Cách bố trí vị trí, chỗ ngồi trong phòng xử án của Tòa án nhân dân

cach-bo-tri-vi-tri-cho-ngoi-trong-phong-xu-an

Để đảm bảo trật tự cũng như tính tôn nghiêm của phiên tòa, việc bố trí vị trí ngồi trong phiên tòa là rất quan trọng. Sơ đồ, vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác tham dự phiên tòa được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm, phòng xử án Hình sự, Dân sự, Hành chính… Trong bài viết dưới đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu cách bố trí vị trí, chỗ ngồi trong phòng xử án. 

Căn cứ pháp lý

– Thông tư 01/2017/TT-TANDTC;

– Bộ Luật tố tụng hình sự 2015;

– Bộ Luật tố tụng dân sự 2015;

1. Phòng xử án

Đầu tiên, phải hiểu phòng xử án là gì? Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, phòng xử án được hiểu là không gian tổ chức xét xử vụ án hình sự, hành chính, xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Toà án.

Theo đó, phòng xử án được phân theo các cấp bậc gồm phòng xử án giám đốc thẩm, tái thẩm; phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm. Quy định rõ hơn về phòng xử án sơ thẩm, phúc thẩm sẽ bao gồm phòng xử án hình sự; phòng xử án hành chính, dân sự, giải quyết việc dân sự, phá sản, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và phòng xử án, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên.

Về nguyên tắc bố trí phòng xử án, phòng xử án sẽ được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên toà; việc bố trí phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả xét xử của Toà án; riêng đối với vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên thì phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

2. Hình thức phòng xử án

Về mặt hình thức của phòng xử án phải tuân thủ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC:

Đầu tiên, phòng xử án phải được bố trí Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đúng theo quy định cụ thể.

Thứ hai, phòng xử án phải được bố trí hai bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên. Thứ tự vị trí chỗ ngồi của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ toạ phiên toà, chủ trì cuộc họp và những người tiến hành tố tụng khác, những người tham gia tố tụng , người tham dự phiên toà, phiên họp được quy định cụ thể theo từng cấp bậc, từng bục.

Thứ ba, phòng xử án phải bảo đảm không gian để tiến hành phiên toà, phiên họp. Những quy định về không gian cũng được quy định cụ thể tại Thông tư này.

Thứ tư, sơ đồ vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên toà, phiên họp trong phòng xử án sẽ được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này. Về vấn đề này, phần bên dưới sẽ phân tích cụ thể hơn để bạn đọc hiểu rõ.

Cuối cùng, đối với trường hợp xét xử lưu động thì phòng xử án vẫn phải được bố trí Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kèm đó sẽ là những quy định rõ hơn tại Thông tư này.

Từ quy định trên cho thấy việc quy định về hình thức phòng xử án cũng là một dạng thể hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước đối với thẩm quyền của mình. Trên thực tiễn, mô hình phòng xử án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của xã hội. Không những thế còn phù hợp với các quy định của Hiến pháp và xu hướng chung của tố tụng. Còn đảm bảo được tính nhân văn đối với hoạt động xét xử và nâng cao được chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc, đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động tranh tụng. Xây dựng môi trường xét xử dân chủ và bình đẳng, xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân và vì dân nhưng vẫn thể hiện được quyền uy của cơ quan có thẩm quyền.

3. Sơ đồ, vị trí phòng xử án của Tòa án nhân dân

Cách bố trí vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, tham sự phiên toà, phiên họp; bục khai báo, hàng rào được quy định tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 01/2017/TT-TANDTC.

3.1. Phòng xử án hình sự

Một là, vị trí của Hội đồng xét xử – Thẩm phán chủ toạ phiên toà sẽ được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy. Quy định này thể hiện quyền lực của người đứng đầu phiên toà.

Hai là, thư ký phiên toà được bố trí dưới một cấp, quay lưng vào Hội đồng xét xử. Thư ký phiên toà là một trong những người tiến hành tố tụng có nhiệm vụ giúp đỡ Hội đồng xét xử trong phiên toà.

Ba là , vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa, người bảo vệ quyền vào lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được bố trí đối diện nhau. Vị trí của những người này phải ngang bằng nhau và ở dưới vị trí của thư ký phiên toà. Điều này thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, qua đó bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

Trước khi Thông tư này có hiệu lực, đại diện Viện kiểm sát sẽ ngồi phía trên bên tay trái (nhìn từ dưới lên) cùng khu vực với Hội đồng xét xử). Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, vị trí ngồi của đại diện Viện kiểm sát là đối diện với Luật sư, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị hại để phù hợp hơn.

Bốn là, bục khai báo của những người tham gia tố tụng, bục khai báo của bị cáo và vị trí của người phiên dịch, dịch thuật được bố trí ngang hàng và dưới vị trí của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo theo sự điều hành của Thẩm phán chủ toạ phiên toà.

Năm là, bị cáo được bố trí vị trí phía sau bục khai báo của bị cáo.

Sáu là, cảnh sát bảo vệ phiên toà được bố trí phía sau vị trí của bị cáo. Cảnh sát bảo vệ phiên toà có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại…

Bảy là, Vị trí những người tham gia tố tụng khác được bố trí phía sau vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên toà.

Tám là, hàng rào sẽ được đặt giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với người tham dự phiên toà.

Chín là, những người tham dự phiên toà sẽ được bố trí ngay sau hàng rào theo sự điều hành của Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Và vị trí của Cảnh sát bảo vệ phiên toà được bố trí ngay sau vị trí của người tham dự phiên toà theo sự điều hành của Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Với vị trí này, Cảnh sát bảo vệ phiên toà có trách nhiệm nhắc nhở, chấn chỉnh những người vi phạm trật tự nội quy phiên toà, không để xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự.

Cuối cùng, phóng viên, nhà báo được bố trí phía sau cùng của phòng xử án theo sự điều hành của Thẩm phán chủ toạ phiên toà.

phien-toa-hinh-su
Phòng xử án hình sự

Theo quy định trước đây, vành móng ngựa là chỗ người phạm tội đứng để toà án phán xử. Tuy nhiên đối với quy định hiện nay, vành móng ngựa đã được thay thế bằng bục khai báo. Việc thay đổi này cơ bản không thay đổi bản chất phiên toà mà là một cách đột phá trong hoạt động pháp lý mang tính nhân văn. Xét về thực tiễn xét xử ở Việt Nam, dựa trên tinh thần của Hiến pháp và tinh thần cải cách tư pháp, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rằng bị cáo chưa bị tuyên án bằng một bản án có hiệu lực của toà án thì vẫn được coi là chưa có tội. Nên việc thay vành móng ngựa bằng bục khai báo nhằm mục đích đảm bảo tính khách quan của các phiên toà.

Về thành phần Hội đồng xét xử, căn cứ theo quy định tại Điều 254 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, đối với phiên sơ thẩm thông thường sẽ có một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể thay đổi. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp hay đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ Luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ gồm ba Thẩm phán. Đối với phiên toà phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm phải đánh giá tính chất đúng đắn của bản án sơ thẩm, trong phạm vi quyền hạn của mình, khắc phục những thiếu sót của Toà án cấp sơ thẩm. Chính vì vậy nên Hội đồng xét xử phúc thẩm phải có ba Thẩm phán và không được thay thế Thẩm phán bằng Hội thẩm nhân dân.

3.2. Phòng xử án dân sự

Vị trí của Hội đồng xét xử cũng được bố trí trên bục cao nhất, phía dưới Quốc huy. Cũng giống như vị trí của Hội đồng xét xử trong phiên toà hình sự, việc bố trí vị trí của Hội đồng xét xử ở bục cao nhất nhằm thể hiện quyền lực Nhà nước. Theo quy định tại Điều 63 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp được quy định tại Điều 65 của Bộ Luật này. Trong trường hợp đặc biệt, Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Còn đối về thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự gồm ba Thẩm phán, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ Luật này được quy định tại Điều 64 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Vị trí của thư ký phiên toà cũng được bố trí giống với phiên toà hình sự, dưới Hội đồng xét xử một cấp và quay lựng vào Hội đồng xét xử.

Đại diện Viện kiểm sát và người phiên dịch, dịch thuật được bố trí ngồi đối diện nhau và ở dưới vị trí của Thư ký phiên toà, phiên họp. Theo đó, vị trí của đương sự, người đại diện đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và vị trí của những người tham gia tố tụng khác được bố trí ngồi ngang hàng và phía dưới vị trí của đại diện Viện kiểm sát và người phiên dịch, dịch thuật. Đối với phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì đại diệnc cơ quan đề nghị, người bị đề nghị và những người tham gia tố tụng khác được Thẩm phán chủ toạ phiên họp bố trí theo vị trí tương ứng.

Trong phòng xử án dân sự…, cảnh sát bảo vệ phiên toà, phiên họp được bố trí ngay sau vị trí của người tham dự phiên toà, phiên họp theo sự điều hành của Thẩm phán chủ toạ phiên toà, chủ trì phiên họp. Khác với phòng xử án hình sự, cảnh sát bảo vệ được bố trí vị trí sau vị trí của bị cáo. Và hàng rào cũng được đặt giữa khu vực của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với những người tham dự phiên toà, phiên họp.

Vị trí của người tham dự phiên toà, phiên họp, cảnh sát bảo vệ phiên toà, phiên họp và phóng viên, nhà báo được cũng được bố trí vị trí giống với phòng xử án hình sự và theo thứ tự trước sau như vậy.

phong-xu-an-dan-su
Phòng xử án Dân sự

Như vậy, có thể thấy phòng xử án hình sự và dân sự… chỉ thay đổi một số vị trí cần thiết phụ thuộc vào tính chất của vụ án hình sự hay dân sự. Cốt lõi của cách bố trí phòng xử án cũng để thể hiện quyền lực Nhà nước, thể hiện tính công bằng, bình đẳng và nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố vẫn bố trí vị trí ngồi của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự tại vị trí ngồi của người phiên dịch, người dịch thuật, đối diện với vị trí ngồi của Đại diện Viện kiểm sát là không đúng quy định của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn. Việc bố trí vị trí như vậy là không đúng quy định, không thuận lợi cho những người tham gia tố tụng khi diễn ra phiên tòa.

3.3. Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên

Về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên, Thông tư 01/2017/TT-TANDTC có những quy định riêng tại Điều 6 của Thông tư này như sau:

Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên toà, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn, tưởng trong phòng xử án có màu xanh. Đây là một quy định nhằm bảo vệ tâm lý và nhận thức cho người chưa thành niên, một quy định mang tính nhân văn cao của pháp luật Việt Nam. Khác với quy định các phòng xử án khác, trong phòng xử án này, người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên toà được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Một số điểm khác của phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên so với phòng xử án hình sự, dân sự là:

Thư ký phiên toà không được bố trí ngồi quay lưng vào Hội đồng xét xử nữa mà được được bố trí phía trước, bên phải của Hội đồng xét xử.

Vị trí người phiên dịch, dịch thuật được bố trí ngang hàng vị trí của Thư ký phiên toàn, phiên họp phía bên trái của Hội đồng xét xử.

Đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được bố trí đối diện nhau, dưới vị trí của thư ký phiên toà và vị trí của người phiên dịch, dịch thuật chứ không phải ở trên giống như phòng xử án hình sự.

Vị trí bị cáo hoặc đương sự là người dưới 18 tuổi, đại diện người dưới 18 tuổi và những người tham gia tố tụng khác được bố trí phía dưới vị trí của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cảnh sát bảo vệ phiên toà không được bố trí dưới vị trí này như các phòng xử án khác nữa.

Về vị trí của Hội đồng xét xử, hàng rào, người tham dự phiên toà, phiên họp, Cảnh sát bảo vệ phiên toà, phiên họp và phóng viên, nhà báo cũng được bố trí giống với các phòng xử án khác. Chỉ khác ở chỗ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền Toà gia đình và người chưa chưa thành niên không phân hai bục giống như các phòng xử án khác với mục đích tạo môi trường xử án thân thiện, nhân văn. Đây là một trong những cải cách tư pháp về bảo vệ quyền của trẻ em, người chưa thành niên. Thể hiện sự phù hợp về lứa tuổi, giảm không khí căng thẳng, tránh các kích động về tâm lý của người chưa thành niên. Song song đó, việc bố trí phòng xử án này để nhằm giúp việc khai bao chính xác hơn mà không bị sai lệch do biến động tâm lý, góp phần bảo đảm chất lượng xét xử vụ án của Toà án được nâng cao. Việc bố trí này không những được quy định để trừng trị người phạm tội mà còn có mục đích giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng pháp luật và quy tắc cuộc sống…

phong-xu-an-vi-thanh-nien
Phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên

Trước đây, không có những quy định cụ thể về phòng xử án. Tuỳ theo tình hình thực tế hiện nay, mô hình phòng xử án mới được quy định rõ hơn. Qua Thông tư 01/2017/TT-TANDTC có thể nắm được những thông tin cơ bản như hình thức, nguyên tắc, sơ đồ… của phòng xử án. Việc tố tụng cũng được diễn ra suôn sẻ và có quy trình hơn. Và qua đó có thể xác định rõ hơn về vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, bảo đảm các nguyên tắc tranh tụng. Ngoài ra còn có thể tuyên truyền các chủ trương, giải pháp mới, phục vụ cho yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về cách bố trí vị trí ngồi trong phòng xử án và các vấn đề liên quan. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon