Ngoại tình là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình và tình trạng ly hôn hiện nay. Việc ngoại tình không chỉ vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn là hành vi trái pháp luật. Hành vi ngoại tình của người vợ hoặc người chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hành vi ngoại tình là gì, chế tài xử lý đối với hành vi ngoại tình.
Căn cứ pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
– Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi năm 2019;
– Quy định Số: 102-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 15 tháng 11 năm 2017.
1. Ngoại tình là gì?
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì hình thức một vợ một chồng là hợp pháp, vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy với nhau. Tuy nhiên hiện nay có một số người vợ/ chồng dù đã kết hôn nhưng có hành vi quan hệ lén lút với người khác, thậm chí là chung sống như vợ chồng với một người khác thì đây được xem là hành vi ngoại tình.
Ngoại tình là từ ngữ dùng để đề cập đến việc một người đã kết hôn có hành vi tình dục với người khác không phải là người vợ/ chồng hợp pháp của họ.
Hành vi ngoại tình được xem là vi phạm nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng. Ngoài ra, “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ Chế độ hôn nhân và gia đình (theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Về khía cạnh pháp lý, việc ngoại tình sẽ được hiểu là việc:
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.
Bằng chứng vợ hoặc chồng có quan hệ ngoại tình là các bằng chứng xác thực như: Video, hình ảnh ghi lại được cảnh trai trên gái dưới hoặc biên bản của công an về hành vi này.
Còn những video, hình ảnh, tin nhắn, cuộc hội thoại… vẫn chưa đủ bằng chứng xác thực từ đó rất khó khăn trong việc xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Hành vi ngoại tình bị xử lý như thế nào?
Ở mức độ nhẹ thì có quan hệ tình cảm với người đã có gia đình hoặc ngược lại là hành động trái với đạo đức và chuẩn mực xã hội Việt Nam.
Ở mức độ cao hơn thì pháp luật cũng quy định rõ ràng về vấn đề bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.”
Việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì tùy vào từng mức độ sẽ bị xử lý về hình sự hoặc xử phạt về hành chính.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Khi phát hiện vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình và có bằng chứng về hành vi này thì có thể viết đơn đề nghị Uỷ ban nhân dân xã/ phường xử phạt vi phạm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Như vậy, hành vi ngoại tình với người đã có gia đình có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề mà hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, người có hành vi ngoại tình với người đã có gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất lên đến 03 năm tù. Chi tiết như sau:
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
– Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
– Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Do đó, căn cứ theo điều khoản trên, hành vi ngoại tình với người đã có gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và tùy mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Người ngoại tình có được đơn phương ly hôn không?
Ly hôn đơn phương là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng, hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
– Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
– Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
– Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 3 điều 51 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Như vậy, nếu người ngoại tình có căn cứ về vợ/chồng của mình thuộc 1 trong các trường hợp nêu trên thì được yêu cầu ly hôn.
Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như vậy, trường hợp người vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng dù có các căn cứ nêu trên vẫn bị hạn chế quyền yêu cầu xin ly hôn. Trong trường hợp này, tòa án sẽ không thụ lý đơn xin ly hôn của người chồng. Người chồng phải đợi đến khi người vợ sinh con xong và đứa trẻ trên 12 tháng tuổi mới được tiếp tục xin ly hôn.
Tuy nhiên, quy định này chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Có nghĩa là nếu người vợ làm đơn xin ly hôn, mặc dù đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì tòa án vẫn thụ lý, giải quyết như những trường hợp bình thường khác.
4. Thủ tục ly hôn đơn phương khi một bên ngoại tình
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
– Đơn xin ly hôn (theo mẫu);
– Bản sao hợp lệ Hộ khẩu, chứng minh nhân dân/căn cước công dân;
– Bản chính Giấy đăng ký kết hôn;
– Các giấy tờ chứng minh tài sản;
– Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có);
– Các giấy tờ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, giải quyết ly hôn thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện. Do đó, người yêu cầu có thể nộp đơn yêu cầu ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc.
Bước 3: Tòa án xem xét đơn và thụ lý giải quyết
– Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án;
– Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự;
Bước 4: Nếu hồ sơ hợp lệ và được thụ lý, tòa án sẽ tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm.
Thời gian tòa án giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn: Giải quyết ly hôn tại cấp sơ thẩm khoảng từ 4 đến 6 tháng (nếu có tranh chấp tài sản, phức tạp thì có thể kéo dài hơn).
5. Cán bộ, công chức, viên chức ngoại tình bị xử lý như thế nào?
Như phân tích ở trên, việc đang có vợ, đang có chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống với người mình biết rõ là đang có chồng, đang có vợ (sau đây gọi tắt là ngoại tình) là hành vi vi phạm điều cấm của luật.
Do đó, khi vi phạm, tùy vào mức độ, tính chất vi phạm cán bộ, công chức có thể sẽ bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, nếu vi phạm các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình (cụ thể là ngoại tình), cán bộ, công chức có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định 112/2020/NĐ-CP bằng các hình thức:
– Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.
– Cảnh cáo: Đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
– Hạ bậc lương: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
– Giáng chức: Đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
– Cách chức: Công chức đã bị giáng chức mà tái phạm; cán bộ đã bị cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc, người vi phạm cũng tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
– Buộc thôi việc: Đã bị cách chức hoặc hạ bậc lương mà tái phạm; vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang là đảng viên có vi phạm nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng (ngoại tình) thì sẽ bị xử lý theo quyết định số 102-QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017 về xử lý kỉ luật đảng viên bằng hình thức khai trừ Đảng.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung ngoại tình là gì, người ngoại tình bị xử lý như thế nào và một số vấn đề liên quan. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.