Bắt vợ là gì? Tục bắt vợ của người Mông

bat-vo-la-gi-tuc-bat-vo-cua-nguoi-mong

Việt Nam là một đất nước mang nhiều màu sắc văn hoá, phong tục tập quán. Tính đến hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 63 tỉnh thành. Hơn nữa, có thể nhận thấy gần như mỗi tỉnh thành đều có những nét văn hoá rất riêng và rất độc đáo. Đây chính là một trong số những lí do cuốn hút những vị khách du lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên, song song với việc văn hoá Việt Nam vẫn được lưu truyền nhiều đời nay vẫn còn sự tồn tại của khá nhiều hủ tục. Ngoài ra, một số các phong tục đẹp đẽ của các dân tộc thiểu số đã dần dần bị biến chất trở thành hủ tục. Cụ thể phải kể đến tục bắt vợ của người Mông. Bài viết này sẽ đưa đến những phân tích về tục bắt vợ và những vấn đề liên quan.

Căn cứ pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Nghị định 82/2020/NĐ-CP

1. Phong tục, hủ tục là gì?

Phong tục là những nếp sống lâu đời của người Việt, là những thói quen đã ổn định được truyền từ đời này qua đời khác, quy định hành vi ứng xử của cá nhân, của cộng đồng và của xã hội. Phong tục tập quán mang tính ổn định và bền vững. Phong tục tập quán đã tạo nên những thói quen lâu đời từ đó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người trong cộng đồng. Phong tục tập quán hướng dẫn hành vi giao tiếp, ứng xử của con người trong một cộng đồng.

Không những thế, phong tục tập quán là công cụ để giáo dục nhận thức của thế hệ sau, hướng thế hệ sau tới những điều mà thế hệ đi trước cho là đúng đắn; là công cụ để người với người trong cộng đồng hướng lại gần nhau; là tiêu chuẩn đo lường cho những giá trị đạo đức của xã hội.

Những phong tục tập quán tốt đã trở thành những nét đẹp trong bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc nhưng có những phong tục tập quán xấu đã gây nên sự kìm hãm sự phát triển của xã hội, kéo thụt lùi sự phát triển của xã hội. Cụ thể, những phong tục tập quán xấu còn được gọi là hủ tục. Hủ tục là những tập tục lạc hậu, lỗi thời và không còn phù hợp với các chuẩn mực của xã hội hiện đại. Hủ tục cũng tồn tại lâu đời nhưng khác ở chỗ hủ tục kìm hãm sự phát triển của một xã hội, một nền văn minh.

2. Bắt vợ là gì? Tục bắt vợ của người Mông

Bắt vợ từ lâu đã được xem là một nét văn hoá đặc trưng trong hôn nhân của người Mông. Theo đó, người con trai sẽ tìm đến người con gái mà họ thích để bắt về làm vợ. Theo nét truyền thống của người Mông, tục bắt vợ được coi như lối thoát cho những hoàn cảnh nghèo không đủ tiền thách cưới, thể hiện được sự tự do hôn nhân của người Mông.

Đôi trai gái yêu thương nhau nhưng vì gia cảnh không đủ tiền thách cưới hoặc bố mẹ của cô gái không vừa lòng, không đồng ý chấp thuận cho đôi bên thì đôi nam nữ sẽ cùng bàn kế để chàng trai làm lễ bắt vợ. Khi đến ngày đã hẹn, chàng trai sẽ xuất hiện cùng bạn bè để “bắt” cô gái kia về nhà. Đương nhiên trong việc này cô gái đã biết trước nhưng vẫn có cố tình tỏ thái độ bất ngờ và đồng thời giả vờ kêu khóc. Đối với quan điểm của người Mông trong tục lệ này, nếu trong cuộc bắt vợ, cô gái khóc càng to và phản ứng càng quyết liệt thì sau này vợ chồng họ sẽ càng hạnh phúc và có “bắt” vợ thì người đàn ông mới chứng minh được tình yêu với cô gái và lòng dũng cảm của mình.

Nếu chàng trai chỉ là người yêu đơn phương và “bắt” đối tượng thương yêu mình, cô gái sẽ tìm cách trốn hoặc chàng trai sẽ cố tình để cô gái trốn thoát. Lúc này, gia đình chàng trai phải làm lễ vật đem sang nhà cô gái để “đền danh dự”. Nhưng sau ba hôm bị “bắt”, cô gái không trốn hoặc là không trốn được thì nhà trai sẽ đến nhà gái để bàn việc cưới hỏi. Trường hợp chàng trai bắt vợ nhưng cô gái không chấp thuận thì họ sẽ thách cưới rất cao, chàng trai không đáp ứng được sẽ bị dân làng phạt vạ, thường là sẽ phải khao cả dân làng ăn uống trong bảy ngày liên tiếp. Tục lệ bắt vợ của người Mông mang một ý nghĩa vô cùng nhân văn và sâu sắc, đó là khẳng định sự tự do hôn nhân, góp phần xoá đi các hủ tục như cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, môn đăng hộ đối,…

Tục bắt vợ của người Mông thực chất là một cách để chàng trai ướm hỏi cô gái có thực sự đồng ý lấy chàng trai làm chồng không. Riêng đối với những người phụ nữ dân tộc Mông, tục bắt vợ đề cao giá trị của người con gái, họ tự hào khi được người con trai kéo. Hay nói cách khác, những cô gái xinh đẹp, chăm làm, tài giỏi cho nên mới có chàng trai bắt về làm vợ. Theo quan niệm của phụ nữ Mông, nếu không bắt vợ thì tiếng nói của người phụ nữ Mông trong gia đình sẽ ít có giá trị. Bởi lẽ, khi hai vợ chồng có xích mích thì người vợ có lý để nói chồng rằng về việc người chồng bắt người phụ nữ về làm vợ, bắt về rồi sao lại đi mắng họ như thế. Và khi đó người chồng sẽ phải im lặng. Còn khi cô gái tự nguyện theo về thì bố mẹ chàng trai cho rằng đó chỉ là bạn bè về nhà chơi. Và khi hai vợ chồng có mâu thuẫn thì người vợ không dám cãi lại chồng. Vì thế cô gái Mông nào cũng mong muốn mình được kéo về làm vợ chứ không muốn tự nguyện đi theo chồng.  

Tuy nhiên, trong thực trạng hiện nay, nhiều đối tượng thiếu văn hoá, không có kiến thức pháp luật, hay một số lý do chủ quan nào đó khác,… đã lợi dụng tục bắt vợ để gây nên một số tệ nạn xã hội như tục tảo hôn, xâm hại tình dục hay lừa bán những người phụ nữ qua nước ngoài. Từ đó, dẫn đến việc tục lệ bắt vợ – một nét tinh hoa văn hoá mang ý nghĩa nhân văn của người Mông bị làm xấu đi, bị biến thành hủ tục trong mắt xã hội. Hiện nay, khi mọi người nghe đến tục bắt vợ thì không còn ai cảm thấy thích thú vì cho rằng đấy là một nét văn hoá lâu đời nữa mà dường như ai cũng lắc đầu ngán ngẩm và đa phần cảm thấy “bắt vợ” là một hủ tục xấu xa, mang nhiều hiểm hoạ.

Thời gian gần đây, mạng xã hội xôn xao việc một clip ghi lại cảnh bắt vợ của những nhóm thanh niên miền núi gây bất bình trong dư luận. Sự việc trên được ghi nhận ở San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai). Cụ thể là vào ngày 05 tháng 02 vừa qua, một nữ học sinh lớp 9 tên V người Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai) đã bị một gia đình ở San Sả Hồ bắt về làm vợ cho con. Mặc cho cô bé van khóc lóc, lăn lộn dưới đất vì không đồng ý lại thêm sự can ngăn của thầy giáo hiệu phó của V và du khách, gia đình người đi bắt vợ cho con vẫn quyết tâm kéo cô bé đi.

Sự việc chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của bố mẹ em và chính quyền địa phương. Hiện V đã được đón về nhà, tâm lý ổn định và đi học trở lại. Sự việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà chức trách, các cá nhân về việc lạm dụng phong tục tập quán cho những hành vi sai trái khiến cho những nét đẹp văn hoá đó bị biến tướng, trở nên xấu đi và bị xem như một hủ tục.

3. Bắt vợ có vi phạm pháp luật?

Theo như cách hiểu về tục bắt vợ và tính chất của tục lệ này thì bắt vợ được xem là hành vi cưỡng ép kết hôn. Và hành vi này thuộc một trong các hành vi cấm kết hôn được quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

“2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”

Cụ thể tại điểm b trong điều khoản này đã quy định rất rõ về hành vi bị cấm là hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn… Pháp luật hôn nhân gia đình có quy định như thế này là hợp lý và phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, những hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, các hành vi này không trừ thủ đoạn lợi dụng phong tục tập quán.

Chẳng hạn, tục bắt vợ bị lợi dụng và biến chất đi trở thành hủ tục, xuất phát từ những hành vi trái pháp luật. Và những người có hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 59 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000. Một chế tài nặng hơn cho hành vi cưỡng ép kết hôn quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 rằng nếu người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Bắt vợ vốn là một nét đẹp văn hoá nhưng lại bị biến tướng nhằm vào những mục đích cá nhân không tốt đẹp. Có những phong tục tập quán thực chất không hề xấu nhưng hoàn cảnh và con người khiến cho những nét đẹp đó bị xấu đi. Nhưng theo quy định pháp luật hiện nay, đã có những chế tài quy định về việc xử lý hành vi cưỡng ép kết hôn – là một dạng biến tướng của tục bắt vợ. Mong rằng xã hội ngày càng phát triển, càng tuân thủ pháp luật hơn để tránh những hành vi vi phạm pháp luật không đáng có và để giữ vững những nét đẹp văn hoá của Việt Nam.

 Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về bắt vợ và tục bắt vợ của người Mông. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon