Tổng quan về vật quyền

tong-quan-ve-vat-quyen

Cách đây gần 2000 năm, nên pháp luật La Mã đã sử dụng lý thuyết về vật quyền để quy định về quyền của của chủ thể đối với các tài sản là vật. Hiện nay, trong nền pháp luật hiện đại, rất nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục sử dụng lý thuyết về vật quyền trong Bộ luật dân sự của họ. Vì vậy, có thể nói lý thuyết về vật quyền không có gì là mới so với thế giới nhưng ở Việt Nam, khái niệm này hầu như mới chỉ được các nhà nghiên cứu luật pháp quan tâm khiến cho các nhà làm luật trăn trở mãi khi quyết định có sử dụng nó trong Bộ luật dân sự 2015 hay không. Kết quả là mặc dù trong các lần dự thảo các nhà khoa học đã áp dụng lý thuyết vật quyền để xây dựng chế định vật quyền sở hữu và vật quyền khác đối với tài sản nhưng khi Bộ luật dân sư 2015 được ban hành chính thức không còn sử dụng thuật ngữ vật quyền.

Tuy vậy, hình như vẫn còn phảng phất sự ảnh hưởng của  những quy định về vật quyền trong các bản Dự thảo trước nên phần quy định về quyền sở hữu của Bộ luật này còn nhiều bất cập và thiếu sự nhất quán giữa các điều luật, khiến vấn đề sở hữu còn nhiều điểm mơ hồ, không cụ thể. Dù Bộ luật dân sự đã chính thức được ban hành nhưng việc có nên sử dụng thuật ngữ vật quyền trong Bộ luật hay không, vẫn đang còn nhiều tranh luận.

1. Các quan niệm về vật quyền

Các nhà lý luận thấy rằng lý thuyết về vật quyền rất quan trọng trong cơ cấu của một Bộ luật dân sự bởi nó ảnh hưởng và chi phối đến nhiều chế định của bộ luật này. “Tại sao lại xuất hiện khái niệm vật quyền? Khái niệm vật quyền không phải cái mà người ta “nghĩ ra cho vui” mà nó đòi hỏi từ thực tiễn. Nó là sản phẩm tất yếu của lịch sử chứ không phải tư duy ngẫu hứng của các luật gia.”[1], “Đến thời hiện đại, Bộ luật dân sự của Nhật Bản cũng quy định vật quyền tại phần hai, trái quyền tại phần ba. Bộ luật dân sự của Đức, quy định chung về vật quyền tại phần một, phần thứ hai là trái quyền. Tóm lại, đã có Bộ luật dân sự, thì không thể thiếu bộ phận thiết thân của nó: Vật quyền và trái quyền.”[2]

Theo lý luận truyền thống, khoa học pháp lý dân sự đã từng phân loại quan hệ pháp luật dân sự theo nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có cách phân loại thành quan hệ vật quyền và quan hệ trái quyền. Với phân loại này cho thấy rõ hơn các quan hệ pháp luật dân sự bao gồm hai nhóm, một nhóm nhằm xác định ai là người có quyền đối với vật, quyền của họ gồm những gì, cách thức thực hiện các quyền đó (gọi là quan hệ vật quyền). Nhóm kia nhằm xác định ai là người có quyền đối với ai, cách thức thực hiện quyền (gọi là quan hệ trái quyền).

Như vậy, cách thức thực hiện quyền trong hai quan hệ này hoàn toàn khác nhau, trong quan hệ vật quyền thì thực hiện quyền trực tiếp đối với vật, trong quan hệ trái quyền thì thực hiện quyền thông qua việc yêu cầu chủ thể phía bên kia thực hiện nghĩa vụ. “Trong vật quyền, thì trọng tâm điều chỉnh pháp luật là việc quy định cho người chủ tài sản có những quyền gì đối với vật, đối với vật quyền thì anh có quyền gì. Còn với trái quyền, trọng tâm điều chỉnh là bắt anh phải làm những cái gì vì lợi ích hợp pháp của người khác”[3]. Điều này cho thấy chủ thể trong quan hệ vật quyền không phụ thuộc, lệ thuộc vào ý chí của người khác khi thực hiện quyền và hưởng quyền nhưng chủ thể mang quyền trong quan hệ trái quyền lại luôn phụ thuộc khi hưởng quyền. “Quan hệ vật quyền là quan hệ mà trong đó chủ thể quyền thực hiện các quyền năng của mình đối với vật một cách trực tiếp mà không phải thông qua hành vi của người khác. Quan hệ trái quyền là quan hệ mà trong đó lợi ích của chủ thể quyền chỉ có thể được đáp ứng thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của chủ thể nghĩa vụ.”[4]

Vật quyền, ngoài góc độ là một quan hệ, còn được xem xét dưới góc độ là nội dung của quan hệ pháp luật được hiểu là quyền đối với vật/tài sản, và vì vậy tất cả những quyền mà chủ thể được thực hiện đối với vật đều được gọi là vật quyền. “Vật quyền (jus in re), theo định nghĩa được chấp nhận trong học thuyết pháp lý ở các nước chịu ảnh hưởng của luật La Mã, là quyền được thực hiện trực tiếp và ngay lập tức trên một vật. Người có vật quyền thực hiện các quyền của mình mà không cần sự hợp tác của người khác. Chẳng hạn, người có quyền sở hữu nhà cư trú trong nhà, sửa chữa nhà, đem nhà cho thuê, bán nhà… mà không cần hỏi ý kiến bất kỳ ai.”[5]

Như vậy, vật quyền với tư cách là quyền đối với vật thường là nội dung của quyền sở hữu (nói đến quyền của chủ sở hữu là nói đến các quyền của chủ sở hữu đối với vật sở hữu) nhưng nhiều khi là hệ quả của các quan hệ trái quyền. Chẳng hạn, hợp đồng thuê tài sản là một quan hệ trái quyền nhưng có hệ quả là bên thuê được quyền sử dụng, hưởng dụng tài sản thuê. Hoặc hợp đồng cầm cố tài sản là một quan hệ trái quyền nhưng bên nhận cầm cố được thực hiện các quyền trên tài sản cầm cố như chiếm hữu trong suốt thời hạn cầm cố và xử lý tài sản nếu khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm.

Hiểu một cách tách biệt giữa vật quyền với ý niệm là một quan quan hệ pháp luật và vật quyền với ý niệm là quyền dân sự (vốn là nội dung của các quan hệ pháp luật) cho thấy, vật quyền và quyền sở hữu là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, quyền sở hữu cũng là vật quyền nhưng không đồng nghĩa với vật quyền bởi ngoài quyền sở hữu còn có nhiều loại vật quyền khác.

Vật quyền với góc độ là quyền đối với vật là một thuật ngữ để chỉ về một tập hợp tất cả các quyền đối với tài sản còn quyền sở hữu là thuật ngữ chỉ các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản của họ. Nói cách khác, quyền sở hữu chỉ xác định quyền của chủ sở hữu đối với vật (các vật quyền) trong phạm vi sở hữu của họ mà không bao hàm quyền đối với vật trong các trường hợp khác. “Không có một quan niệm nào về quyền sở hữu có thể bao trùm được tất cả. Thay vào đó, sẽ là các mối quan hệ pháp lý khác nhau mà con người có thể có được liên quan đến những lợi ích có giá trị.”[6] Vật quyền được hiểu theo nghĩa là những quyền đối với vật nói chung nên cùng một tài sản, có thể có nhiều loại vật quyền khác nhau được thiết lập. Chẳng hạn, ông A có một bất động sản, ông B có một bất động sản liền kề bị bất động sản của ông A vây bọc. Ông A cho C thuê bất động sản đó đồng thời ông A dùng bất động sản đó thế chấp tại ngân hàng X để vay vốn thì các vật quyền được xác lập đối với bất động sản của ông A bao gồm:

i) Quyền của ông A đối với bất động sản đó (vật quyền sở hữu);

ii) Quyền xử lý (định đoạt) bất động sản đó của ngân hàng X khi ông A không trả nợ đến hạn (vật quyền bảo đảm);

iii) Quyền sử dụng lối đi của ông B qua bất động sản đó và quyền sử dụng, hưởng dụng của ông C trong thời hạn thuê (vật quyền khác).

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vật quyền ở góc độ là quan hệ pháp luật thì vật quyền/quan hệ vật quyền chính là quyền sở hữu/quan hệ pháp luật về sở hữu hay còn được gọi là vật quyền sở hữu. “Một người có tài sản thì có quyền trên vật hay cách khác gọi là quyền sở hữu. Quyền trên tài sản của mình gọi là quyền sở hữu. Quyền trên tài sản của người khác thì gọi là các loại vật quyền khác. Ví dụ, tôi mua một miếng đất, thì tôi có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt miếng đất đó (gọi là vật quyền).

Nhưng miếng đất của tôi lại bị bao bọc bởi một miếng đất của hàng xóm, thì tôi có quyền yêu cầu hàng xóm phải cho con đường để tôi đi ra. Tức là, tôi có quyền nhất định trên mảnh đất của hàng xóm và hàng xóm tự hạn chế quyền của mình (gọi là vật quyền khác)”.[7] Nói về quan hệ vật quyền, Giáo trình Luật dân sự của Khoa Luật trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội khẳng định: “Trong luật dân sự, quan hệ pháp luật sở hữu là quan hệ vật quyền.”[8]

PGS.TS. Dương Đăng Huệ quan niệm vật quyền chính là quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản: “Như vậy, trong Bộ luật dân sự, thì toàn bộ phần “Tài sản và quyền sở hữu” tại Bộ luật dân sự hiện hành và phần “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” ở phần thứ II của Dự thảo Bộ luật dân sự chính là vật quyền.”[9] Theo cách hiểu này thì vật quyền chính là pháp luật về sở hữu và tài sản và là quyền đối với tài sản nói chung. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quan niệm như vậy là đồng nghĩa tài sản cũng là vật quyền, trong khi vật quyền là quyền đối với tài sản chứ không phải là bản thân tài sản.

Như đã xem xét các quan niệm khác nhau về vật quyền và thấy rằng vật quyền là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình, quyền của người khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của họ và quyền đối với tài sản bảo đảm của người nhận bảo đảm. Vì thế, có thể đi đến kết luận rằng: Vật quyền là quyền đối với tài sản bao gồm một hệ thống các quyền: Quyền sở hữu, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền đối với tài sản bảo đảm.

2. Bản chất, đặc điểm của vật quyền

Vấn đề vật quyền còn được hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng về cơ bản, các quan niệm về vật quyền đều thống nhất rằng vật quyền là quyền đối với vật, là tất cả các quyền mà pháp luật cho phép và theo đó chủ thể được thực hiện những hành vi để khai thác các quyền, lợi ích của mình từ tài sản mà tất cả những người khác đều phải tôn trọng. “Vật quyền có giá trị đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng. Chủ sở hữu tài sản có quyền kiện đòi lại tài sản của mình đang nằm trong tay người khác; chủ nợ nhận thế chấp có quyền kê biên tài sản thế chấp để bán và ưu tiên thu tiền trừ nợ mà chủ sở hữu cũng như bất kỳ ai khác không có quyền phản đối.”[10]

Tùy theo từng quan hệ pháp luật mà chủ thể có một hoặc một số các quyền sau đây đối với tài sản: Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, hưởng dụng, sử dụng hạn chế bất động sản liền kề, sử dụng bề mặt. Thông qua việc thực hiện các quyền này, chủ thể khai thác giá trị của tài sản để thỏa mãn các nhu cầu nhất định. Theo đó, với bản chất là các quyền đối với vật/tài sản, vật quyền có một số đặc điểm sau đây:

– Quyền của chủ thể gắn liền với tài sản, có tài sản mới có quyền;

Quyền là thứ pháp luật xác định và bảo đảm thực hiện nhưng chỉ nằm trong phạm trù khả năng. Vật quyền hay quyền đối với tài sản cũng là các quyền do pháp luật quy định nhưng quyền này chỉ trở thành hiện thực khi có sự tồn tại của tài sản và chủ thể có sự liên hệ pháp lý nhất định đối với tài sản đó như có tài sản thuộc sở hữu, có tài sản do đi thuê, bất động sản động sản của mình bị vây bọc bởi bất động sản khác… Mặc dù luật đã quy định: “Cá nhân có quyền sở hữu…”[11]“Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.”[12] nhưng chỉ người nào có tài sản (là chủ sở hữu của tài sản) mới có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó.

Trừ trường hợp pháp luật có quy định về thời hạn, còn lại, vật quyền tồn tại không có giới hạn về mặt thời gian, miễn là tài sản còn tồn tại và đồng thời, vật quyền sẽ chấm dứt khi tài sản không còn (thể hiện rõ nhất về vấn đề này là vật quyền trong quyền sở hữu). Chỉ có thể có câu hỏi: Tài sản này là của ai, ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nó cho một tài sản cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể.

– Việc thực hiện quyền thông qua hành vi của chính mình, không phụ thuộc vào người khác;

Đặc điểm này là là sự tương phản của quyền đối vật trong vật quyền so với quyền đối nhân trong trái quyền. Quyền đối nhân là quyền của chủ thể mang quyền yêu cầu người khác (là chủ thể mang nghĩa vụ trong quan hệ trái quyền) thực hiện nghĩa vụ của họ vì quyền, lợi ích của mình. Vì phải thực hiện thông qua hành vi của người khác nên quyền đối nhân luôn bị thụ động, phụ thuộc vào việc chủ thể mang nghĩa vụ có thực hiện nghĩa vụ hay không, thực hiện như thế nào. Chẳng hạn, trong quan hệ cho vay, quyền của bên cho vay là yêu cầu bên vay trả nợ nhưng bên cho vay có thể đứng trước một nguy cơ là không thu được nợ, nếu bên vay không trả. Ngược lại, người có quyền đối vật khi thực hiện quyền của mình thì bằng hành vi trực tiếp của mình nên luôn mang tính chủ động, không phụ thuộc vào bất kỳ ai, miễn là hành vi đó phù hợp với quy định của pháp luật. Chẳng hạn, chủ sở hữu khi thực hiện hành vi tiêu hủy một tài sản của mình khi thấy không còn nhu cầu sở hữu tài sản đó, không phụ thuộc vào ý chí của người khác nhưng việc tiêu hủy đó phải phù hợp với pháp luật về môi trường, về trật tự công cộng.

– Vật quyền/quyền đối với vật là nội dung của các quan hệ pháp luật

Vật quyền có thể nhìn nhận dưới góc độ là một quan hệ pháp luật nếu đó là vật quyền sở hữu và ngay cả vật quyền sở hữu thì các quyền đối với vật vẫn là nội dung của quan hệ pháp luật đó (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản).

Đặc điểm này còn thể hiện rõ nét hơn khi quyền đối vật là hệ quả của quan hệ pháp luật. Không khó để nhận ra rằng quyền chiếm hữu, quyền sử dụng đối với tài sản thuê của bên thuê là nội dung của quan hệ thuê, thuê khoán tài sản, vốn là một quan hệ trái quyền phát sinh từ một hợp đồng thuê tài sản. Hoặc các quyền đối vật như quyền chiếm hữu tài sản, quyền xử lý tài sản cầm cố là nội dung của một quan hệ bảo đảm, vốn là quan hệ trái quyền phát sinh từ hợp đồng cầm cố tài sản. Điều này có nghĩa, ngay cả trong quan hệ trái quyền thì quyền đối vật vẫn có thể được hình thành. Vì vậy, xác định đặc điểm này của vật quyền có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao và bảo đảm tính chủ động thực hiện quyền của chủ thể trong các quan hệ trái quyền, nếu quyền đó là quyền đối vật.

[1] PGS.TS. Dương Đăng Huệ, Bài phát biểu tại Hội nghị phổ biến hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS (sửa đổi) cho báo cáo viên pháp luật, do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 17/01/ 2015 tại Hà Nội, đăng báo Pháp luật Việt Nam. Nguồn: Thế Anh

[2] PGS.TS. Dương Đăng Huệ, Tlđd

[3] PGS.TS. Dương Đăng Huệ, tlđd

[4] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự, Phần chung, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 57, 58

[5] PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện, Sự cần thiết của việc vận dụng lý thuyết vật quyền bảo đảm vào quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự, Tạp chí Nghiên cứu luật pháp, số 02 + 03/2014. Tr.39.

[6] Jay M. Feinman, Luật 101 – Mọi điều cần biết về pháp uật Hoa Kỳ, NXB Hồng Đức, 2015, tr. 350.

[7] PGS.TS. Dương Đăng Huệ, tlđd

[8] Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự, Phần chung, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 57.

[9] PGS.TS Dương Đăng Huệ, tlđd.

[10] Xem Nguyễn Ngọc Điện. Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự. http://www.nclp.org.vn

[11] Xem Điều 17, BLDS 2015.

[12] Điều 158, BLDS 2015

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon