế. Bảo đảm quyền con người có nhiều loại như bảo đảm kinh tế, bảo đảm chính trị, bảo đảm xã hội, bảo đảm pháp lý. Trong đó bảo đảm pháp lý thực hiện quyền con người chính là đảm bảo thực hiện quyền con người bằng pháp luật, trên phương diện pháp luật.
1. Khái niệm bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội
Theo quan niệm chung “Bảo đảm là làm cho chắc chắn thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết”[1]. Ở góc độ ngôn ngữ, bảo đảm có nghĩa là công cụ, điều kiện hay những hoạt động cần thiết có tính bổ sung, bổ trợ, giữ gìn cho một vật, một hiện tượng hay một việc làm gì đấy để đạt được kết quả mong đợi. Quyền con người không chỉ được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận mà điều quan trọng là nhà nước phải đảm bảo cho quyền con người được thực hiện trên thực tế nếu không thì việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong pháp luật mãi mãi chỉ là hình thức. Bảo đảm quyền con người được hiểu là một hệ thống tiền đề, điều kiện, công cụ xã hội kinh tế, chính trị, đạo đức, tổ chức, pháp lý nhằm tạo cho cá nhân những điều kiện bình đẳng với nhau trong việc thực hiện các quyền tự do của mình[2].
Bảo đảm pháp lý thực hiện quyền con người là hệ thống các quy định trong hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa, bảo đảm thực hiện quyền con người và cơ chế bảo đảm thực hiện các quy định đó trong thực tiễn đời sống[3].
Bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự là một dạng bảo đảm pháp lý. Bảo đảm quyền con người bị buộc tội trong tố tụng hình sự mang những đặc trưng về chủ thể bảo đảm, chủ thể được bảo đảm, phạm vi bảo đảm, đối tượng bảo đảm, nội dung bảo đảm, mục đích bảo đảm. Làm rõ các dấu hiệu đặc trưng trên sẽ giúp hình thành khái niệm bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự một cách khoa học.
2. Chủ thể bảo đảm quyền con người nói chung là Nhà nước
Trong mối quan hệ của nhà nước và cá nhân thì Nhà nước là tổ chức công quyền thực hiện việc quản lý cá nhân bằng pháp luật, bảo đảm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân được thực hiện và không bị xâm hại[4].
Nhà nước vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đối với cá nhân. Nhà nước phải tôn trọng và thực hiện đầy đủ nghiêm chỉnh, thống nhất các quy định pháp luật mà mình đã ban hành, bảo đảm cho các quyền của cá nhân được thực hiện trên thực tế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân khi chúng bị xâm hại, ghi nhận ngày càng nhiều các quyền tự do, lợi ích của cá nhân, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Trong TTHS, Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền tiến hành giải quyết vụ án hình sự, phát hiện và xử lý tội phạm để bảo đảm trật tự kỷ cương trong xã hội.
Nhà nước giao quyền này cho các cơ quan có thẩm quyền tố tụng. Các cơ quan này lại phân công những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự tiến hành các hoạt động tố tụng, thực hiện các hành vi tố tụng. Do đó, chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội là các cơ quan có thẩm quyền tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Chủ thể được bảo đảm quyền con người là người bị buộc tội
Theo quy định tại Điều 4 BLTTHS năm 2015, người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Người bị bắt là người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt người. Người bị bắt có thể trong các trường hợp quả tang, truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ[5].
Bị can là người bị tình nghi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố và đã có quyết định của Viện kiểm sát để điều tra làm rõ hành vi phạm tội, chịu sự điều chỉnh của pháp luật TTHS và có nguy cơ bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của BLTTHS[6].
Bị cáo là người có quyết định của tòa án đưa ra xét xử. Tuy nhiên, Điều 4 chưa đề cập đến người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Theo chúng tôi, về bản chất đây cũng là một trong những người bị buộc tội, có nghĩa là bị nghi ngờ thực hiện hành vi phạm tội, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và giới hạn một số quyền theo quy định của luật. Nhìn chung, người bị buộc tội là người mà có những căn cứ ban đầu xác định người đó thực hiện hành vi phạm tội, họ có thể bị áp dụng một số biện pháp cưỡng chế được quy định trong bộ luật TTHS.
4. Đối tượng được bảo đảm là quyền con người của người bị buộc tội
Quyền con người được hiểu là “phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có và chỉ có ở con người với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại được thể chế hóa trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia”[7]. Tố tụng hình sự là một lĩnh vực mà những lợi ích thiết yếu của xã hội và của cá nhân bị nghi ngờ xung đột. Hai bên xung đột, cá nhân và xã hội, rõ ràng là có quyền lực bất bình đẳng.
Người bị buộc tội không chỉ phải đối mặt với người cáo buộc mình mà còn phải đối mặt với Nhà nước. Với vai trò quản lý và thiết lập trật tự xã hội, nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để phát hiện và xử lý tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi tiến hành các hoạt động tố tụng nhưng việc áp dụng này tiềm ẩn nguy cơ xâm hại đến quyền cơ bản của con người. Do đó, quyền con người trong lĩnh vực tố tụng hình sự có những đặc thù khác với các lĩnh vực hoạt động Nhà nước khác.
Về bản chất, quyền con người trong tố tụng hình sự là tổng hợp các quyền thuộc nhóm dân sự chính trị. Quyền dân sự chính trị liên quan mật thiết đến tự do cá nhân. Thực hiện và bảo đảm tốt quyền dân sự và chính trị tức là thỏa mãn quyền, tự do, lợi ích của cá nhân[8].
Quyền con người của người bị buộc tội là quyền thuộc nhóm dân sự chính trị. Quyền con người của người bị buộc tội cần được phân biệt với quyền tố tụng của chủ thể này. Đây là hai khái niệm có phạm vi rộng hẹp khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Quyền con người của người bị buộc tội là quyền cơ bản thiêng liêng dành cho con người khi họ tham gia vào quan hệ pháp luật TTHS, được Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện.
Quyền con người trong TTHS là những quyền chung, mang tính khái quát. Quyền tố tụng của người bị buộc tội là quyền năng các chủ thể trong TTHS gắn liền với địa vị pháp lý của mỗi chủ thể, mang tính cụ thể. Mối quan hệ giữa quyền con người của người bị buộc tội với quyền tố tụng của họ là biểu hiện cụ thể mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.
Theo các văn bản pháp lý quốc tế như Tuyên Ngôn nhân quyền, Công ước về các quyền dân sự, chính trị, các quyền con người của người bị buộc tội bao gồm: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, quyền được bảo vệ để khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện, quyền được xét xử công bằng bởi một tòa án công khai, quyền bào chữa, quyền được suy đoán vô tội, quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền kháng cáo.
5. Về nội dung bảo đảm
Vấn đề này còn nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng nội dung của bảo đảm là “các biện pháp, cách thức, giải pháp do pháp luật quy định nhằm bảo vệ một cách tốt nhất quyền con người của các chủ thể tham gia trong TTHS và làm cho các quyền ấy có tính khả thi trong thực tế”[9].
Quan điểm thứ hai xác định nội dung của bảo đảm là “cách thức nhằm làm cho các quyền TTHS của các chủ thể tham gia trong hoạt động TTHS thực thi trong thực tiễn”. Hai quan điểm trên đều xác định nội dung của bảo đảm là các cách thức, biện pháp.
Theo quan điểm thứ nhất, nội dung bảo đảm quyền con người được hiểu theo nghĩa rất hẹp chỉ là các cách thức, giải pháp do pháp luật quy định. Tuy nhiên, bảo đảm quyền con người trong TTHS không chỉ dừng lại ở việc quy định các biện pháp, cách thức trong pháp luật mà điều quan trọng hơn phải làm cho các quy định đó được thực thi. Quan điểm thứ hai chỉ xác định một cách chung chung nội dung của bảo đảm là các cách thức làm cho quyền TTHS được thực thi mà không làm rõ đó là cách thức, biện pháp gì, biện pháp pháp lý hay xã hội, kinh tế…
Theo chúng tôi, bảo đảm quyền con người trong TTHS được thực hiện thông qua các cách thức, biện pháp pháp lý đa đạng như xây dựng các quy định về bảo đảm quyền con người trong pháp luật tố tụng hình sự, thực hiện pháp luật về bảo đảm quyền con người trong TTHS, giám sát việc thực hiện quyền con người trong TTHS.
6. Về mục đích bảo đảm quyền con người trong TTHS
Trong khoa học pháp lý còn nhiều quan điểm khác nhau. TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng mục đích của bảo đảm là làm cho các quyền TTHS của các chủ thể tham gia trong hoạt động TTHS thực thi trong thực tiễn”[10]. ThS Nguyễn Tiến Đạt xác định mục đích của bảo đảm là“bảo vệ một cách tốt nhất quyền con người của các chủ thể tham gia trong TTHS và làm cho các quyền ấy có tính khả thi trong thực tế”[11].
Để xác định mục đích của bảo đảm chúng ta có thể xuất phát từ ý nghĩa của các từ bảo đảm và bảo vệ dưới góc độ ngôn ngữ học. Bảo vệ được hiểu là “chống lại sự xâm phạm để giữ cho luôn luôn được nguyên vẹn”[12]. Bảo vệ có nghĩa là giữ gìn một vật, hiện tượng nào đó khi nó bị đe doạ xâm hại. Trong khi đó “Bảo đảm là làm cho chắc chắn, thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết”[13].
Như vậy, bảo đảm bao gồm cả việc giữ gìn, có nghĩa là tránh sự xâm hại để luôn luôn còn được nguyên vẹn. Có thể thấy trong bảo đảm đã có bảo vệ và bảo vệ là một hình thức của bảo đảm khi xảy ra xâm hại. Do đó, mục đích của bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự trước hết là làm cho quyền con người của người bị buộc tội được thực thi.
Điều này có nghĩa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có các cách thức, biện pháp để hiện thực hóa quyền con người của bị can, làm cho các quy định về quyền con người của người bị buộc tội trong luật TTHS được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế.
Mục đích của bảo đảm không dừng ở đó mà còn bao gồm việc Nhà nước bảo vệ các quyền con người của người bị buộc tội không bị xâm phạm bởi bất kì một tổ chức, cá nhân nào. Bảo vệ bao gồm hai nội dung cơ bản, thứ nhất phải phòng ngừa sự vi phạm các quyền con người của người bị buộc tội và thứ hai phải xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm quyền con người của bị can. Hai nội dung này liên quan mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Từ những phân tích trên đây có thể đưa ra khái niệm bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự là “Bảo đảm quyền con người của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự là việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng các cách thức, biện pháp để quyền con người của người bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được thực thi trong thực tiễn và bảo vệ một cách tốt nhất quyền đó của họ”.
[1] Hoàng Phê (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, tr 36
[2] Nguyễn Thái Phúc (2011), Bảo đảm quyền con người trong TTHS trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ Quyền con người trong TTHS và những kiến nghị, đề xuất sửa đổi BLTTHS, tr15
[3]Nguyễn Văn Mạnh (1995), Xây dựng và hoàn thiện đảm bảo pháp lý thực hiện quyền con người trong điều kiện đổi mới ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, tr 56
[4]Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, tr73
[5] Khoản 1 Điều 59 BLTTHS năm 2015.
[6] Nguyễn Sơn Hà (2015), Hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về quyền của bị can, bị cáo, Luận án tiến sĩ luật học, tr 38
[7]Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2002), Giáo trình lý luận về quyền con người, Hà Nội, tr 17
[8] Trung tâm nghiên cứu quyền con người (1997), Một số vấn đề về quyền dân sự và chính trị, Nxb Chính trị quốc gia, tr 32
[9]Nguyễn Tiến Đạt (2007), Bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam, tạp chí Tòa án nhân dân số 11.
[10]Nguyễn Thái Phúc (2010), Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, báo cáo khoa học tại hội thảo quốc tế về quyền con người trong TTHS do VKSNDTC phối hợp với Ủy ban nhân quyền Autralia tổ chức tháng 3/2010, tr 20
[11]Nguyễn Tiến Đạt (2007), Bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam, tạp chí Tòa án nhân dân số 11.
[12]Hoàng Phê (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, tr 37
[13] Hoàng Phê (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb Giáo dục, tr 36