Môi giới hôn nhân với người nước ngoài như thế nào là trái pháp luật?

moi-gioi-hon-nhan-voi-nguoi-nuoc-ngoai-nhu-the-nao-la-trai-luat

Hiện nay, nhu cầu kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng cao nên các trung tâm dịch vụ môi giới hôn nhân càng trở nên phổ biến. Để hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của hình thức môi giới này, pháp luật nước ta cũng đã ban hành những quy chế pháp lý riêng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có rất nhiều trung tâm môi giới hôn nhân hoạt động trái pháp luật. Vậy bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu môi giới hôn nhân như thế nào là trái pháp luật và các vấn đề liên quan.

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 82/2020/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

– Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình

1. Khái niệm môi giới hôn nhân với người nước ngoài

Môi giới hôn nhân với người nước ngoài có thể hiểu là hành vi của một chủ thể khi thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu để một khách hàng kết hôn với một người nước ngoài. Theo đó, những trung tâm môi giới hôn nhân gồm: Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Đây là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam hoặc Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Dịch vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên hoạt động này bị hạn chế phạm vi thực hiện với mục đích nhằm đảm bảo trật tự quản lý Nhà nước. Theo đó, các trung tâm dịch vụ môi giới hôn nhân phải hoạt động trên nguyên tắc nhân đạo và phi lợi nhuận.

2. Môi giới hôn nhân nước ngoài trong trường hợp nào bị xem là trái pháp luật và mức xử phạt?

Theo đó, việc môi giới hôn nhân và lợi dụng hình thức hỗ trợ tư vấn, giới thiệu kết hôn nhằm mục đích mua bán phụ nữ, xâm phạm tình dục phụ nữ và các mục đích trái pháp luật khác được xem là những hành vi môi giới hôn nhân trái pháp luật.

Vậy pháp luật Việt Nam quy định mức xử phạt như thế nào về hành vi môi giới hôn nhân trái pháp luật.

Căn cứ theo khoản 4, 5, 6 Điều 39 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

“Điều 39. Hành vi vi phạm quy định về tổ chức, hoạt động của trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hoạt động trong trường hợp không còn đủ điều kiện hoạt động;

b) Hoạt động vượt quá phạm vi, nội dung ghi trong giấy đăng ký hoạt động;

c) Đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác ngoài thù lao theo quy định khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

d) Không giữ bí mật các thông tin, tư liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của các bên theo quy định của pháp luật.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài khi chưa có giấy đăng ký hoạt động;

b) Lợi dụng việc tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

c) Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 Điều này.”

Dựa vào những quy định pháp luật nêu trên, với các hoạt động môi giới hôn nhân trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 7 đến 20 triệu đồng tùy vào từng mức độ và hành vi vi phạm. Ngoài ra chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật nêu trên còn phải chịu những hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

3. Nguyên tắc hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân

Dịch vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài là hoạt động không bị cấm hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên các trung tâm hoạt động dịch vụ này cần phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc theo luật định. Cụ thể như sau:

Căn cứ theo Điều 52 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định cụ thể:

“Điều 52. Nguyên tắc hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

1. Hoạt động của Trung tâm phải bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận, góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Các bên kết hôn có quyền được tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Việc tư vấn, hỗ trợ không phụ thuộc vào quốc tịch, nơi cư trú của người có yêu cầu.

3. Nghiêm cấm lợi dụng việc tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhằm mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc vì mục đích trục lợi khác.”

Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật nêu trên, các trung tâm hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài cần phải thực hiện một cách hợp pháp dựa trên các nguyên tắc luật định. Trong trường hợp nếu phát hiện hành vi vi phạm, lợi dụng việc môi giới hôn nhân nhằm mục đích trục lợi, mua bán phụ nữ hay các hành vi trái pháp luật khác đều bị xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật Việt Nam. Theo đó những chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Các hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân được phép hoạt động tại Việt Nam

Nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng cao của cá nhân về việc kết hôn với người nước ngoài, các trung tâm hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân được phép thực hiện các hoạt động nhằm phục vụ, đáp ứng đến mức tối đa các yêu cầu của từng cá nhân. Song, cần phải đảm bảo theo những quy định của pháp luật.

Vậy căn cứ theo quy định tại Điều 55 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quyền hạn và nghĩa vụ của các trung tâm môi giới hôn nhân với nước ngoài này bao gồm:

– Tư vấn những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cho công dân Việt Nam theo hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ;

– Tư vấn, bồi dưỡng cho công dân Việt Nam về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật về hôn nhân và gia đình, về nhập cư của nước mà người yêu cầu dự định kết hôn với công dân nước đó;

– Tư vấn, giúp đỡ người nước ngoài tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam;

– Giúp đỡ các bên kết hôn tìm hiểu về hoàn cảnh cá nhân, gia đình của mỗi bên và các vấn đề khác liên quan mà các bên yêu cầu;

– Cấp giấy xác nhận cho công dân Việt Nam sau khi đã được tư vấn, bồi dưỡng theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này, nếu có yêu cầu;

– Giúp đỡ các bên kết hôn hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, nếu có yêu cầu;

– Trường hợp công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có nhu cầu giới thiệu người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam để kết hôn thì Trung tâm thực hiện giới thiệu;

– Hoạt động hợp tác với tổ chức tư vấn, hỗ trợ hôn nhân của nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật nước đó để giải quyết những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;

– Được nhận thù lao để trang trải chi phí hoạt động và được thanh toán chi phí thực tế hợp lý khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận;

– Được thay đổi nội dung giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 56 của Nghị định này.

Theo đó, các trung tâm này được phép nhận thù lao khi thực hiện xong dịch vụ tư vấn nhằm trang trải cho chi phí hoạt động của trung tâm. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo theo nguyên tắc nhân đạo và phi lợi nhuận vốn có.

Bên cạnh đó, các trung tâm môi giới hôn nhân còn phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Thực hiện hoạt động theo đúng nội dung ghi trong giấy đăng ký hoạt động; Tư vấn, hỗ trợ cho mọi đối tượng có yêu cầu, không phụ thuộc vào quốc tịch, nơi cư trú của người có yêu cầu; cấp giấy xác nhận của Trung tâm sau khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ cho người có yêu cầu; Công bố công khai mức thù lao theo quy định. Ngoài ra thì trung tâm môi giới hôn nhân còn phải giữ bí mật các thông tin, tư liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của các bên theo quy định của pháp luật; Chịu sự kiểm tra, quản lý của Hội Liên hiệp phụ nữ; Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động và cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy dịch vụ tư vấn hôn nhân với người nước ngoài là hoạt động được phép thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này cần phải được thực hiện theo những nguyên tắc nêu trên và đảm bảo các quyền và nghĩa vụ theo luật định. Bất kì các hành vi hoạt động đi ngược với mục đích thành lập và trái pháp luật làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của khách hàng, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý của Nhà nước đều sẽ bị xử phạt một cách nghiêm minh.

Trên đây là toàn bộ nội dung về môi giới hôn nhân với người nước ngoài và những quy định pháp luật có liên quan. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được tư vấn hỗ trợ cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon