Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận trong Bộ luật hình sự 2015

toi-xam-pham-quyen-tu-do-ngon-luan-tu-do-bao-chi-tiep-can-thong-tin-quyen-bieu-tinh-cua-cong-dan

Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, và quyền biểu tình của công dân là một vấn đề nghiêm trọng đối với các xã hội dân chủ và các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, tự do ngôn luận và tự do báo chí được coi là các nguyên tắc cơ bản của một xã hội tự do và dân chủ, là điều kiện cần để thúc đẩy sự minh bạch, tích cực thảo luận, và phát triển xã hội.

Tiếp cận thông tin và quyền biểu tình cũng là những quyền lợi cơ bản của công dân, cho phép họ tham gia vào việc xây dựng và thúc đẩy sự phát triển xã hội một cách tích cực. Trong bài viết này hãy cùng Luật Dương gia xem xét cụ thể về tội xâm phạm những quyền này, cũng như những hậu quả mà chúng có thể gây ra đối với cộng đồng và xã hội.

Căn cứ pháp lý

Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân được pháp luật quy định tại Điều 167 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.

1. Khách thể của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận?

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ ,bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Ở đây quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân được ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp 2013 như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người trong việc tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và ý kiến của mình về mọi mặt của cuộc sống xã hội. Điều này có thể thể hiện qua các phương tiện như lời nói, văn bản (bằng tay hoặc đánh máy), hoặc qua các phương tiện điện tử như email, Facebook, Zalo, và cũng có thể dưới hình thức khác như tranh vẽ hoặc biểu diễn nghệ thuật.

Quyền tự do báo chí là quyền cơ bản của công dân, cho phép họ tham gia vào việc sáng tạo các tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin từ các phương tiện báo chí, cung cấp thông tin cho các tổ chức báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, liên kết với các cơ quan báo chí để tạo ra các sản phẩm báo chí, cũng như in và phát hành các bản báo in. Báo chí đóng vai trò quan trọng như một công cụ giúp công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Như vậy, khách thể của tội phạm là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân và quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ liên quan đến các quyền nêu trên.

2. Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận?

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của bên ngoài tội phạm.Mặt khách quan bao gồm các dấu hiệu: hành vi nguy hiểm cho xã hội ,hậu quả tác hại do tội phạm gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả do hành vi đó gây ra ; thời gian, địa điểm; công cụ phương tiện thực hiện tội phạm. Ở đây, mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

Trong đó, hành vi đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính tức là trước đó đã có hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xóa kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

Trường hợp, trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Các trường hợp không bị coi là phạm tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân

Công dân nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam tuy có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình nhưng không phải thông tin nào công dân cũng được tiếp cận hoặc không phải vì có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà công dân có thể đưa ra những thông tin xuyên tạc gây hại cho cá nhân, tổ chức khác hay gây hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam đưa ra những quy định cụ thể giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin tại Điều 6 và Điều 7 Luật tiếp cận thông tin năm 2016 như sau:

Điều 6. Thông tin công dân không được tiếp cận

1. Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.

Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.

2. Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Điều 7. Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện

1. Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.

2. Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

3. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Căn cứ Điều 9 Luật Báo chí năm 2016, các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện quyền tự do báo chí gồm:

1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:

a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;

b) Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân;

c) Gây chiến tranh tâm lý.

2. Đăng, phát thông tin có nội dung:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

5. Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

6. Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính.

11. Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.

12. Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

13. Đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí thông tin quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của Điều này.

Trong trường hợp một cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, và quyền biểu tình của công dân để thực hiện các hành vi trái pháp luật, như tiếp cận thông tin không được phép, tiếp cận thông tin có điều kiện mà không đáp ứng được điều kiện, xâm phạm những thông tin cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin, hoặc thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện quyền tự do báo chí, thì cá nhân đó sẽ tự chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Ngược lại, người ngăn cản hoặc ngăn chặn họ thực hiện các hành vi sai trái và xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, và quyền biểu tình của người khác sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật.

3. Chủ thể của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận?

Tương tự như các loại tội phạm khác, người phạm tội vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, và quyền biểu tình của công dân cũng phải tuân thủ các điều kiện cần thiết và đủ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bao gồm tuổi tác và khả năng trách nhiệm hình sự.

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ cá nhân nào, có thể là cá nhân phạm tội độc lập hoặc là một trong những đồng phạm trong một vụ án. Trong trường hợp của vụ án đồng phạm, các cá nhân có thể cùng là người thực hành, cùng nhau thực hiện các hành vi phạm tội. Hoặc có sự phân công thực hiện các trách nhiệm, như việc thực hiện trực tiếp hành vi phạm tội cho đến việc tổ chức, xúi giục, giúp sức.

Căn cứ quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên được xem là chủ thể của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, và quyền biểu tình của công dân. Đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, họ cũng có thể chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, theo Khoản 1 của Điều 167, tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, và quyền biểu tình của công dân thường được xem là tội ít nghiêm trọng.

Để bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể của tội phạm cần có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bao gồm khả năng nhận thức và khả năng kiểm soát hành vi của mình. Trong trường hợp người phạm tội không có hoặc bị hạn chế về khả năng trách nhiệm hình sự, họ có thể được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự.

4. Mặt chủ quan của tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận?

Là những biểu hiện bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm gồm các dấu hiệu lỗi,động cơ, mục đích của tội phạm. Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân được thực hiện do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý gián tiếp hoặc cố ý trực tiếp.

Người phạm tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân có nhiều động cơ khác nhau; động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nên việc xác định động cơ phạm tội của người phạm tội chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân bị xâm phạm.

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon