Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

toi-cong-nhien-chiem-doat-tai-san

Quyền sở hữu tài sản là quyền bất khả xâm phạm, được pháp luật hình sự bảo vệ nghiêm ngặt. Mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu, bao gồm công nhiên chiếm đoạt tài sản, đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và giá trị tài sản bị chiếm đoạt, người phạm tội sẽ chịu các hình phạt tương ứng.

Vậy, công nhiên chiếm đoạt tài sản được hiểu như thế nào? Hành vi này bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật hiện hành? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.

1. Công nhiên chiếm đoạt tài sản là gì?

Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước mặt chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hay bất kỳ thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của họ.

Dấu hiệu đặc trưng của tội này là tính công khai và trắng trợn. Người phạm tội không hề che giấu hành vi chiếm đoạt mà thực hiện trước sự chứng kiến của chủ tài sản hoặc những người xung quanh. Tuy nhiên, dù nhận thức rõ tài sản của mình đang bị chiếm đoạt, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vẫn không thể ngăn cản hoặc không kịp phản ứng để thực hiện hành vi.

Tội phạm và hình phạt đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Hành hung để tẩu thoát;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.”

2. Phân tích tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm tiền, tài sản vật chất, phương tiện hoặc các tài sản có thể định giá được.

2.2 Mặt khách quan của tội phạm

2.2.1. Hành vi khách quan

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được xác định khi có hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác một cách công khai, trong điều kiện người có trách nhiệm quản lý tài sản không thể thực hiện biện pháp ngăn chặn hoặc bảo vệ tài sản. Để xác định hành vi phạm tội, cần làm rõ các yếu tố sau:

Tình trạng của người quản lý tài sản: Người này lâm vào hoàn cảnh không có khả năng bảo vệ hoặc ngăn chặn hành vi chiếm đoạt, mặc dù nhận thức rõ việc chiếm đoạt đang diễn ra. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tình trạng sức khỏe (ốm đau, bệnh tật), điều kiện khách quan (thiên tai, lũ lụt…) hoặc các yếu tố bất khả kháng khác. Lưu ý, tình trạng bất khả kháng này không được do hành vi của người phạm tội tạo ra.

Tính công khai của hành vi chiếm đoạt: Lợi dụng hoàn cảnh nêu trên nên người phạm tội công khai chiếm đoạt tài sản.  Điều này có nghĩa là chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt nhưng không thể ngăn cản. Ngược lại, nếu tại thời điểm xảy ra hành vi, họ không biết tài sản của mình đang bị chiếm đoạt, thì không thỏa mãn dấu hiệu “công nhiên” theo quy định của pháp luật.

Hành vi chiếm đoạt không đi kèm thủ đoạn cưỡng đoạt hoặc lén lút: Người phạm tội trực tiếp chiếm đoạt tài sản mà không sử dụng vũ lực, đe dọa hay thủ đoạn gian dối. Ví dụ, chị H dừng xe máy trước cửa hàng tiện lợi nhưng quên rút chìa khóa. Một đối tượng khác lợi dụng tình huống này, ngang nhiên lên xe, nổ máy và phóng đi trước sự chứng kiến của nhiều người. Dù chủ xe phát hiện nhưng không thể kịp thời ngăn chặn. Đây là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.

2.2.2. Hậu quả pháp lý

Theo khoản 1 Điều 172 Bộ luật Hình sự, hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn một trong các điều kiện sau:

Người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt và tiếp tục vi phạm.

Người phạm tội đã bị kết án về tội này hoặc các tội danh liên quan nhưng chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Các tội danh liên quan bao gồm cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…

Hành vi chiếm đoạt gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mức độ ảnh hưởng cần được đánh giá cụ thể dựa trên tác động thực tế đối với xã hội.

Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Khi xem xét áp dụng trường hợp này, cần xác định rõ tài sản đó có phải nguồn sinh kế chủ yếu hay không và mức độ tác động đến đời sống của người bị hại.

2.3. Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, chủ thể của tội trộm cắp tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm quy định tại khoản 3,4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 vì đây là các khoản quy định khung hình phạt thuộc trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

2.4. Dấu hiệu pháp lý về mặt chủ quan

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật và nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái phép, đồng thời mong muốn hậu quả này xảy ra. Mục đích của hành vi là chiếm đoạt tài sản của người khác để sử dụng hoặc định đoạt theo ý chí của mình.

2.5. Khung hình phạt

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có 4 khung hình phạt, cụ thể:

* Khung 1. Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.

* Khung 2:

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

– Hành hung để tẩu thoát;

– Tái phạm nguy hiểm;

– Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ.

* Khung 3:

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

* Khung 4:

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau:

– Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

– Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

– Ngoài những hình phạt chính đã nêu trên thì người phạm tội trộm cắp tài sản còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều luật này cụ thể: tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ví dụ: Ngày 15/06/2023, tại phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, anh Lê Văn H. (27 tuổi) đã công khai lấy chiếc xe máy SH của anh Nguyễn Văn T. khi anh này vừa dựng xe trước cửa hàng tạp hóa để vào mua nước. H. ngang nhiên ngồi lên xe, nổ máy và phóng đi trước sự chứng kiến của nhiều người. Do bất ngờ và không kịp phản ứng, anh T. không thể ngăn chặn hành vi của H. Chiếc xe SH có giá trị định giá là 110.000.000 đồng.

Như vậy, với hành vi của H. thỏa mãn cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 172 BLHS, khung hình phạt từ 7 – 15 năm tù giam.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không chỉ xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội. Pháp luật hình sự đã quy định rõ các chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe và trừng trị hành vi này, đảm bảo tính công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Do đó, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức pháp luật, chủ động bảo vệ tài sản của mình và kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn.

Trên đây là bài viết về “Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản” mà Luật Dương Gia – Chi nhánh Đà Nẵng gửi đến quý khách hàng. Trường hợp quý khách hàng vẫn còn đang thắc mắc hoặc cần được tư vấn khác, vui lòng liên hệ theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Bài viết liên quan

Gọi ngay
Gọi ngay