Phân biệt tội Cướp tài sản và tội Cướp giật tài sản?

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội đã kéo theo những mặt trái, đó là tình hình tội phạm ngày càng diễn biến nghiêm trọng và phức tạp cả về tính chất và mức độ phạm tội, đặc biệt là các tội xâm phạm về sở hữu tài sản như tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản. Tuy nhiên, hai loại tội phạm này rất dễ gây nhầm lẫn. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ và phân biệt đối với hai loại tội phạm cướp tài sản và cướp giật tài sản.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

1. Tội cướp tài sản là gì?

Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản gồm các yếu tố sau:

– Về mặt khách quan:

Mặt khách quan của tội cướp tài sản được thể hiện ở hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn được mô tả trong điều luật: Dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hoặc các hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó:

+ Hành vi dùng vũ lực: Hành vi này được hiểu là dùng sức mạnh vật chất để chủ động tấn công người quản lý tài sản hoặc người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành động tấn công này có thể khiến nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại sức khỏe hoặc tử vong nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích gì.

+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: Đây là hành vi dùng lời nói, hoặc hành động nhằm đe dọa nạn nhân nếu không đưa tài sản thì hành động vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Đe dọa dùng ngay tức khắc thông thường được kết hợp những thái độ, cử chỉ, lời nói hung bạo tạo cảm giác cho người bị tấn công sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu không giao tài sản.

Ngay tức khắc là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện.

+ Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là hành vi người tấn công tuy biết sự việc đang xảy ra nhưng không có cách nào chống cự được (như bị trói, bị nhét giẻ vào mồm không kêu cứu được, bị nhốt vào buồng kín không thể chạy đi cầu cứu,…), hoặc tuy không bị nguy hại đến tính mạng, sức khỏe nhưng không thể nhận thức được sự việc đang xảy ra.

– Về chủ thể: Người đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi trở lên, không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình).

– Về khách thể: Tội cướp tài sản xâm phạm đồng thời 2 khách thể. Đó là:

+ Các quan hệ tài sản.

+ Quan hệ nhân thân.

Trong đó, khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân. Thông qua quan hệ nhân thân, người phạm tôi xâm phạm khách thể là quan hệ tài sản.

– Về mặt chủ quan:

+ Lỗi: Lỗi cố ý trực tiếp. Bởi người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác chiếm đoạt và mong muốn chiếm đoạt tài sản đó.

+ Mục đích: nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm này hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, kể cả người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản.

2. Tội cướp giật tài sản là gì?

Cướp giật tài sản là hành vi công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản trong tay người khác hoặc đang trong sự quản lý của người có trách nhiệm quản lý về tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Ở đây, không có hành vi dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nào khác để uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản. Nếu có hành vi này thì có thể xem xét ở tội cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản.

Cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản gồm các yếu tố sau:

– Về khách thể: Hành vi cướp giật tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

– Về chủ thể: Người đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi trở lên, không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình).

– Về mặt khách quan: Mặt khách quan của tội cướp giật tài sản thể hiện thông qua dấu hiệu về hành vi: Hành vi chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng và công khai.

+ Hành vi chiếm đoạt công khai:

Có thể hiểu là người phạm tội không che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản mà thực hiện trước mặt mọi người xung quanh và cả bị hại một cách bất ngờ, dứt khoát trong một thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, phải hiểu tính chất công khai ở tội này là công khai về hành vi chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội có thể giấu mặt hoặc lợi dụng ban đêm để mọi người không nhận ra mặt.

+ Dấu hiệu chiếm đoạt nhanh chóng:

Nhanh chóng chiếm đoạt là dấu hiệu quan trọng nhất và không thể thiếu. Nó là dấu hiệu đặc thù, tiêu biểu và bắt buộc phải có trong mặt khách quan của tội cướp giật tài sản. Người phạm tội thực hiện hành  vi chiếm đoạt nhanh chóng và bất ngờ, làm cho bị hại không kịp ứng phó.

Người phạm tội thường nhanh chóng tiếp cận, hoặc dùng thủ đoạn để tiếp cận, đồng thời lợi dụng sự sơ hở của bị hại để nhanh chóng chiếm đoạt tài sản.

Ngay sau khi chiếm đoạt được tài sản của bị hại, người phạm tội cũng thường nhanh chóng tẩu thoát để tránh sự truy đuổi của bị hại và người xung quanh.

Tuy nhiên, dấu hiệu nhanh chóng tiếp cận và nhanh chóng tẩu thoát chỉ là dấu hiệu phụ trợ nhưng không bắt buộc.

– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.

3. Phân biệt tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản

  Tội cướp tài sản Tội cướp giật tài sản
Cơ sở pháp lý – Điều 168 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 – Điều 171 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
Mặt chủ quan Lỗi: cố ý trực tiếp
Mục đích: chiếm đoạt tài sản
Lỗi: cố ý trực tiếp
Mục đích: chiếm đoạt tài sản
Hành vi – Dùng vũ lực: là việc người phạm tội dùng các hành động như đấm, đá, trói, đâm, chém… nhằm trấn áp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hậu quả của hành vi dùng vũ lực này có thể khiến cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại sức khỏe hoặc bị chết ngoài ý muốn của người phạm tội.
– Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa nạn nhân nếu không đáp ứng yêu cầu hoặc có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.
– Có hành vi khác làm cho người nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Các hành vi khác là những hành vi không phải dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, như: dùng thuốc mê, ête, thuốc ngủ… làm cho nạn nhân lâm vào trạng thái hôn mê, không còn khả năng chống cự.
Lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc có thể tự mình tạo ra những sơ hở để thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt tài sản đang rồi nhanh chóng tẩu thoát.
(Người phạm tội không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực cũng không làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự.)
Khách thể – Quyền sở hữu tài sản;
– Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe.
– Quyền sở hữu tài sản;
(Có thể có hoặc không xâm phạm quyền được bảo vệ tính mạng sức khỏe).
Mức hình phạt Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Không có quy định xử lý hình sự với người chuẩn bị phạm tội.
– Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

4. Trường hợp chuyển hóa từ tội cướp giật tài sản sang tội cướp tài sản

Tội cướp giật tài sản trong một số trường hợp có thể chuyển hóa thành Tội cướp tài sản, cụ thể cần phân biệt:

– Nếu người phạm tội có hành vi hành hung chỉ nhằm mục đích tẩu thoát, thì vẫn phạm tội cướp giật tài sản với tình tiết  định khung tăng nặng: Hành hung để tẩu thoát.

– Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản; chiếm đoạt được tài sản nhưng đã bị nạn nhân hoặc người khác giành lại mà người phạm tội vẫn tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

Như vậy, trường hợp đối tượng cướp giật tài sản bị phát hiện, có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc chiếm bằng được tài sản thì phạm tội cướp tài sản.

Bài viết trên đây đã phân tích một số yếu tố cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản, đồng thời nếu ra một số dấu hiệu để phân biệt hai loại tội phạm này. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon