Chia, tách pháp nhân là gì?

chia-tach-phap-nhan

Pháp nhân là một thuật ngữ quen thuộc và được đề cập rất nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật. Từ khi con người khám phá và tạo ra các hình thức tổ chức kinh doanh, vấn đề về cách quản lý và tối ưu hóa cơ cấu pháp nhân luôn luôn nằm trong tầm ngắm của doanh nhân, nhà quản lý và các chuyên gia tài chính. Chia, tách pháp nhân, một khía cạnh quan trọng của quản lý tài chính và pháp lý, đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc đáp ứng những thách thức đa dạng mà các tổ chức kinh doanh và phi lợi nhuận đối mặt trong thế giới kinh doanh ngày nay. Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự năm 2015;

Luật Doanh nghiệp năm 2020.

1. Khái quát chung về pháp nhân

1.1. Khái niệm pháp nhân

Pháp nhân Việt Nam và kể cả trên thế giới cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất định nghĩa về pháp nhân, nhưng qua các điều kiện, có thể đưa ra một khái niệm cơ bản của pháp nhân như sau: Pháp nhân là một tổ chức nhất định của con người, được pháp luật của một Nhà nước quy định có quyền năng chủ thể. Tuy nhiên, không phải bất kỳ một tổ chức nào cũng được Nhà nước công nhận có tư cách pháp nhân.

1.2. Điều kiện pháp nhân

Như vậy, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi thoả mãn 4 điều kiện sau đây:

– Được thành lập theo quy định của bộ luật dân sự hoặc là luật khác có liên quan.

– Phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ: Pháp nhân phải có cơ quan điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể, phân công chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

– Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó: Pháp nhân phải sở hữu một lượng tài sản nhất định để sử dụng trong các giao dịch và hoàn toàn chịu trách nhiệm với các tài sản đó.

– Nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Ví dụ về pháp nhân: Bệnh viện, trường học, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,..

2. Phân loại pháp nhân

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân được phân thành hai loại đó là: Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

2.1. Pháp nhân thương mại

Căn cứ theo Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 pháp nhân thương mại được quy định như sau:

– Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

– Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

– Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.2. Pháp nhân phi thương mại

Căn cứ theo Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015 pháp nhân phi thương mại được quy định như sau:

– Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

– Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

– Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, vì pháp nhân là doanh nghiệp nên tài sản của doanh nghiệp đó có thể là đồng Việt Nam hay ngoại tệ chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, sở hữu trí tuệ, bí quyết kĩ thuật hay bất kỳ tài sản khác thuộc sở hữu doanh nghiệp định giá bằng đồng Việt Nam. Nội dung được nêu này được quy định cụ thể tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020.

3. Chia, tách pháp nhân

3.1. Chia pháp nhân là gì?

Chia pháp nhân là trường hợp một pháp nhân chia thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 Bộ luật dân sự 2015 về chia pháp nhân như sau:

“1. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân.

2. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.”

Hậu quả pháp lý của việc chia pháp nhân là sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt sự tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

Ví dụ: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần chia thành một số công ty mới, chấm dứt sự tồn tại của công ty bị chia sau khi công ty mới được đăng ký kinh doanh.

3.2. Tách pháp nhân là gì?

Theo Điều 91 Bộ luật dân sự 2015 về tách pháp nhân

“1. Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân.

2. Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động.”

Hậu quả pháp lý của tách pháp nhân đó chính là sau khi tách pháp nhân, tổ chức được tách vẫn sẽ tiếp tục tồn tại mà không bị chấm dứt hoạt động. Sự khác biệt giữa pháp nhân được tách và pháp nhân bị tách thể hiện qua việc, pháp nhân bị tách được thực hiện các quyền và nghĩa vụ phù hợp với muc đích hoạt động của mình theo quy định của pháp luật mà không bị phụ thuộc hay hạn chế quyền và nghĩa bởi bất kỳ pháp nhân nào.

Ví dụ: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách ra bằng cách chuyển một phần tài sản của công ty mình để thành lập một hoặc một số công ty mới. Công ty bị tách không chấm dứt sự tồn tại của mình.

4. Quy trình, thủ tục chia pháp nhân

Các phương thức chia doanh nghiệp mà công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể thực hiện:

– Một phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông vùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ  sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng với giá trị tài sản cho công ty mới.

– Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới.

– Kết hợp cả hai trường hợp quy định ở trên.

Trình tự thực hiện việc chia doanh nghiệp:

– Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua nghị quyết chia công ty theo quy định. Nghị quyết chia công ty phải có các nội dung: về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị chia tên các công ty sẽ thành lập; nguyên tắc, cách thức và thủ tục chia tài sản công ty; phương án sử dụng lao động; cách thức phân chia, thời hạn và thủ tục chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị chia sang các công ty mới thành lập; nguyên tắc giải quyết các nghĩa vụ của công ty bị chia; thời hạn thực hiện chia công ty.

– Nghị quyết chia công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết.

– Thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc cổ đông của công ty mới được thành lập thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty mới phải kèm theo nghị quyết chia công ty.

5. Quy trình, thủ tục tách pháp nhân

Các phương thức tách doanh nghiệp mà công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể thực hiện:

– Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng với giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới.

– Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới.

– Kết hợp cả 2 trường hợp trên.

Trình tự thực hiện việc tách doanh nghiệp:

– Cũng tương tự như trình tự thực hiện thủ tục chia doanh nghiệp thì Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo quy định.

– Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết.

– Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon