Trợ giúp pháp lý là gì? Trợ giúp pháp lý tại Đà Nẵng

tro-giup-phap-ly-la-gi-tro-giup-phap-ly-tai-da-nang

Theo Nguyên tắc và Hướng dẫn của Liên hợp quốc về việc tiếp cận trợ giúp pháp lý trong hệ thống tư pháp hình sự được thông qua tại Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 67/187 thì “TGPL bao gồm tư vấn pháp luật, giúp đỡ và đại diện cho người bị giam giữ, người bị bắt hoặc bị phạt tù; người bị tình nghi hoặc bị buộc tội hoặc phạm tội hình sự; nạn nhân, nhân chứng trong quá trình tư pháp hình sự miễn phí cho những người có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc khi lợi ích công lý đòi hỏi”. Vậy, trợ giúp pháp lý là gì? Khi cần trợ giúp pháp lý tại Đà Nẵng thì người dân có thể liên hệ với ai? Hãy cùng luật Dương Gia tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm trợ giúp pháp lý

TGPL là một hoạt động nhằm giúp đỡ về mặt pháp luật cho người nghèo, người bị yếu thế trong xã hội. Hoạt động này hình thành cùng với sự ra đời và phát triển của nhà nước tư sản và được coi là chức năng của Nhà nước và đang ngày càng phổ biến ở các quốc gia trên thế giới. Do điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi quốc gia khác nhau nên quan niệm về TGPL cũng có những khác biệt nhất định.

Dự thảo Luật mẫu về TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự do Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC) chủ trì soạn thảo quy định như sau:

“TGPL là việc thực hiện tư vấn pháp luật, hỗ trợ và đại diện pháp lý do Nhà nước trả tiền theo những điều kiện và trình tự, thủ tục quy định trong Luật này cho người bị giam giữ, bị bắt hoặc bị kết án tù; người bị tình nghi, người bị buộc tội hoặc vi phạm luật hình sự; nạn nhân và nhân chứng trong quá trình tư pháp hình sự…”.

Một số nước đề cập đến chủ thể thực hiện TGPL và các hình thức TGPL trong khái niệm TGPL. Ví dụ, Điều 2 Luật TGPL Hàn Quốc năm 2011 quy định: “TGPL trong Luật này là việc luật sư hoặc luật sư nghĩa vụ theo quy định tại Luật Luật sư nghĩa vụ hỗ trợ tư vấn pháp luật, đại diện trong các vụ kiện hoặc các vấn đề pháp lý khác để đạt được mục đích nêu tại Điều 1” (tức là nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người cho những người gặp khó khăn về kinh tế hoặc những người không được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ).

Pháp luật một số nước thì đề cập đến tính chất miễn phí hoặc giảm phí của hoạt động TGPL. Ví dụ, Điều 1 Luật TGPL của Indonesia năm 2011 quy định: “TGPL là dịch vụ pháp lý được cung cấp bởi người thực hiện TGPL miễn phí cho người được TGPL”. Luật TGPL Phần Lan năm 2002 quy định: “TGPL bao gồm quy định về việc tư vấn pháp luật, các biện pháp cần thiết, đại diện trước Toà án và các cơ quan có thẩm quyền khác và việc miễn trừ những chi phí nhất định khi giải quyết vụ việc theo quy định của Luật này”. Điều 1 Luật TGPL năm 2001 của Slovenia quy định: Theo Luật này, “TGPL có nghĩa là quyền của người được TGPL được nhận một phần hoặc toàn bộ chi phí chi trả cho việc giúp đỡ pháp luật và quyền được miễn trả chi phí tố tụng tư pháp”.

Khái niệm TGPL một số nước có đề cập đến đối tượng TGPL. Ví dụ, điểm e phần 1 chương I Luật TGPL Hà Lan năm 1993 quy định: “TGPL là hỗ trợ về pháp luật cho đối tượng đang mong muốn công lý đối với các vấn đề pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân họ như được quy định trong Luật TGPL và các quy định khác dựa trên Luật TGPL”. Điều 2 Luật TGPL Moldova năm 2007 quy định: “TGPL của Nhà nước là việc cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật TGPL từ nguồn kinh phí TGPL cho người không có đủ tiền để trả và người đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật này”. Tương tự như vậy, Luật TGPL Phần Lan năm 2002 quy định “TGPL được cung cấp cho người đang có vướng mắc pháp luật mà không có khả năng chi trả. Kinh phí thực hiện TGPL từ ngân sách nhà nước”.

Có thể thấy một số điểm nổi bật trong khái niệm TGPL của các nước là: (i) về bản chất TGPL là cung cấp các dịch vụ pháp lý (ii) do Nhà nước trả tiền và bảo đảm (iii) người được TGPL được miễn phí hoặc giảm phí (iv) việc thực hiện phải tuân theo các quy định của Luật TGPL[1].

Tại Việt Nam thuật ngữ TGPL xuất hiện từ năm 1995, khi xây dựng đề án về hoạt độngTGPL và được quy định trong các văn bản pháp luật cũng các tài liệu phổ biến khác. Khẳng định quyết tâm chính trị trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận với pháp luật của người nghèo và đối tượng chính sách, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo Chính phủ “cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật” (Công văn số 485/CV-VPTW ngày 31-5-1995 của Văn phòng Trung ương Đảng) và Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3, Khóa VIII tiếp tục khẳng định:

“Tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí”.

Mặc dù TGPL chưa quy định chính thức nhưng hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí hướng tới các đối tượng là người nghèo về mặt bản chất cũng có thể xem đó là TGPL.

Về góc độ khoa học, theo đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý, nhà xuất bản Văn hóa thông tin Hà Nội, 1999, thì cụm từ “Trợ giúp pháp lý” là một cụm từ ghép bởi hai cụm từ “trợ giúp” và “pháp lý”. Trong đó “trợ giúp” được hiểu là “sự giúp đỡ, bảo trợ, hỗ trợ, giúp cho ai việc gì, đem cho ai cái gì đang lúc khó khăn, đang cần đến”,“Pháp lý”được hiểu là “lý lẽ, lẽ phải theo pháp luật”.Như vậy, trợ giúp pháp lý có thể hiểu đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ cho một ai đó, người nào đó đang cần về lĩnh vực pháp luật.

Về góc độ pháp lý, thì thuật ngữ “trợ giúp pháp lý” chính thức được sử dụng năm 1997 với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 (Quyết định 734/ TTg về việc thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách) và sau đó là tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Luật TGPL năm 2006 quy định: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật[2].

Luật TGPL 2017 quy định: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật[3].

2. Đặc trưng cơ bản của trợ giúp pháp lý

Từ một số khái niệm nêu trên, có thể thấy TGPL có những nét đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất,TGPL là một loại dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, là một trong những chức năng xã hội của nhà nước và là trách nhiệm của nhà nước, đối tượng được hưởng TGPL là những người yếu thế, cần có sự giúp đỡ của Nhà nước

Thứ hai, TGPL là một loại hình dịch vụ pháp lý, do những người có trình độ pháp luật thực hiện trên cơ sở pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp luật của người nghèo và đối tượng chính sách.

Thứ ba, TGPL là một hoạt động chứa đựng tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, bởi mục tiêu hướng tới là các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được Nhà nước và xã hội quan tâm, giúp đỡ.

Thứ tư, TGPL mang tính pháp lý, là một trong các biện pháp thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Vì vậy Nhà nước phải tạo ra các cơ chế để giúp người dân biết quy định của pháp luật để thực hiện pháp luật, tuân thủ pháp luật trong cuộc sống.

Thứ năm, TGPL thể hiện tính chính trị – xã hội, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt nhằm góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với pháp luật.

3. Vai trò của trợ giúp pháp lý

Sau hơn 10 triển khai và thực hiện, hoạt động TGPLđã khẳng định được vai trò của mình trong việc giúp đỡ về mặt pháp luật cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng khác, góp phần phát huy vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, đảm bảo công bằng xã hội, ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, cụ thể:

3.1. Vai trò TGPL trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Trong nhà nước pháp quyền nói chung và nhà nước pháp quyền xã hội nói riêng, Nhà nước với vai trò là chủ thể lớn nhất của xã hội, có trách nhiệm phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, quan tâm, giúp đỡ đến các đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách, các đối tượng yếu thế khác trong xã hội nhằm thực thi trên thực tế để mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

3.2. Vai trò của TGPL trong bảo đảm quyền con người

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ghi nhận“mọi người đều bình đẳng trước các tòa án, cơ quan tài phán và có quyền được hưởng một cách đầy đủ, bình đẳng quyền được bào chữa, ngay cả khi họ không có điều kiện chi trả”. Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế về quyền con người.

Vì vậy đặt ra yêu cầu Nhà nước phải thể hiện vai trò của mình để bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền con người, quyền công dân cho mọi người, đặc biệt là người nghèo và các nhóm yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội để họ có điều kiện bình đẳng với các chủ thể khác trong quan hệ pháp luật cũng như trong các lĩnh vực của đời sống. Do đóviệc hình thành và phát triển TGPL sẽ góp phần thực thi dân chủ, giải phóng mọi áp bức, bất công, thông qua hoạt động TGPL người được TGPL có cơ hội được tiếp cận, nắm bắt, sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

3.3. Vai trò của TGPL trong công tác xóa đói, giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội.

Trong những năm qua một trong những nhiệm vụ đươc Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm là công tác xóa đói giảm nghèo, và coi đây là một quyết sách lớn để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Công tác này đã triển khai và cụ thể hóa ở nhiều lĩnh vực nư y tế, giáo dục… Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội trên thực tế, đặt ra yêu cầu TGPL phải trở thành một nội dung quan trọng trong tổng thể chương trình xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội[4].

Có ý nghĩa giảm nghèo về mặt pháp luật, TGPL đóng vai trò là cầu nối để người dân nhận thức và thực hiện các chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ hiệu quả, đồng thời giúp chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước càng trở nên toàn diện hơn.

3.4. Vai trò của TGPL trong việc tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân

Thông qua hoạt động TGPL người dân có cơ hội được tiếp cận pháp luật và sử dụng pháp luật vào thực tiễn của đời sống, từ đó góp phần giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; kịp thời tháo gỡ những những mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật, góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

4. Trợ giúp pháp lý tại thành phố Đà Nẵng

Nhu cầu về trợ giúp pháp lý ở mọi nơi, mọi thời điểm đều có. Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc trung ương, dân số lên đến hơn 1 triệu người. Theo đó, nhu cầu về hỗ trợ pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý nói riêng là rất lớn. Khi có vấn đề phát sinh, khi có nhu cầu về hỗ trợ pháp lý, mọi người có thể liên hệ trung tâm trợ giúp pháp lý của thành phố Đà Nẵng hoặc Công ty luật TNHH Dương Gia, chi nhánh Đà Nẵng, tại địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng để được hỗ trợ một cách nhanh chóng, tận tình.

[1] Báo cáo của Bộ Tư pháp, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về trợ giúp pháp lý

[2] Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006.

[3] Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

[4]Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006 – 20010, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon