Khi xã hội phát triển đến một độ nhất định, con người càng nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của văn hóa trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Văn hóa chính là động lực của phát triển xã hội. Ta có thể thấy, văn hóa được hình thành trong các lĩnh vực đặc thù như: văn hóa giáo dục, văn hóa chính trị, văn hóa nghệ thuật, văn hóa kinh doanh,….. Vậy các đặc trưng của văn hóa kinh doanh bao gồm những đặc trưng nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích.
1. Khái niệm văn hóa kinh doanh
Trước khi tìm hiểu về các đặc trưng của văn hóa kinh doanh, ta cần phải nắm rõ văn hóa kinh doanh được định nghĩa như thế nào?
1.1. Khái niệm văn hóa
– Theo cách tiếp cận về ngôn ngữ: Văn hóa được hiểu là sự vun đắp, giáo dục nhân cách con người, ở đây bao gồm cả cá nhân, cộng đồng và xã hội loài người. Theo đó cũng có thể hiểu văn hóa với mục đích giúp cho con người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
– Hiểu theo nghĩa hẹp: văn hóa được phân chia trong tất cả các lĩnh vực bao gồm văn hóa ẩm thực, văn hóa du lịch, văn hóa chính trị, văn hóa kinh doanh, văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Việt Nam,v.v..
– Hiểu theo nghĩa rộng: văn hóa được khẳng định là những giá trị sáng tạo của con người, được đúc kết trong quá trình con người tạo ra các giá trị của cải, vật chất; bên cạnh đó văn hóa còn bao gồm cả những sản phẩm mang giá trị tinh thần mà con người và nhân loại đã tạo ra cùng với sự phát triển của xã hội.
1.2. Khái niệm văn hóa kinh doanh
– Hiểu theo nghĩa hẹp: văn hóa kinh doanh là một hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các hành vi mà chủ thể kinh doanh tạo ra trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, điều này được thể hiện trong cách ứng xử, giao tiếp của họ trong khu vực mà họ kinh doanh và còn cả môi trường bên ngoài và xã hội.
– Hiểu theo nghĩa rộng: văn hóa kinh doanh là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần, những phương thức và kết quả do chủ thể kinh doanh sáng tạo ra trong quá trình hoạt động kinh doanh, trong sự tương tác của họ với môi trường kinh doanh bên ngoài.
Như vậy, văn hóa kinh doanh là toàn bộ những giá trị văn hóa mà chủ thể kinh doanh tạo ra và sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của họ để hình thành nên bản sắc kinh doanh riêng biệt. Văn hóa kinh doanh không chỉ dừng lại ở những giá trị mà chủ thể kinh doanh sử dụng trong quá trình kinh doanh mà nó còn thể hiện ở từng sản phẩm, từng cách thức truyền đạt của chủ thể kinh doanh đến với xã hội.
2. Các đặc trưng của văn hóa kinh doanh
Văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc. Do đó văn hóa kinh doanh mang những đặc trưng cơ bản của văn hóa như:
Tính tập quán: Hệ thống các giá trị văn hóa kinh doanh sẽ được quy định cụ thể những hành vi nào là hành vi chấp nhận được và không chấp nhận được, tùy thuộc vào tập quán, văn hóa của mỗi khu vực và quốc gia khác nhau. Có những tập quán kinh doanh tốt đẹp, cần được phát huy và lan rộng như văn hóa quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân viên trong các doanh nghiệp tại Nhật Bản. Song, bên cạnh đó cũng có những văn hóa cần phải tiết chế như văn hóa bàn tiệc, tập quán đàm phán và ký kết hợp đồng trong kinh doanh tại Việt Nam.
Tính dân tộc: Tính dân tộc là một đặc trưng tất yếu của văn hóa kinh doanh, vì bản thân văn hóa kinh doanh là một tiểu văn hóa trong đại văn hóa dân tộc. Mỗi chủ thể kinh doanh chịu sự ảnh hưởng của từng nét nhân cách tuân theo những giá trị văn hóa dân tộc. Một khi thấm nhuần văn hóa dân tộc, mỗi chủ thể kinh doanh sẽ tạo ra cho môi trường làm việc những sự thân thuộc vốn có, đồng thời qua đó vẫn giữ được nét đẹp của văn hóa dân tộc, tạo nên những sự đồng điệu trong nếp suy nghĩ và cảm nhận chung giữa những chủ thể kinh doanh trong một khu vực, cộng đồng với nhau. Chẳng hạn như giữ được truyền thống nề nếp, thứ bậc rõ ràng trong gia đình của văn hóa Việt Nam, trong môi trường kinh doanh ta dễ dàng bắt gặp những cách xưng hô “anh-em; chú-cháu”. Việc “gia đình hóa” trong môi trường kinh doanh tạo ra những sự gần gũi, gắn kết giữa những cá nhân trong tổ chức kinh doanh. Thông qua đó làm giảm sự tách bạch trong công việc và quan hệ riêng tư, giúp cho không khí môi trường kinh doanh trở nên hòa đồng, thân mật hơn.
Tính cộng đồng: Kinh doanh là một hoạt động có tính chất đặc trưng riêng biệt là tạo ra lợi nhuận trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể nói kinh doanh là một hoạt động có tính chất tác động qua lại giữa chủ và khách hàng. Trong khi người chủ sẽ mong muốn nhận lợi nhuận thì khách hàng sẽ nhận được những kết quả từ những nhu cầu của mình. Kinh doanh không thể được hình thành từ một phía mà phải có sự tác động qua lại của tất cả các thành viên trong môi trường kinh doanh. Tính cộng đồng là một thuộc tính rất được đề cao trong kinh doanh, bởi kinh doanh là hoạt động diễn ra dựa trên tính tập thể. Điều đó phải đảm bảo rằng các hoạt động văn hóa kinh doanh bao gồm những nề nếp, thói quen,… phải được tuân thủ trong cộng đồng kinh doanh một cách tự nhiên mà không cần phải ép buộc. Nếu một người nào nó làm khác đi những điều đã được đặt ra trong văn hóa cộng đồng sẽ bị cộng đồng lên án, mặc dù về mặt pháp lý những điều đó không trái với quy định pháp luật.
Tính chủ quan: Văn hóa kinh doanh được thể hiện trong cách thức suy nghĩ, phương hướng, chiến lược, mục tiêu kinh doanh riêng của mỗi chủ thể kinh doanh. Tính chủ quan trong văn hóa kinh doanh được thể hiện trên cùng một vấn đề, một hiện tượng kinh doanh những mỗi chủ thể kinh doanh khác nhau sẽ tạo nên những lối suy nghĩ, giải quyết khác nhau tùy vào định hướng và cách giải quyết vấn đề của mỗi chủ thể. Như cùng một hành vi khai gian để trốn thuế, một số cá nhân nhìn nhận đó là hành vi chấp nhận được để thu lại được nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên với những chủ thể và doanh nghiệp đề cao “giá trị công lý” thì cho đó là hành vi không chấp nhận được, cần phải loại bỏ.
Tính khách quan: Mặc dù văn hóa kinh doanh thể hiện những ý thức chủ quan của chủ thể kinh doanh, tuy nhiên vì nó được hình thành trong sự tác động qua lại của các yếu tố xã hội khác nhau như lịch sử, xã hội, hội nhập,…nên tính khách quan vẫn tồn tại trong mỗi chủ thể kinh doanh. Có những trường hợp, vấn đề buộc chủ thể kinh doanh phải đồng thuận theo sự khách quan chứ không thể bảo vệ mỗi quan điểm chủ quan của mình. Ví như văn hóa đề cao và coi trong văn hóa khoa bảng từ thời kỳ phong kiến cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt tiêu chí bằng cấp lên hàng đầu khi tuyển chọn nhân sự. Thực trạng này diễn ra khiến cho tâm lý của những người học sẽ cố gắng lấy được bằng cáo để làm công việc có thu nhập cao hơn.
Tính kế thừa: Cũng giống như văn hoá, văn hoá kinh doanh là sự tích tụ của tất cả các hoàn cảnh. Trong quá trình kinh doanh, mỗi thế hệ sẽ cộng thêm các đặc trưng riêng biệt của mình vào hệ thống văn hoá kinh doanh trước khi truyền lại cho thế hệ sau. Ngày nay xã hội càng ngày được trẻ hóa, môi trường kinh doanh cũng vậy, những sự sáng tạo mới mẻ của giới trẻ giúp văn hóa công ty hội nhập những điều mới của xu hướng thời đại. Theo đó hiệu suất công việc cũng vì thế mà đạt được nhanh chóng và tăng cao hơn.
Tính học hỏi: Có những giá trị của văn hoá kinh doanh không thuộc về văn hoá dân tộc hay văn hoá xã hội và cũng không phải do các nhà lãnh đạo sáng lập ra. Những giá trị đó có thể được hình thành từ kinh nghiệm khi xử lý các vấn đề, được đúc kết trong quá trình nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, hoặc được tiếp nhận trong quá trình giao lưu với nền văn hoá khác…
Tất cả các giá trị nêu đó được tạo nên là bởi tính học hỏi của văn hoá kinh doanh. Như vậy, ngoài những giá trị được kế thừa từ văn hoá dân tộc và xã hội, tính học hỏi sẽ giúp văn hoá kinh doanh có được những giá trị tốt đẹp được từ những chủ thể và những nền văn hóa khác. Như ngày nay, công nghiệp hóa hiện đại hóa ngày được đề cao, sự hội nhập nhanh chóng của công nghệ công tin giúp cho việc xử lý vấn đề trở nên nhanh chóng hơn. Thay vì phải di chuyển trực tiếp đến các địa điểm như trước, hiện nay doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện các thao tác qua trực tuyến như gửi phản hồi bằng thư điện tử hay họp trực tiếp qua mạng. Sự tiếp thu và học hỏi này cũng tạo ra những ưu điểm cực kỳ mới mẻ trong văn hóa kinh doanh.
Tính tiến hóa: Kinh doanh rất sôi động và luôn luôn thay đổi, do đó, văn hoá kinh doanh với tư cách là bản sắc của chủ thể kinh doanh cũng luôn tự điều chỉnh. Đặc biệt là trong thời đại hội nhập như hiện nay, việc hội nhập và tiếp thu những điều mới mẻ từ các chủ thể kinh doanh khác là những điều tất yếu để tạo nên những giá trị mới cho doanh nghiệp.
Ví như thời kỳ trước, chúng ta đề cao tính địa phương, trong việc giải quyết các vấn đề thì luôn chọn cách giải quyết mang tính cộng đồng, không phân biệt rạch ròi giữa cá nhân và tập thể. Ngày nay theo dòng phát triển và hội nhập của xã hội, tính quyết định của cá nhân ngày càng được đề cao. Bởi trong môi trường kinh doanh luôn cần những người lãnh đạo mang tính quyết đoán, có thể đưa ra những sự nhìn nhận nhằm tạo ra những định hướng đúng đắn để điều hành cả bộ máy kinh doanh.
Đây là tám đặc trưng cơ bản của văn hóa kinh doanh trong bộ phận của văn hóa dân tộc, văn hóa xã hội. Tuy nhiên kinh doanh cũng là một lĩnh vực có những nét đặc trưng so với các lĩnh vực khác. Ngoài tám đặc trưng trên, văn hóa kinh doanh còn mang những đặc trưng riêng biệt sau:
Đầu tiên, văn hóa kinh doanh xuất hiện cùng với văn hóa thị trường.
Thứ hai, văn hóa kinh doanh phải phù hợp với định hướng kinh doanh của mỗi chủ thể kinh doanh.
Theo đó, văn hóa kinh doanh mang những đặc trưng cơ bản của văn hóa nói chung. Bên cạnh đó, vì văn hóa kinh doanh là một bộ phận của văn hóa xã hội nên nó cũng mang những đặc trưng nhất định tạo nên sự phân biệt với các bộ phận khác của xã hội.
Như vậy trên đây là tất cả các thông tin liên quan đến văn hóa kinh doanh và các đặc trưng của văn hóa kinh doanh. Trong trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được hỗ trợ và tư vấn.