Chế độ pháp lý đối với tài sản (Phần 2)

che-do-phap-ly-doi-voi-tai-san-phan-2

Bài viết về chế độ pháp lý đối với tài sản của Luật Dương Gia đã cung cấp cái nhìn tổng quan về tài sản và tài sản cấm lưu thông. Tiếp nối nội dung đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích sâu hơn về tài sản hạn chế lưu thông và tài sản tự do lưu thông, giúp người đọc nắm rõ các đặc điểm, quy định pháp lý liên quan. Đồng thời, bài viết cũng sẽ tổng hợp một số quy định ở một số quốc gia trên thế giới để cung cấp cái nhìn so sánh và toàn diện hơn.

3. Tài sản hạn chế lưu thông

3.1. Khái niệm và ý nghĩa của tài sản hạn chế lưu thông

Tài sản hạn chế lưu thông được hiểu là tài sản khi trao đổi, chuyển dịch sẽ phải tuân theo một giới hạn, khuôn khổ nào đó đã được đặt ra. Hay nói cách khác, trong quan hệ dân sự, tài sản hạn chế lưu thông là tài sản khi giao dịch nhất thiết phải tuân theo những quy định riêng của pháp luật. Trong một số trường hợp phải có sự đồng ý hoặc cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các giao dịch dân sự đối với những loại tài sản này mới không bị coi là vô hiệu.

Sở dĩ, pháp luật đặt ra những quy định, ràng buộc riêng với nhóm tài sản này bởi lẽ đây là những tài sản có ý nghĩa quan trọng khác nhau trong nền kinh tế quốc dân, an ninh, quốc phòng… Ví dụ: Các loại vũ khí thể thao, súng săn, thanh toán ngoại tệ với số lượng lớn…

3.2. Một số tài sản hạn chế lưu thông theo quy định tại Việt Nam

Thực trạng pháp luật hiện nay không quy định cụ thể và tập trung các vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản hạn chế lưu thông trong cùng một văn bản quy phạm pháp luật mà được dàn trải tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Chính vì vậy, để xác định hành lang pháp lý đối với loại tài sản này đòi hỏi phải xem xét tổng thể nhiều quy định, văn bản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3.2.1. Các tài sản hạn chế lưu thông là vũ khí thể thao, súng săn

Như đã nêu, vũ khí thể thao, súng săn là các tài sản hạn chế lưu thông. Do đó, trong các văn bản pháp luật chuyên ngành đã có những quy định thể hiện rõ sự hạn chế này thông qua điều kiện khai thác, sử dụng, chuyển giao đối với tài sản. Tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ như sau:

“3. Người quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định.

6. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận.

9. Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.”

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rõ 06 nhóm đối tượng được trang bị vũ khí thể thao (bao gồm: quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; công an nhân dân; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao) và đều phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép trang bị vũ khí thể thao.

Vũ khí thể thao chỉ được sử dụng trong tập luyện, thi đấu thể thao tại trường bắn hoặc địa điểm tổ chức, được cảnh giới và có biện pháp bảo đảm an toàn; tuân thủ giáo án tập luyện, luật thi đấu thể thao và điều lệ giải. Mặt khác, pháp luật cũng quy định việc sử dụng, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy có thể thấy rằng, pháp luật đã đặt ra một khuôn khổ pháp lý tương đối chặt chẽ đối với các tài sản thuộc diện hạn chế lưu thông. Phạm vi và đối tượng được phép sử dụng, lưu thông các tài sản này đều được kiểm soát và giới hạn nhằm đảm bảo an ninh quốc gia; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Tương tự như Việt Nam, Nhật Bản cũng là quốc gia kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, sở hữu súng, vũ khí. Luật Sở hữu súng và kiếm của nước này từ năm 1958 quy định: “Bất kỳ người nào, trừ trường hợp thuộc bất kỳ mục nào sau đây, không được sử dụng súng hoặc nỏ”. Sau này, Chính phủ Nhật Bản đã “nới lỏng” quy định pháp luật, không cấm hoàn toàn việc sử dụng và sở hữu súng tại nước này, song, các quy định đặt ra để hạn chế sử dụng, lưu thông súng đạn vẫn được duy trì.

Theo đó, ngoại trừ cảnh sát và quân đội, không ai được phép sở hữu súng ngắn. Chỉ có súng săn và súng hơi được cho phép cung cấp cho dân thường. Tuy nhiên, người Nhật phải mất thời gian dài và nhiều thử thách mới có thể sở hữu súng. Họ buộc phải tham gia các lớp học về súng, vượt qua bài kiểm tra viết và kiểm tra tầm bắn với độ chính xác ít nhất đạt 95%. Giấy phép sở hữu súng có giá trị trong vòng 3 năm. Sau khi hết hạn, chủ sở hữu phải thi lại để gia hạn bằng. Vũ khí phải được đăng ký và kiểm tra hàng năm bởi cảnh sát.

3.2.2. Tài sản hạn chế lưu thông là ngoại tệ

Ngoài ra, khi nhắc tới tài sản hạn chế lưu thông không thể không nhắc tới các quy định liên quan đến việc thanh toán bằng ngoại tệ. Đây có thể coi là một trong những vấn đề điển hình của nhóm tài sản này. Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định:

“Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Đồng thời Điều 3 Thông tư 32/2013/TT- NHNN tiếp tục quy định nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Có thể thấy rằng, quy định hạn chế việc sử dụng, thanh toán ngoại tệ nêu trên xuất phát từ việc sự lưu thông của ngoại tệ trên thị trường tự thân nó đã chứa đựng những ảnh hưởng sâu sắc đối với nền kinh tế xã hội của quốc gia như hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động điều hành tỷ giá hối đoái và việc ổn định sức mua của đồng nội tệ. Do vậy, chính phủ phải thực hiện việc quản lý ngoại tệ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Dưới góc độ pháp lý, quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức, cá nhân là một trong những quyền hợp pháp mà Nhà nước bảo vệ. Sở dĩ vậy vì ngoại tệ cũng được coi là một loại tài sản. Về nguyên tắc, khi tổ chức, cá nhân sở hữu tài sản, họ được thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản đó. Hay nói cách khác, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản đó miễn sao không gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Tuy nhiên, đối với ngoại tệ, nhà nước phải có những quy định chuyên biệt trong việc thừa nhận các quyền năng của chủ sở hữu bởi lẽ ngoại tệ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động ổn định giá trị tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Nhà nước phải ban hành các quy định giới hạn quyền của chủ sở hữu, các giao dịch ngoại tệ phải được giới hạn trong khuôn khổ mà pháp luật cho phép. Thậm chí, trong một số trường hợp, chủ sở hữu ngoại tệ buộc phải thực hiện quyền của mình theo ý chí của Nhà nước mà không có sự lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, việc thanh toán bằng ngoại tệ đã từng bước được nới lỏng. Tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN đã liệt kê 17 trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam (như Cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng được niêm yết bằng ngoại tệ và thu bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh; Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép; Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam….)

Đồng thời Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 tiếp tục có những quy định cụ thể về tự do hóa đối với giao dịch vãng lai. Theo đó, tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai của người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện phù hợp với các quy định tại Nghị định. Người cư trú, người không cư trú được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các nhu cầu thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai. Quy định này đã góp phần giúp Việt Nam dễ dàng hội nhập thế giới nhưng mặt khác cũng đặt ra yêu cầu nhà nước phải hoàn thiện khung pháp lý, kiểm soát được các giao dịch tiền tệ, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến ngoại tệ.

3.3.3. Quy định của một số nước trên thế giới về tài sản hạn chế lưu thông

Đối với một số quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… cho thấy, đồng bản tệ là đồng tiền duy nhất được hợp pháp hóa thanh toán và lưu hành trên lãnh thổ nước họ nhằm bảo vệ chủ quyền tiền tệ quốc gia. Cụ thể: Thái Lan là nước có quy định cấm giao dịch, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ diễn ra rất nghiêm túc. Khách hàng chỉ được giao dịch bằng đồng USD duy nhất tại cửa hàng miễn thuế nhưng phải niêm yết bằng nội tệ. Tại nước này, khi khách hàng đề nghị trả 20 USD cho một món hàng trị giá 15 USD (đỡ mất thời gian đổi USD ra đồng Baht) thì người bán cũng không chấp nhận. Nếu bị phát hiện vi phạm pháp luật ngoại hối, chủ cửa hàng sẽ bị xử phạt rất nặng và có thể bị rút giấy phép kinh doanh.

Hay tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1995, trên lãnh thổ Trung Quốc chỉ lưu hành duy nhất là đồng NDT; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân là người Trung Quốc và người nước ngoài ở Trung Quốc thanh toán, mua bán, chuyển nhượng cho nhau bằng ngoại tệ; cấm sử dụng ngoại tệ để niêm yết giữa người cu trú với nhau, việc mua hàng bằng ngoại tệ chỉ được phép thực hiện tại các cửa hàng miễn thuế.

Nhìn chung có thể thấy rằng, tài sản hạn chế lưu thông là những tài sản mang đặc trưng riêng về giá trị và giá trị sử dụng đối với xã hội về kinh tế, an ninh, quốc phòng so với các loại tài sản thông thường khác. Vì vậy, khi xác lập các giao dịch trong quan hệ dân sự đòi hỏi các bên phải tuân thủ chặt chẽ về điều kiện giao dịch như đối tượng được phép giao dịch; phạm vi giao dịch, sử dụng; các quy định về đăng ký, xin cấp giấy phép đối với tài sản khi dịch chuyển đã được pháp luật đặt ra.

4. Tài sản tự do lưu thông

Tài sản tự do lưu thông là những tài sản mà các chủ thể được quyền tự do thực hiện mọi hành vi đối với tài sản như thông qua các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho mượn… mà không phải chịu bất kỳ sự hạn chế nào của pháp luật về việc dịch chuyển.

Pháp luật cũng không quy định cụ thể các phương thức dịch chuyển, nếu có sự dịch chuyển các tài sản này cũng không cần phải đăng kí hoặc xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hầu hết các tài sản tồn tại trên thực tế hiện nay đều là các tài sản tự do lưu thông như xe máy, quần áo, lương thực, thực phẩm… Các tài sản này chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, cuộc sống của con người; không có tác động hay ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế quốc gia, an ninh, quốc phòng.

Việc xác định tài sản tự do lưu thông có ý nghĩa lớn trong việc xác định hiệu lực của các giao dịch dân sự, cụ thể: Tài sản tự do lưu thông sẽ là đối tượng trong các giao dịch dân sự. Khi các bên xác lập những giao dịch này mà không vi phạm các điều kiện của giao dịch dân sự nói chung quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những giao dịch đó đương nhiên có hiệu lực. Đồng thời, bên sở hữu, quản lý, nắm giữ tài sản thông qua giao dịch dân sự còn có quyền đối với toàn bộ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó.

Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về “Chế độ pháp lý đối với tài sản (Phần 2)”. Trường hợp bạn đang còn thắc mắc hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý, liên hệ ngay Hotline: 079.497.8999 hoặc 093.154.8999 để đươc tư vấn và hỗ trợ sớm nhất!

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon