Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

boi-thuong-thiet-hai-do-vuot-qua-gioi-han-phong-ve-chinh-dang

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là một tình tiết giảm nhẹ trong trách nhiệm hình sự nhưng không thể làm cơ sở để giảm mức bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm dân sự vì đó là hành vi bất hợp pháp. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.

Căn cứ pháp lý:

1. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?

Căn cứ theo Điều 594 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

“Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Theo đó, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được thỏa mãn nhưng không được xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Nguyên tắc này đã được khẳng định tại khoản 4 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Nhằm khuyến khích các cá nhân tự bảo vệ, chủ động ngăn chặn các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, quyền và lợi ích của Nhà nước, chủ thể khác. Trong một số trường hợp nhất định pháp luật cho phép cá nhân được chống trả chủ thể khác khi chủ thể đó có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại trước. Pháp luật coi việc chống trả các hành vi xâm phạm đến các đối tượng được pháp luật bảo vệ trong chừng mực nhất định là phòng vệ chính đáng.

2. Căn cứ xác định hành vi gây thiệt hại được coi là phòng vệ chính đáng

Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chế định phòng vệ chính đáng được đề cập chủ yếu trong pháp luật hình sự. Phòng vệ chính đáng trong pháp luật dân sự được tiếp thu trên cơ sở lý luận và thực tiễn trong pháp luật hình sự. Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015:

Khi một người có hành vi chống trả lại hành vi gây thiệt hại của người khác và hành vi chống trả lại này thỏa mãn đầy đủ các điều kiện của phòng vệ chính đáng thì hành vi chống trả đó không bị coi là hành vi trái pháp luật. Vì không bị coi là hành vi trái pháp luật gây thiệt hại nên không đủ cơ sở để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại, do đó người thực hiện hành vi chống trả không phải bồi thường thiệt hại.

Xuất phát từ nguyên tắc trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thỏa mãn đầy đủ bốn điều kiện: có thiệt hại; có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; có lỗi của người gây thiệt hại, trừ trường hợp pháp luật quy định phải bồi thường kể cả khi không có lỗi).

Điều 594 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người thiệt hại…”.

Căn cứ vào nguyên tắc chung làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được ghi nhận tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 thì hành vi gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng không bị coi là hành vi trái pháp luật. Không phải mọi hành vi chống trả người tấn công đều được thừa nhận là phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, nếu coi là phòng vệ chính đáng thì người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

2.1. Hành vi được coi là phòng vệ chính đáng

Hành vi gây thiệt hại được coi là phòng vệ chính đáng cần phải chú ý các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, hành vi của người khác là cơ sở để chống trả lại là hành vi pháp luật. Nói cách khác, tồn tại một hành vi trái pháp luật xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc xâm phạm tới lợi ích của chính bản thân người phòng vệ chính đáng.

Thứ hai, hành vi trái pháp luật của người khác phải đang gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho đối tượng bị xâm hại. Điều này có nghĩa là hành vi trái pháp luật của người khác phải đang tồn tại, thực tế đang gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại. Phòng vệ chính đáng là hành vi nhằm chấm dứt sự thiệt hại hoặc ngăn chặn thiệt hại xảy ra. Nếu thiệt hại đã xảy ra mà người bị thiệt hại mới có hành vi chống trả và gây thiệt hại ngược trở lại thì không thể coi là phòng vệ chính đáng.

Thứ ba, hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại – tức là cho bản thân người có hành vi tấn công (trước tiên là tính mạng, sức khỏe; trong những trường hợp nhất định có thể tài sản của người có hành vi xâm phạm), nếu gây thiệt hại cho người không có hành vi xâm hại thì không được coi là phòng vệ chính đáng mà có thể coi là gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết nếu thỏa mãn đủ điều kiện nhất định.

Thứ tư, hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải là cần thiết và tương xứng với hành vi xâm hại, nếu không cần thiết hoặc không tương xứng thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường thiệt hại.

Hành vi gây thiệt hại được xác định là cần thiết khi không thể có sự lựa chọn nào khác trong điều kiện, hoàn cảnh này nên buộc người bị tấn công phải có hành vi gây thiệt hại ngược trở lại.

Hành vi gây thiệt hại được xác định là tương xứng: Căn cứ vào mức độ của hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, phòng vệ có hành vi phòng vệ đúng với tính chất và mức độ của hành vi trái pháp luật gây thiệt hại.

Như vậy, khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích được pháp luật bảo vệ thì bản thân người phòng vệ chính đáng phải cân nhắc, tính toán để có thể phòng vệ chính đáng. Chính vì phòng vệ chính đáng không bị coi là trái pháp luật, trên nguyên tắc suy đoán, người phòng vệ chính đáng không bị coi là có lỗi nên pháp luật dân sự quy định người phòng vệ chính đáng không phải bồi thường thiệt hại.

Sự cân nhắc, tính toán, lượng hóa trong hành vi chống trả có thể là một sự sai lầm, biểu hiện của sự sai lầm là hành vi gây thiệt hại đối với người có hành vi trái pháp luật một cách không tương xứng theo mức độ lớn hơn. Nói cách khác, nếu người phòng vệ chính đáng gây thiệt hại mà thiệt hại đó là hậu quả của hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người này phải bồi thường thiệt hại.

Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ở đây được hiểu là khi bị người khác gây thiệt hại, người phòng vệ chính đáng đã có hành vi gây thiệt hại ngược trở lại nhưng có sự sai lầm trong việc đánh giá mức độ của sự tấn công, điều kiện hoàn cảnh của hành vi tấn công và hành vi chống trả, do đó vượt quá giới hạn cần thiết nên đã gây ra thiệt hại cho người có hành vi gây thiệt hại ban đầu. Vì vậy, hành vi của họ đã vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng. Việc vượt quá giới hạn đó bị coi là trái pháp luật (đối với phần vượt quá), do đó họ phải bồi thường thiệt hại.

2.2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phát sinh khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Có thiệt hại trái pháp luật gây thiệt hại, đây chính là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Như đã phân tích, hành vi gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không bị coi là trái pháp luật. Tuy nhiên, hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị coi là trái pháp luật.
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với thiệt hại xảy ra. Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại, phần thiệt hại vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là hậu quả.
  • Có lỗi của người gây thiệt hại. Lỗi của người phòng vệ chính đáng được xác định ở phần vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Trong thực tiễn cũng như trong khoa học pháp lý, có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này cần có sự chú ý nhất định. Thông thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi thỏa mãn đủ bốn điều kiện nêu trên. Ngoài ra, về nguyên tắc một người chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả do hành vi đó mang lại.

Theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì hành vi đó không bị coi là trái pháp luật, do vậy người thực hiện hành vi này không phải bồi thường thiệt hại. Nếu thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hành vi này bị coi là trái pháp luật ở phần vượt quá, do vậy người thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với phần vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây ra.

Trên đây là một số quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon