Tài sản riêng là gì? Xác định tài sản riêng của vợ hoặc chồng?

tai-san-rieng-la-gi-tai-san-rieng-cua-vo-hoac-chong

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận chế định tài sản riêng của vợ chồng không chỉ thể hiện sự bình đẳng giữa vợ chồng mà còn góp phần tạo ra hành lang pháp lý giúp cho vợ chồng chủ động tham gia vào các quan hệ pháp lý khác nhau. Vậy, để nắm được tài sản riêng là gì, xác định tài sản riêng của vợ chồng gồm những loại tài sản nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

1. Tài sản riêng là gì?

Tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản (vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản) thuộc quyền sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng, tách biệt với khối tài sản chung của vợ chồng.

2. Tài sản riêng của vợ chồng

Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản riêng của vợ chồng như sau:

Điều 43. Tài sản riêng của vợ chồng

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

– Tài sản hình thành trước khi kết hôn.

Theo quy định tại Điều 43 Luật HN&GĐ 2014 thì tài sản mà mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn là tài sản riêng của mỗi người.

Việc ghi nhận tài sản có được trước khi kết hôn là tài sản riêng nhằm mục đích bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản riêng của vợ, chồng, là căn cứ pháp lý để xác định cũng như bảo đảm cho tài sản riêng của vợ, chồng khi có tranh chấp phát sinh trên thực tế.

– Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Pháp luật HN&GĐ hiện hành quy định tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng. Sở dĩ pháp luật có quy định như vậy là do xuất phát từ nguồn gốc hình thành nên tài sản và bảo đảm nguyên tắc tự do ý chí trong các giao dịch dân sự. Bởi lẽ khi tặng cho riêng, để lại thừa kế riêng thì ý chí của chủ sở hữu tài sản là nhằm chuyển dịch, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó cho riêng một bên vợ hoặc chồng chứ không phải là cho cả hai vợ chồng. Ngoài ra, nguồn gốc của tài sản này có được từ tặng cho hoặc được thừa kế riêng tức là không phải do vợ chồng cùng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân bằng chính công sức, thu nhập hợp pháp của mình do đó không thể coi đó là tài sản chung của vợ chồng.

Việc pháp luật hiện hành ghi nhận khả năng xác lập quyền sở hữu/quyền sử dụng riêng đối với tài sản mà mỗi bên vợ hoặc chồng được tặng cho riêng, được thừa kế riêng nhằm đảm bảo quyền tự định đoạt của các chủ sở hữu đối với tài sản của mình trong việc chuyển dịch tài sản đó cho mỗi bên vợ hoặc chồng được hưởng.

Ngoài ra, trong trường hợp vợ, chồng cùng thuộc một hàng thừa kế theo pháp luật (bố, mẹ hưởng thừa kế của con) thì về nguyên tắc phần di sản được hưởng sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi bên vợ hoặc chồng và chỉ trở thành tài sản chung khi vợ chồng tự nguyện nhập vào khối tài sản chung hoặc có văn bản của vợ chồng thỏa thuận đó là tài sản chung.

– Tài sản mà vợ chồng được chia từ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thường được áp dụng khi vợ chồng muốn chia tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ tài sản riêng hoặc trường hợp vợ chồng muốn chia tài sản chung để chủ động đầu tư vào sản xuất kinh doanh riêng,…. Hậu quả pháp lý của sự kiện chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 40 Luật HN&GĐ năm 2014: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng

của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng…”. Quy định này đã được cụ thể hóa tại Điều 14 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, theo đó: “Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. 2. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng. 3. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đỏ thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì: tài sản mà vợ, chồng có được do thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi bên vợ, chồng, bao gồm: tài sản được chia, toàn bộ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản được chia, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên vợ, chồng sau khi chia tài sản chung.

– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Việc quy định nhóm tài sản này thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng là dựa vào đặc điểm cũng như công dụng của nó nhằm đảm bảo được quyền tự do cá nhân với những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Đối với những người, những gia đình với mức sống khác nhau thì khái niệm đồ dùng thiết yếu sẽ là không giống nhau. Ví dụ đối với một người, gia đình này thì chỉ các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như giày dép, mũ, áo…là đồ dùng thiết yếu nhưng đối với những người khác, gia đình khác lại xem máy tính cá nhân, xe máy. hay các vật dụng có giá trị khác là tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của bản thân.

Việc pháp luật quy định như vậy tạo nên sự linh hoạt, linh động và khi có tranh chấp về tài sản riêng giữa vợ chồng thì cơ quan có thẩm quyền phải dựa trên hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng gia đình khi phát sinh tranh chấp để giải quyết.

– Tài sản riêng khác của vợ chồng theo quy định của pháp luật

+ Thứ nhất, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Sáng chế, giải pháp hữu ích; bí mật kinh doanh; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ; chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá; tên thương mại; giống cây trồng mới; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.

+ Thứ hai, tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

+ Thứ ba, khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

– Ngoài ra, các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản có nguồn gốc là tài sản được chia riêng cho mỗi bên vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 40 Luật HN&GĐ năm 2014 cũng được xác định là tài sản riêng của bên vợ, chồng đó.

3. Cách chứng minh tài sản riêng

Từ những loại tài sản riêng được nêu ở trên, để chứng minh tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân của vợ, chồng cần dựa vào các yếu tố sau:

– Căn cứ vào thời điểm hình thành tài sản:

Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng vợ, chồng. Cụ thể, nếu không có thỏa thuận khác, tài sản hình thành trước khi vợ, chồng đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được coi là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Theo đó, có thể dựa vào hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ mua bán, tặng cho, thừa kế… có được trước khi kết hôn để chứng minh tài sản này là tài sản riêng vợ chồng.

– Căn cứ vào nguồn gốc của tài sản:

Ngoài việc căn cứ vào thời điểm hình thành tài sản thì nguồn gốc hình thành tài sản cũng là một trong những căn cứ quan trọng để chứng minh tài sản riêng của vợ, chồng. Cụ thể gồm một trong các giấy tờ sau:

+ Tài sản được thừa kế, tặng cho riêng: Hợp đồng tặng cho, văn bản thỏa thuận di sản thừa kế…

+ Quyền với đối tượng sở hữu trí tuệ: Giấy chứng nhận đăng ký đối tượng sở hữu trí tuệ tương ứng với tài sản của vợ hoặc chồng theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

+ Bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan khác để chứng minh xác lập tài sản riêng.

+ Văn bản thỏa thuận tài sản chung vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ một số nội dung về tài sản riêng là gì, tài sản riêng của vợ chồng gồm những tài sản nào. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon