Án lệ số 19 về xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt

an-le-so-19-ve-xac-dinh-gia-tri-tai-san-bi-chiem-doat

Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Trong một số vụ án, trong quá trình điều tra Bị cáo đã khắc phục một phần số tiền đã chiếm đoạt. Như vậy, trong trường hợp này, căn cứ định tội và định khung hình phạt được xác định như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia giải đáp thông qua bài phân tích án lệ số 19/2018/AL dưới đây.

1. Nguồn án lệ

Quyết định giám đốc thẩm số 09/2015/HS-GĐT ngày 23/4/2015 của Tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tham ô tài sản”

Bị cáo:

Võ Thị Ánh N, sinh năm 1981; trú tại số 17, đường A, phường B, thành phố C, tỉnh Bình Định. về tội  “Tham ô tài sản”

Phan Thị Q bị kết án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Võ Thị Kim T bị kết án về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”.

2. Khái quát nội dung án lệ

Tình huống án lệ

Bị cáo lợi dụng sơ hở trong quản lý của ngân hàng, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do bị cáo quản lý nhưng thực tế Bị cáo  không chi trả cho bất kỳ ai mà bị cáo đã sử dụng số tiền này. Quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục được một phần số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt.

Giải pháp pháp lý

Căn cứ theo quy định của pháp luật hành vi của bị cáo thuộc các tiêu chí của tôi ” Tham ô tài sản” . Trường hợp này bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tham ô tài sản”.

Giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt phải xác định là toàn bộ số tiền mà bị cáo đã làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm khống từ quỹ của chi nhánh ngân hàng (bao gồm cả số tiền bị cáo đã khắc phục trong quá trình điều tra).

3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ

  • Bộ luật Hình sự 1999, gồm các điều:

Điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 – Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;

Điều 47 – Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật

Điều 60 – Án treo

Điểm c khoản 2 Điều 278 – Tội tham ô tài sản.

  • Theo bộ luật hình sự 2015 :

Tương ứng với điểm b, s Điều 51; Điều 54; Điều 65, điểm c khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

4. Nội dung vụ án

Phòng giao dịch D là đơn vị trực thuộc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C, được thành lập theo Quyết định số 1667/QĐ/NHNN-TCCB ngày 02-03-2007 của Tổng Giám đốc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, có nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của dân cư.

Thời gian từ tháng 5-2008 đến tháng 4-2010, Phòng giao dịch D là một quầy giao dịch làm việc chung văn phòng với phòng kế toán Ngân quỹ của Ngân hàng nông nghiệp C. Phòng giao dịch D có 02 nhân viên là:

– Phan Thị Q là kế toán có nhiệm vụ giao dịch với khách hàng, lập các chứng từ thu, chi tiền, mở sổ theo dõi nhật ký quỹ tiền mặt, hạch toán các khoản thu chi vào chương trình giao dịch trên máy vi tính, in phát hành sổ tiết kiệm và lập thẻ lưu tiết kiệm.

– Võ Thị Kim T là thủ quỹ có nhiệm vụ quản lý sổ tiết kiệm trắng chưa phát hành cho khách hàng; quản lý việc thu, chi tiền mặt.

Còn Võ Thị Ánh N là giao dịch viên của phòng Kế toán – Ngân quỹ Ngân hàng nông nghiệp C, có nhiệm vụ quản lý các khoản chi trả chuyển tiền đến cho khách hàng vãng lai, chuyển tiền đi và đến, các nghiệp vụ huy động vốn, hạch toán các khoản thu nợ, thu lãi bằng tiền mặt.

Ngày 12-4-2010, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố C, phát hiện sai phạm của giao dịch viên đang làm việc tại chi nhánh nên báo cáo lên Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định. Ngày 07-6-2010, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Định có Công văn số 486/NHNNBĐ-HCNS đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ việc chi tiền tiết kiệm tại Phòng giao dịch D cho 02 sổ tiết kiệm NA 222040 tên Đặng Thị Bích D và sổ tiết kiệm NA 1297720 tên Ngô Thanh V, làm thiệt hại cho Ngân hàng với tổng số tiền 774.403.300 đồng. Quá trình điều tra xác định:

– Đối với Phan Thị Q và Võ Thị Kim T đã trực tiếp chi tiền từ quỹ của phòng giao dịch cho sổ tiết kiệm NA 222040 mang tên Đặng Thị Bích D là 200.100.000 đồng và sổ tiết kiệm NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V là 102.870.600 đồng; tổng cộng là 302.970.600 đồng (200.100.000 + 102.870.600 = 302.970.600 đồng) mà không kiểm tra chứng minh thư nhân dân của khách hàng để đối chiếu, dẫn đến thiệt hại cho Ngân hàng số tiền trên.

– Đối với Võ Thị Ánh N đã trực tiếp làm các thủ tục và chi tiền từ quỹ của chi nhánh Ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý cho sổ tiết kiệm NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V, tổng số tiền 471.432.700 đồng, gồm các lần sau:

Ngày 31-7-2009, Võ Thị Ánh N chi 23.124.400 đồng bao gồm 20.000.000 đồng tiền gốc và 3.124.400 đồng tiền lãi.

Ngày 03-11-2009, Võ Thị Ánh N chi 448.308.300 đồng bao gồm 375.000.000 đồng tiền gốc và 73.308.300 đồng tiền lãi.

Riêng đối với lần chi ngày 03-11-2009, Cơ quan điều tra đã xác định Võ Thị Ánh N đã chuyển 251.000.000 đồng vào tài khoản ATM mang tên Võ Thị T (thẻ này do Võ Thị Ánh N quản lý, sử dụng và giao dịch nhiều lần). Sau đó, Võ Thị Ánh N đã rút 251.000.000 đồng từ tài khoản ATM của bà Võ Thị T nhiều lần để chiếm đoạt.

Số tiền còn lại từ việc chi trả cho sổ tiết kiệm bậc thang NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V nhưng Võ Thị Ánh N không chứng minh được người nhận tiền nên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng 220.432.700 đồng. Do trong quá trình điều tra, bị cáo Võ Thị Ánh N đã khắc phục xong số tiền này nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định không truy tố bị cáo về hành vi này.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2013/HSST ngày 14-8-2013, Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Bình Định đã áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự xử phạt Võ Thị Ánh N 03 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Ngày 27-8-2013, Võ Thị Ánh N có đơn kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2014/HSPT ngày 24-02-2014, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 2 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Võ Thị Ánh N, áp dụng điểm c khoản 2 Điều 278, các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 47 và Điều 60 Bộ luật Hình sự xử phạt Võ Thị Ánh N 03 năm tù về tội “Tham ô tài sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số 02/2015/KN-HS ngày 09-02-2015, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 30/2014/HSPT ngày 24-02-2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định và Bản án hình sự sơ thẩm số 106/2013/HSST ngày 14-8-2013 của Tòa án nhân dân thành phố C, tỉnh Bình Định đối với Võ Thị Ánh N để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

5. Nội dung án lệ

“[3] Đối với số tiền còn lại 220.432.700 đồng (471.432.700 – 251.000.000 = 220.432.700 đồng) mà Võ Thị Ánh N đã chi trả cho sổ tiết kiệm bậc thang NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã khắc phục xong hậu quả, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị mất. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng bị cáo đã khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này là bỏ lọt tội phạm.”

6. Ý nghĩa của việc ra đời án lệ số19/2018/AL

Có thể thấy,  việc xác định số tiền chiếm đoạt trong trường hợp có khắc phục một phần hậu quả để làm căn cứ định tội và định khung hình phạt còn có những cách hiểu khác nhau, thiếu tính thống nhất. Rất cần phải có một án lệ giải thích về vấn đề này.

Án lệ hình sự số 19/2018 là án lệ có nội dung theo tình huống trên. Cụ thể, trong vụ án bị cáo Võ Thị Ánh N đã tạo lập cho mình một tài khoản ngân hàng ảo với tên của người khác và do chính bị cáo làm chủ sở hữu, sau đó bị cáo lợi dụng sơ hở trong quản lý ngân hàng bằng thủ đoạn gian dối, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do bị cáo quản lí nhưng thực tế không chi có bất kì ai. Quá trình điều tra  chi nhánh ngân hành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát hiện ra hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, Bị cáo đã khắc phục xong  số tiền đã chiếm đoạt nên Viện kiểm sát nhân dân cho rằng số tiền Bị cáo khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này.

Xét thấy, việc Toà án nhân dân tỉnh Bình Định chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Võ Thị Ánh N không truy tố số tiền đã khắc phục không những bỏ lọt tội phạm mà còn dẫn đến xác định sai khung hình phạt áp dụng.  Do đó, việc công bố án lệ số 19/2018 là rất cần thiết cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử áp dụng cho thống nhất, không bỏ lọt hành vi phạm tội trong tội tham ô tài sản đồng thời  sẽ làm tiền đề cho các vụ án tương tự trong tương lai.

Trên đây là bài phân tích án lệ số 19/2018/AL về việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội tham ô tài sản. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắt gì xin vui lòng liên hệ đến Luật Dương Gia theo số Hotline 19005668 để nhận được sự tư vấn tốt nhất của chúng tôi.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon