Hôn nhân là một vấn đề quen thuộc luôn được đề cập đến trong những câu chuyện cuộc sống. Nhưng để đời sống hôn nhân bền vững phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Đôi khi, việc ly hôn là không tránh khỏi nếu hai bên vợ chồng không thể cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Khi hai bên cảm thấy không thể cùng nhau gắn bó nữa thì có thể thuận tình ly hôn theo quy định. Trường hợp chỉ có một bên vợ hoặc chồng vì những khúc mắc, mâu thuẫn không thể hàn gắn đời sống chung nữa. bên còn lại không đồng ý thì có thể đơn phương ly hôn (ly hôn theo yêu cầu một bên). Phân tích vấn đề ly hôn theo yêu cầu một bên và một số vấn đề pháp lý liên quan là nội dung chính của bài viết này nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những việc trên từ đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi cần thiết và tránh những trường hợp xảy ra không mong muốn.
Căn cứ pháp lý
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP
Bộ Luật dân sự năm 2015
1. Ly hôn là gì?
Theo như quy định tại khoản 15 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Nói một cách dễ hiểu, khi bản án, quyết định ly hôn của Toà án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt.
Và chỉ khi vợ, chồng yêu cầu ly hôn được Toà án xem xét, giải quyết thông qua bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ chồng cũng chấm dứt vào thời điểm bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực. Ngoài ra, một vấn đề cần phải biết chính là ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ, chồng.
2. Như thế nào là ly hôn theo yêu cầu của một bên?
Ly hôn theo yêu cầu của một bên là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến đối với những trường hợp cuộc sống gia đình vợ, chồng không thể tiếp tục duy trì. Yếu tố khác cơ bản với thuận tình ly hôn là ly hôn theo yêu cầu của một bên thuộc trường hợp chỉ có một trong hai bên vợ, chồng yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Và để Toà án chấp nhận đơn ly hôn trong trường hợp này phải dựa vào các căn cứ quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án giải quyết cho ly hôn có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Như vậy, khi có yêu cầu ly hôn của một bên vợ hoặc chồng, Toà án sẽ tiến hành điều tra và hoà giải. Nếu hoà giải không thành thì Toà án sẽ xác định tình trạng hôn nhân có căn cứ để ly hôn hay không mà giải quyết.
Trong khoản này có quy định cụ thể là Toà án sẽ xem xét có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng hay không. Và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã có những quy định rõ ràng về vấn đề trên như sau:
– Bạo lực gia đình quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
– Tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được là trường hợp được hướng dẫn khá chi tiết tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn một số nội dung Luật hôn nhân và gia đình năm 2007. Cụ thể tại Điều 8 Nghị quyết này quy định như sau:
+ Vợ chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, hoà giải nhiều lần. Dường như thời đại hiện đại hoá khiến con người ngày càng vô tâm, ích kỉ. Hôn nhân là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững nhưng hiện nay có thể vì một số lý do khách quan mà các bên chủ thể quan hệ hôn nhân bỏ mặc nhau, không cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình mà chỉ tập trung phát triển cá nhân.
+ Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần. Đối với hành vi ngược đãi, hành hạ nhau là một điều khá tệ trong quan hệ hôn nhân khi một trong hai chủ thể phải chịu việc tra tấn tinh thần lẫn thân thể. Hiện nay có khá nhiều hiện tượng mạng nổi bật vì các hành vi này bị tung lên mạng, điều này đã khiến không ít bạn trẻ ám ảnh và sợ hôn nhân.
+ Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng, bà con thân thích của họ hay cơ quan, tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
Tình trạng ngoại tình hiện nay đang rơi vào khoảng đáng báo động, không thể thống kê một cách chính xác 100% tỉ lệ ngoại tình tại Việt Nam nhưng có khá nhiều trang báo, trang mạng xã hội chứa đầy những thông tin về việc ngoại tình. Về việc vợ hoặc chồng ngoại tình, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có những quy định cụ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên còn lại. Nhưng hiện nay có rất nhiều vụ việc vợ hoặc chồng đánh ghen, thuê người đánh ghen.
Nổi bật là vụ việc xảy ra vào chiều ngày 22/10/2022 tại thị trấn Nông Cống, Thanh Hoá, vợ thấy chồng chở cô gái trẻ nghi là nhân tình nên đã đứng trên nắp capo và đạp vỡ kính xe oto để đánh ghen và sau đó người vợ đã cắt đứt một phần tai của cô gái đó. Hậu quả của việc ngoại tình cũng đã được pháp luật hôn nhân gia đình quy định rõ nên việc đánh ghen khi phát hiện vợ hay chồng ngoại tình là việc làm trái quy định pháp luật, hậu quả của những hành động này không những gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người vợ hoặc người chồng mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
“2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn”
Tuyên bố mất tích là một sự kiện pháp lý nhằm xác định một người hoàn toàn không rõ tung tích, cũng không rõ còn sống hay đã chết. Tuyên bố mất tích được quy định tại Điều 68 Bộ Luật dân sự năm 2015, khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Đối với trường hợp yêu cầu Toà án đồng thời tuyên bố mất tích và giải quyết ly hôn thì Toà án chỉ giải quyết cho ly hôn có bằng chứng chứng minh được chồng hoặc vợ đã biệt tích từ hai năm trở lên kể từ ngày có tin tức cuối cùng về chồng hoặc vợ mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.
“3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Toà án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của người kia”
Trong trường hợp này, Toà án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của người kia. Thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn như trước đây thì cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tinh thần của họ.
Quy định này đã đưa ra hướng giải quyết cho nhiều trường hợp mong muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do trước đây quy định việc ly hôn phải do chính đương sự là vợ, chồng yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.
3. Hồ sơ ly hôn theo yêu cầu của một bên
Đơn khởi kiện (điền đầy đủ thông tin theo mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP)
Giấy tờ chứng thực cá nhân vì đây là trường hợp ly hôn đơn phương (CMND/CCCD/Hộ chiếu)
Bản chính giấy đăng ký kết hôn (trường hợp bị mất có thể nộp bản trích lục)
Bản sao / trích lục giấy khai sinh các con (nếu có)
Tài liệu chứng minh quyền sở hữu các tài sản chung, riêng của hai vợ chồng (nếu có)
Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh cho yêu cầu ly hôn của mình
– Về nguyên tắc, thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn sẽ được xác định thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án đối với các vụ án dân sự. Cụ thể là Toà án cấp quân/ huyện nơi cư trú của bị đơn.
Hôn nhân cũng có thể được xem là một phần của đời sống con người. Để đi đến quyết định kết hôn, các bên chủ thể phải xác định thật kỹ lưỡng xem có phù hợp với nhau hay không, có thể cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hay không. Trường hợp quan hệ hôn nhân không còn xây dựng được nữa thì ly hôn là giải pháp cần thiết cho các bên vợ, chồng. Nếu có thể thoả thuận với nhau đồng thuận ly hôn thì yêu cầu toà án công nhận thuận tình ly hôn. Còn nếu không thể thoả thuận với nhau hoặc hai bên có mâu thuẫn quá lớn thì có thể đơn phương ly hôn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Dương Gia về ly hôn theo yêu cầu của một bên. Trường hợp có thắc mắc bạn vui lòng liên hệ theo số hotline 19006586 để được hỗ trợ.