Lẽ công bằng là một quy định, cho nên khi áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự thì thẩm quyền áp dụng thuộc Toà án đang xét xử vụ án. Để bảo bảo tính khách quan và công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, Toà án thể hiện đúng chức năng trong việc xem xét, đánh giá đầy đủ và toàn diện tất cả các chứng cứ liên quan đến tranh chấp để có cơ sở lập luận trong việc áp dụng lẽ công bằng để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của một hoặc các bên đương sự hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
1. Thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng, quyền và nghĩa vụ của đương sự của tranh chấp được giải quyết do áp dụng lẽ công bằng
Khi áp dụng lẽ công bằng, Toà án có vai trò quan trọng trong việc điều khiển quá trình tranh tụng và tuân theo những nguyên tắc, thủ tục tố tụng dân sự, bảo đảm quyền bình đẳng của các bên đương sự trong quá trình tranh tụng. Trong quá trình tranh tụng để áp dụng lẽ công bằng, chủ toạ phiên toà phải tạo mọi điều kiện cần thiết cho những người tham gia tranh tụng bày tỏ quan điểm của mình và có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến, chứng cứ không liên quan đến vụ án. Như vậy, việc áp dụng lẽ để giải quyết tranh chấp dân sự có những nội dung, phương thức tranh tụng tại phiên toà cũng không có sự khác biệt nào so với các tranh chấp dân sự có sẵn quy phạm pháp luật để viện dẫn áp để giải quyết tranh chấp. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên toà giải quyết tranh chấp bằng việc áp dụng lẽ công bằng cũng tuân theo quy định tại Điều 247 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dan sự thì phần nội dung vụ án và nhận định của Toà án cũng phải ghi rõ những yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền, nghĩa vụ liên quan để qua đó căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên toà để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những sự kiện để áp dụng lẽ công bằng.
Căn cứ phán quyết của toà án là dựa trên lẽ công bằng, các yếu tố của lẽ công bằng được mô tả, viện dẫn áp dụng. Thay vì viện dẫn điều luật trong các vụ tranh chấp có luật để áp dụng hoặc có tập quán để áp dụng hoặc có luật để áp dụng tương tự hoặc có án lệ để áp dụng, thì trường hợp lẽ công bằng được áo dụng để giải quyết tranh chấp cũng phải được toà án xác định rõ. Như vậy, bản án sơ thẩm áp dụng lẽ công bằng để giải tranh chấp cũng tuân theo những quy định tại Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về bản án sở thẩm được áp dụng lẽ công bằng để giải quyết.
Căn cứ vào quyết định của bản án sơ thẩm được áp dụng lẽ công bằng để giải quyết, thì đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện cũng có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như đối với các bản án thông thường khác. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm áp dụng lẽ công bằng là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án và thời hạn kháng cáo cũng tuân theo quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
2. Những tiêu chí áp dụng lẽ công bằng
Áp dụng lẽ công bằng là áp dụng quy định của pháp luật về lẽ công bằng. Nhưng quy định lẽ công bằng không thể hiện rõ nội hàm, mà quy định cí tính khái quát. Vì vậy, khi áp dụng lẽ công bằng cần phải xem xét các yếu tố có liên quan đến phạm vi tranh chấp, đặc điểm của tranh chấp, các bên chủ thể của tranh chấp và các chủ thể khác có liên quan.
Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng về mặt pháp lý của các bên chủ thể. Quyền bình đẳng của các bên chủ thể trong tranh chấp được xác định dựa vào tiêu chí lẽ công bằng. Vì vậy, về khoa học pháp lý cần xác định những yếu tố tác động, ảnh hưởng việc xác định lẽ công bằng.
Cần xác định rõ điều kiện, hoàn cảnh về không gian và thời gian các bên chủ thể xác lập quan hệ hoặc những sự kiện phát sinh do ý chí chủ quan của một bên hoặc cả hai bên trong một quan hệ pháp luật cụ thể về tài sản hoặc về nhân thân. Từ cơ sở xác định này, để có căn cứ xác định mối quan hệ phổ biến, quan hệ nhân quả của sự kiện phát sinh và hậu quả pháp lý xảy ra. Yếu tố ý chí của các bên chủ thể cần phải xác định rõ là ý chí chủ quan hay hoàn cảnh khách quan ngoài ý chí của chủ thể theo đó sự kiện pháp phát sinh theo ý muốn hay ngoài ý muốn của chủ thể để có căn cứ áp dụng lẽ công bằng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của một bên hoặc lợi ích của người thứ ba.
Xác định cụ thể những nguyên nhân khách quan mà quyền, lợi ích hợp pháp của một bên trong quan hệ pháp luật dân sự bị thiệt thòi. Nguyên nhân khách quan có thể là hành vi của người thứ ba hoặc do sự biến pháp lý tương đối hoặc tuyệt đối cụ thể mà hậu quả của nó xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng hoặc đáng lẽ có được nhưng bị mất mát, bị giảm sút không chính đáng.
Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp về tài sản và nhân thân, cần xác định mức độ nhận thức của chủ thể do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình chi phối hoặc do năng lực nhận thức của cá nhân mà dẫn đến những tranh chấp dân sự.
Năng lực của thẩm phán áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là người có năng lực nhận thức nhiều kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ngoài kiến thức về chuyên môn pháp luật là bắt buộc đối với thẩm phán.
Xác định các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến quyền, lợi ích của một bên bị thiệt hoặc lợi ích của người thứ ba bị xâm phạm nếu trong điều kiện bình thường thì những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của chủ thể được bảo đảm thực hiện nhưng lại bị mất đi không chính đáng, không do lỗi của chủ thể.
3. Những vụ việc có thể áp dụng lẽ công bằng
Điều 406 BLDS năm 2015 quy định điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng:
“1. Điều kiện giao dịch chung là điều khoản ổn định do một bên công bố để áp dụng chung cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng; nếu bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng thì coi như chấp nhận các điều khoản này.
2. Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp điều kiện giao dịch này đã được công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó.
Trình tự, thể thức công khai điều kiện giao dịch chung thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên. Trường hợp điều kiện giao dịch chung có quy định về miễn trách nhiệm của bên đưa ra điều kiện giao dịch chng, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì quy định này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Điều luật quy định rất khái quát vì còn nhiều điểm rất chung chung, cho nên trong nhiều quan hệ như mua bán tài sản hình thành trong tương lai, mua bán công nghệ, chuyển giao công ghệ, mua bán các quyền tài sản khác và trong các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng cung cấp điện, nước, hợp đồng sử dụng viễn thông. Điều kiện giao dịch chung thường là bên đề nghị giao kết hợp đồng chủ động đưa ra, đối tượng của hợp đồng mang tính chuyên môn hẹp, vì vậy những tranh chấp thường xảy ra trong trường hợp này. Mặc dù điều luật quy định: “Điều kiện giao dịch chung chỉ có hiệu lực với bên xác lập giao dịch trong trường hợp giao dịch này đã được công khai để bên xác lập giao dịch biết hoặc phải biết về điều kiện đó”. Những tranh chấp liên quan đến quan hệ dân sự này, có thể không được giải quyết triệt để bằng việc áp dụng những quy định pháp luật hiện có, không thể áp dụng tập quán, không áp dụng tương tự pháp luật, không có án lệ thì áp dụng theo lẽ công bằng.
Điều 602 BLDS quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường:
“Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.
Quy định tại Điều luật này chưa thể bao quát hết những thiệt hại về môi trường. Thiệt hại về môi trường khác biệt so với thiệt hại về tài sản thông thường. Hành vi xâm phạm môi trường là hành vi làm ô nhiễm môi trường, bản thân môi trường bị ô nhiếm, theo đó những chủ thể và tài sản của chủ thể trong một khu dân cư, một vùng, miền sống trong môi trường bị làm cho ô nhiễm gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe và thậm chí cả tính mạng.
Cho nên cách xác định thiệt hại do môi trường bị làm ô nhiễm gây ra cần phải xác định cụ thể không những thiệt hại bề nổi, mà còn xác định nguy cơ môi trường bị ô nhiễm gây ra trong tương lai. Như một vùng biển, một dòng sông, một khu rừng, một diện tích đất, dưới lòng đất, một vùng không gian bị gây ô nhiễm môi trường do cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh, khai thác tài nguyên thiên nhiên mà làm ô nhiễm môi trường…, thì việc xác định thiệt hại do môi trường bị làm ô nhiễm gây ra là rất lớn không những thiệt hại trước mắt, mà còn là những thiệt hại lâu dài, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân không có thu nhập hoặc thu nhập bị mất hoặc ngành nghề bị mai một, bị triệt tiêu. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường thì cơ quan xét xử còn có thể áp dụng lẽ công bằng để giải quyết.
Trên thực tế, khi thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước về giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường giao thông. Những vật kiến trúc thuộc sở hữu của tư nhân phải dỡ bỏ để xây dựng tuyến đường. Hậu quả cuả việc giải toả này, là những ngôi nhà thuộc lưu vực của đường giao thông bị dỡ bỏ, tạo ra một khoản không gian cho các ngôi nhà của các chủ sở hữu phía sau có được “lợi thế” về vị trí, lợi thế về giao thông và giá trị tài sản là ngôi nhà được tăng lên đáng kể (ở Việt Nam rất rõ điều này). Vì vậy, nếu xét về lẽ công bằng thì người có được lợi thế cũng phải có nghĩa vụ với người phải di dời và còn có nghĩa vụ với nhà nước về sự tăng trưởng về tài sản do có “lợi thế” về vị trí. Nhưng vấn đề này ở Việt Nam chưa có quy định. Quan điểm của chúng tôi thực trạng này cần đề cập khi giải quyết tranh chấp có liên quan theo theo lẽ công bằng.
4. Hậu quả pháp lý của việc áp dụng lẽ công bằng
Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp dân sự phát sinh trong xã hội trong trường hợp chưa có quy phạm, không có tập quán, không có luật để áp dụng tương tự, không có án lệ để áp dung. Áp dụng lẽ công bằng giải quyết các tranh chấp dân sự góp phần bảo đảm cho các quyền dân sự chính đáng của chủ thể được bảo đảm thực hiện, đồng thời giữ gìn mối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm cho các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, thương mại được bảo đảm thực hiện.
Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là căn cứ để cơ quan lập pháp sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật để khắc phục kịp thời những “lỗ hổng” của pháp luật để hoàn thiện pháp luật cho phù hợp quan hệ pháp luật dân sự, điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ trong xã hội về tài sản và nhân thân thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. (Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động – Xã hội, 2011).
- Ngô Đức Thịnh: Luật tục và việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, Tạp chí văn hoá dân gian. số 4 năm 1998;
- Viện Dân tộc học: Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam). Nxb. Khoa học-Xã hội; Hà Nội. 1976.
- Hồ Ngọc Diệp, Toà án và nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng, Tạp chí Toà án nhân dân (điện tử), 24/10/2020