Bán xăng dầu là hoạt động thương mại quan trọng, đáp ứng nhu cầu sử dụng, phát triển cuộc sống của con người. Liên quan đến việc buôn bán xăng dầu, liệu việc bán xăng dầu qua chai lọ trên vỉa hè, qua các trụ xăng mini có bị xử phạt không? Để được phép kinh doanh trong lĩnh vực này, các chủ thể phải đáp ứng được những điều kiện nhất định nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 83/2014/NĐ-CP
- Nghị định 99/2020/NĐ-CP
1. Kinh doanh xăng dầu là gì?
1.1. Hoạt động kinh doanh xăng dầu
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, kinh doanh xăng dầu bao gồm các hoạt động:
- Xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu;
- Sản xuất và pha chế xăng dầu;
- Phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước;
- Cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu.
1.2. Hình thức kinh doanh xăng dầu
Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các hình thức kinh doanh xăng dầu hiện nay có thể kể đến là:
Thứ nhất, Thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; thương nhân sản xuất xăng dầu; thương nhân phân phối xăng dầu; thương nhân làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu; thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu; thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.
Thứ hai, thương nhân đầu mối bao gồm: Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và thương nhân sản xuất xăng dầu. Thương nhân đầu mối là chủ sở hữu xăng dầu trên toàn hệ thống phân phối xăng dầu của mình, trừ trường hợp xăng dầu bán cho thương nhân phân phối xăng dầu và cho thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Thứ ba, thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc hoặc thông qua các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu để bán lẻ xăng dầu.
Thứ tư, Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là thương nhân làm đại lý kinh doanh xăng dầu, ngoài việc tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình còn phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để bán xăng dầu cho bên giao đại lý là thương nhân đầu mối để hưởng thù lao.
Thứ năm, Đại lý bán lẻ xăng dầu là thương nhân làm đại lý để thực hiện việc bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình cho bên giao đại lý là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu để hưởng thù lao.
Thứ sáu, Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Theo đó, thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Với các hình thức kinh doanh xăng dầu trên, hình thức nhận quyền bán lẻ xăng dầu diễn ra phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Các thương nhân sẽ tiến hành nhận nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mỗi, sau đó, họ sẽ nhập xăng dầu về bán cho người tiêu dùng. Đây được xem là hình thức kinh doanh thu lợi nhuận trực tiếp, không thông qua trung gian hay không trình tự nào.
2. Các loại Giấy phép trong kinh doanh xăng dầu
Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư số 38/2014/TT-BCT sửa đổi tại Thông tư số 28/2017/TT-BCT, các loại Giấy phép trong kinh doanh xăng dầu bao gồm:
- Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu;
- Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
3. Điều kiện để kinh doanh xăng dầu riêng lẻ (bán lẻ xăng dầu)
Điều 24 Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể về điều kiện để mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo đó, muốn được Sở công thương cấp phép, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng được những điều kiện nhất định sau đây:
– Địa điểm mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Cửa hàng thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu/ thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu/thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP (thương nhân đề nghị cấp phải đứng tên trên Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu).
– Cửa hàng phải được thiết kế, xây dựng và trang bị trang thiết bị đầy đủ theo đúng các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
– Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, chỉ khi đảm bảo được những yêu cầu cụ thể trên, thương nhân mới có thể mở cơ sở bán lẻ xăng dầu. Việc quy định chặt chẽ về bán lẻ xăng dầu này giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu. Bởi như đã phân tích ở trên, xăng dầu là một loại nhiên liệu đặc biệt, việc kiểm soát nó phải chặt chẽ, tránh những trường hợp vi phạm xảy ra về việc sử dụng trái phép xăng dầu.
4. Bán xăng dầu ở vỉa hè, qua các trụ xăng mini bị xử phạt thế nào?
Có thể nhận thấy, việc bán xăng dâu theo quy định tại điều 24 Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì việc bán lẻ xăng dầu cần được Sở công thương cấp phép, bán lẻ xăng dầu phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, với những hành vi bán xăng dầu mà không xin cấp phép đều sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là việc bán xăng dầu qua chai lọ trên vỉa hè, qua các trụ xăng mini. Hiện nay, việc bán xăng dầu qua chai lọ trên vỉa hè diễn ra hết sức phổ biến. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu cần sử dụng của người dân khi cần thiết, thì nó là hành vi vi phạm pháp luật.
Để xử lý hành vi này nhà nước đã ba hành Nghị định 99/2020 NĐ-CP để xử lý hành vi dầu khi kinh doanh xăng dầu và dầu khí.
Theo khoản 2 Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP đã đưa ra những quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định khác về bán lẻ xăng dầu, cụ thể như sau: Đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó, sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và 5 Điều này.
Theo đó, các tổ chức buôn bán xăng dầu qua chai lọ ở trên các vỉa hè có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện thì phạt tiền bằng một nửa mức phạt tiền quy định đối với tổ chức. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Hành vi bán lẻ xăng dầu khi không có giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng.
Cụ thể khoản 2 Điều 14 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
“Nếu để cháy nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, tổ chức cá nhân kinh doanh xăng dầu không có giấy phép sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy hoặc tội vô ý gây thương tích, vô ý làm chết người tùy vào những tình huống cụ thể”