Trong cuộc sống sịnh hoạt hàng ngày thì đa phần người dân dựa vào việc đi làm thuê, làm công cho người khác để lấy tiền lương phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, bên cạnh đó có một phần tham gia vào các khóa đạo tạo nghề để rồi trở thành những học viên học nghề có kinh nghiệm tham gia vào quá trình lao động để tạo ra của cải vật chất. Nhưng trong quá trình người làm công hoặc học nghề mà cá nhân gây ra thiệt hại là vô ý hoặc cố ý thì trách nhiệm bồi thường thuộc về ai? Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật Việc làm 2013;
- Nghị quyết số: 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao;
- Nghị định 139/2006/NĐ-CP ngày 20/11/2006 của Chính phủ.
1. Người làm công, người học nghề là gì?
Trên cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 139/2006/NĐ-CP quy định về khái niệm hợp đồng học nghề là: “Hợp đồng học nghề là sự thoả thuận về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề”.
– Từ quy định về hợp đồng học nghề được nêu ra ở trên thì có thể hiểu một cách đơn giản về người học nghề là người tham gia học nghề tại cơ sở dạy nghề như trường nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Người học nghề là người đang theo học một nghề nghiệp có tính chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học để sau này hành nghề. Ở một khía cạnh khác thì người học nghề được quy định là người tham gia các chương trình đào tạo nghề nghiệp tại các cơ sở có chức năng dạy nghề hoặc chỉ đơn giản học nghề thông qua việc làm công hằng ngày. Trong quá trình học nghề người này phải chịu sự quản lý và điều động công việc có liên quan đến việc hình thành các kỹ năng nghề nghiệp
– Người làm công cũng được hiểu là người được thuê mướn theo hợp đồng hoặc theo thông lệ để làm các công việc thường có tính ổn định không cao, thường không có các đòi hỏi nhiều về tay nghề ở các cơ sở kinh doanh sản xuất ở quy mô nhỏ hoặc chỉ đơn giản là làm việc theo thời vụ. Người này vẫn chịu sự điều động và quản lý của chủ cơ sở hoặc người thuê mướn nhưng mức độ ràng buộc là lỏng lẻo hơn so với pháp nhân. Bân cạnh đó cũng có các quy định về người sử dụng người làm công được xác định trên cơ sở của pháp luật thì người sử dụng không phải là chủ thể có tư cách pháp nhân, trong trường hợp ngược lại thì áp dụng Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015. Đối với tổ chức dạy nghề có tư cách pháp nhân thì không áp dụng Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.
– Để làm rõ hơn khái niệm về người làm công được nêu ở trên thì theo khoản 5 Điều 3 Luật Việc làm 2013, việc làm công là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa cấp xã. Theo đó, người làm công là người làm công việc tạm thời có trả công trong việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn cấp xã. Người làm công là người thực hiện một công việc thường xuyên hay vụ việc để nhận một khoản tiền. Người làm công khác với người lao động. Người lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, có kí hợp đồng với tổ chức, doanh nghiệp và được hưởng các chế độ theo luật lao động quy định.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chỉ phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.
Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền cho người bị thiệt hại.
Pháp luật dân sự quy định hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại phải có đầy đủ các điều kiện sau đây: Có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật, có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, người gây ra thiệt hại có lỗi.
3. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra ?
Căn cứ tại Điều 584 bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Cụ thể, để phát sinh trách nhiệm bồi thường, ngoài căn cứ để phát sinh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, giữa cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác với người làm công, người học nghề (người gây thiệt hại) phải có mối quan hệ giữa chủ thuê người làm công (thông qua hợp đồng).
4. Chủ thể phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
Theo căn cứ tại Điều 600 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, cá nhân, tổ chức hoặc chủ thể khác phải bồi thường khi thiệt hại là do hậu quả của việc thực hiện việc làm công hoặc công việc học nghề được giao gây ra.
Nếu thiệt hại xảy ra không liên quan đến công việc làm công, đến việc học nghề được giao thì cá nhân, tổ chức hoặc chủ thể khác thuê người làm công, người học nghề sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
Nếu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại thì cá nhân, tổ chức hoặc chủ thể khác giao công việc cho người làm công, người học nghề có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề phải hoàn trả một khoản tiền nhất định.
Như vậy, chủ thể phải bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra là cá nhân, pháp nhân (người thuê) nếu thiệt hại gây ra do thực hiện công việc được giao. Tuy nhiên người làm công sẽ phải hoàn trả tiền cho người thuê lao động tùy vào việc người làm công có lỗi hay không. Nếu người làm công có lỗi, thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền bồi thường cho người thuê lao động, nếu người làm công không có lỗi thì không cần hoàn trả
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A là chủ xe ô tô BKS: 43A-219.. Tháng 7/2020, ông A ký hợp đồng lao động với anh Văn Công C, nội dung thuê anh C lái xe cho ông A theo đoạn đường quy định và trả tiền công hàng tháng. Tại Hợp đồng quy định về nghĩa vụ của người lao động “Lái xe có trách nhiệm bồi thường tất cả thiệt hại mình gây ra và hoàn toàn chịu trách nhiệm vi phạm pháp luật giao thông và xảy ra tai nạn giao thông”. Ngày 10/02/2021, anh C lái xe gây tai nạn với ông Lê Văn K. Sau đó, anh C bị Tòa án nhân dân quận T xử phạt về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Về phần trách nhiệm dân sự, đã buộc ông A phải bồi thường cho ông K tổng số tiền là 200.000.000 đồng, ông A có quyền khởi kiện đối với anh C về việc trả tiền bồi thường trong vụ kiện dân sự khác. Như vậy, ông A là chủ xe ô tô, còn anh C là người làm công. Theo đó, trường hợp ông A khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường, anh C phải có trách nhiệm phải trả số tiền 200.000.000 đồng cho ông A hoặc một khoản tiền theo thỏa thuận.
5. Nguyên tắc và mức bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
5.1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra, khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
5.2. Mức bồi thường thiệt hại
Mức bồi thường thiệt sẽ được xác định qua thiệt hại cụ thể về tài sản, sức khỏe và tính mạng. Bộ luật dân sự 2015 và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn một số điều của Bộ luật dân sự quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại trong từng trường hợp như sau:
– Đối với thiệt hại về tài sản
Điều 589 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm sẽ phải bồi thường những khoản sau:
- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
- Thiệt hại khác do luật quy định.
– Đối với thiệt hại về sức khỏe
Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì bên gây thiệt hại sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
– Đối với thiệt hại về tinh thần
Bên gây thiệt hại còn phải bồi thường khoản bù đắp tổn thất tinh thần như sau: Phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
– Đối với thiệt hại về tính mạng
Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự 2015
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng (các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ…);
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng: Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Nếu không có những người này thì người mà bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được thừa hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, mức tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn liên quan đến “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra”. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc gì liên quan, hãy liên hệ đến chúng tôi qua số Hotline: 1900.6568 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ tốt nhất.