Di chúc bị thất lạc, hư hại phải làm như thế nào

di-chuc-bi-that-lac-hu-hai-phai-lam-nhu-the-nao

Di chúc được xem là bằng chứng thể hiện ý chí cuối cùng của người để lại di sản, nhờ có di chúc mà những người được ghi trong di chúc sẽ được hưởng di sản mà người mất để lại. Di chúc có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, trong trường hợp tài sản thừa kế lập di chúc bằng văn bản nhưng lại làm mất thì chia thừa kế thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ giải đáp thắc mắc về việc di chúc bị thất lạc, hư hại phải làm thế nào?

Căn cứ pháp lý

1. Di chúc là gì?

Căn cứ vào Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”

2. Thừa kế là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thừa kế được hiểu là việc chuyển dịch tài sản của nguời đã mất cho người còn sống. Tài sản mà người đã mất để lại được gọi là di sản thừa kế. Người còn sống hay còn được gọi là người hưởng di sản thừa kế sẽ được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế tuỳ thuộc vào di chúc hoặc quy định của pháp luật trong trường hợp không có di chúc. Người được hưởng di chúc chỉ được hưởng di sản thừa kế sau khi người để lại di sản mất đi.

2.1. Thừa kế theo di chúc

Thừa kế theo di chúc được quy định tại Chương XXII, Bộ luật dân sự năm 2015 (từ điều 624 đến điều 648). Trong đó quy định cụ thể về các hình thức di chúc như: Di chúc miệng, di chúc bằng văn bản, di chúc bằng văn bản có người làm chứng và không có người làm chứng. Như vậy, có thể hiểu rằng: Quyền định đoạt tài sản thông qua di chúc là quyền cơ bản của người có tài sản và được pháp luật bảo vệ.

Thừa kế theo di chúc là hình thức được ưu tiên cao nhất về thừa kế. Tức là, chỉ khi không có di chúc hoặc di chúc bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ thì mới xem xét đến việc định đoạt tài sản của người lập di chúc bằng hình thức khác (thừa kế theo pháp luật).

Thời điểm di chúc có hiệu lực:

Căn cứ vào điều 643 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hiệu lực của di chúc như sau:

Điều 643. Hiệu lực của di chúc

“1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

3. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.”

Ví dụ: Ông A, qua đời để lại di chúc chia toàn bộ di sản thừa kế cho con trai của ông. Ý nguyện của ông A được thể hiện qua di chúc của mình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ điều đó.

2.2. Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật được quy định tại Chương XXIII, Bộ luật Dân sự năm 2015 (từ điều 649 đến điều 655).

Căn cứ vào điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:

“Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”

Các trường hợp được hưởng thừa kế thảo pháp luật

Thứ nhất, Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

– Không có di chúc;

– Di chúc không hợp pháp;

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thứ hai, Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các

– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, việc hưởng thừa kế di sản thông thường được chia theo hai hình thức là theo di chúc và theo pháp luật. Nhưng sẽ ưu tiên việc chia di chúc trong trường hợp người để lại di sản có thể hiện ý muốn của mình. Trong trường hợp mà di chúc bị thất lạc thì theo quy định di sản sẽ được chia theo quy định pháp luật để đảm bảo di sản có người thừa hưởng và thực hiện nghĩa vụ bảo quản.

3. Xử lý di sản trong trường hợp bị mất, hư hại

Trường hợp mà di chúc bị thất lạc, hư hại thì được xử lý theo quy định tại điều Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015 để xử lý kịp thời di sản được để lại.
Trường hợp 1: Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp 2: Di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
Trường hợp 3: Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.
Qua đó, trường hợp di chúc bị thất lạc thì được chia theo quy định pháp luật, trường hợp có tìm lại được di chúc thì sẽ chia lại theo nội dung của di chúc. Nhằm thực hiện ý chí của chủ thể để lại cũng như đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người được hưởng thừa kế.

3.1. Chia di sản theo hàng thừa kế pháp luật

Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế theo pháp luật được chia thành 03 hàng thừa kế với thứ tự ưu giảm dần theo các hàng thừa kế bao gồm:
Thứ nhất: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Thứ hai:  Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Thứ ba: Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Nguyên tắc chia: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

3.2. Đã chia di sản nhưng tìm lại được di chúc

Đây là trường hợp hy hữu nhưng trong thực tế thường không phải không xảy ra, vì vậy điều này cũng được pháp luật về thừa kế quy định chi tiết qua đó bảo vệ quyền lợi của người được hưởng di sản tránh những tranh chấp phát sinh trong quá trình tiến hành chia di sản.
Như đã nêu trước đó tại khoản 3 Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015 đã nhắc đến thời hiệu chia thừa kế. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.
Theo đó, thời hiệu yêu cầu chia di sản được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
– Thời hiệu chia bất động sản: 30 năm.
– Thời hiệu chia động sản: 10 năm.
Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
– Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu.
– Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

4. Dịch vụ hỗ trợ của Luật Dương Gia

Trường hợp cần tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến di chúc, quý bạn đọc có thể liên hệ ngay với chúng tôi bằng những hình thức khác nhau.

Thứ nhất, liên hệ trực tiếp theo số Hotline 1900 6568

Thứ hai, truy cập www.luatduonggia.vn hoặc www.danang.luatduonggia.vn để đặt lịch hẹn tư vấn hoặc tìm hiểu các phương thức liên lạc khác.

Luật Dương Gia có trụ sở tại 03 thành phố lớn của cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ quý khách hàng trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý.

Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn biết rõ các thông tin pháp lý liên quan “Di chúc bị thất lạc, hư hại phải làm như thế nào”

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon