Giao thông đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Để đảm bảo sự an toàn và trật tự trên đường, các quy định và luật lệ về giao thông đã được thiết lập để áp dụng cho tất cả người tham gia giao thông. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng tuân thủ mọi quy tắc và mức phạt có thể phát sinh từ việc vi phạm giao thông. Biên bản vi phạm giao thông là cơ sở để ra quyết định xử phạt giao thông với trường hợp có hành vi vi phạm giao thông. Vậy cách tra cứu vi phạm giao thông và hướng dẫn nộp phạt như thế nào? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP;
– Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
1. Biên bản vi phạm giao thông là gì?
Hiện nay pháp luật nước ta chưa quy định cụ thể về biên bản vi phạm giao thông nhưng giao thông là một trong những lĩnh vực quản lý của nhà nước nên có thể coi biên bản vi phạm giao thông là một loại biên bản vi phạm hành chính.
Biên bản vi phạm giao thông là một văn bản được lập bởi cơ quan chức năng hoặc cảnh sát giao thông để ghi lại vi phạm giao thông của một người hoặc phương tiện giao thông cụ thể. Biên bản này thường chứa thông tin về vi phạm, bao gồm ngày giờ, địa điểm, mô tả vi phạm, tên của người vi phạm hoặc người điều khiển phương tiện, số biển số xe.
2. Các trường hợp vi phạm pháp luật giao thông phải lập biên bản
Các trường hợp vi phạm pháp luật giao thông phải lập biên bản được ghi nhận tại nghị định 100/2019/NĐ-CP cụ thể là tại khoản 3 Điều 82 như sau:
– Thời điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông có hoặc không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các loại giấy tờ bao gồm: Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Bảo hiểm dành cho phương tiện…và đối với các hành vi vi phạm giao thông được quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
– Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ không phải lập biên bản, các hành vi vi phạm không thuộc trường hợp nêu trên phải lập biên bản (Căn cứ vào khoản 1 Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).
– Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản ( căn cứ theo khoản 2 Điều 56).
Từ quy định trên, đối với các hành vi vi phạm giao thông nhưng không bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền hơn 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông tại chỗ thì bị lập biên bản. Lập biên bản theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm giao thông bị phạt hiện nhờ sử dụng camera giám sát hành trình hoặc các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ.
3. Thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là bao lâu?
– Căn cứ theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.”
– Căn cứ theo khoản 2 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.”
– Căn cứ theo khoản 2 Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: “Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.”
Như vậy, thời hạn nộp phạt vi phạm giao thông là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạ có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Ngoài ra, thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.
4. Cách tra cứu vi phạm giao thông và hướng dẫn nộp phạt
4.1. Hướng dẫn cách tra cứu vi phạm giao thông
Cách tra cứu phạt nguội đơn giản giúp người tham gia giao thông biết mình có bị phạt nguội hay không. Ngoài việc nhận được thông báo từ các đơn vị Cảnh sát giao thông, người điều khiển phương tiện có thể chủ động tra cứu và kiểm tra vi phạm giao thông trên trang thông tin điện tử của Phòng CSGT Công an các tỉnh thành phố hoặc Cổng Thông tin điện tử của Công an các tỉnh, thành phố hoặc của Cục CSGT.
Cụ thể, cách kiểm tra vi phạm giao thông như sau:
Bước 1: Truy cập website của Cục Cảnh sát giao thông https://www.csgt.vn/, chọn phần tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh.
Bước 2: Nhập chính xác thông tin về biển số xe, chọn loại phương tiện tương ứng và nhập mã bảo mật theo yêu cầu.
Bước 3: Sau khi đã nhập đủ thông tin, chủ phương tiện cần bấm vào mục “Tra cứu”.
Nếu phương tiện đó không có vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị “Không tìm thấy kết quả”. Nếu phương tiện đó có vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị về số lần vi phạm của phương tiện.
Như vậy, chỉ với 3 bước đơn giản trên, chủ phương tiện đã có thể kiểm tra xem mình có từng vi phạm giao thông và bị xử lý phạt nguội hay không. Trong trường hợp bị xử lý phạt nguội thì có 5 cách nộp phạt dưới đây mà người điều khiển xe có thể lựa chọn áp dụng.
4.2. Cách nộp phạt vi phạm giao thông
Trước khi tiến hành nộp phạt nguội, người vi phạm giao thông cần đến trụ sở công an nơi xảy ra vi phạm hoặc nơi cư trú (nếu không cư trú trong địa bàn huyện nơi xảy ra vi phạm) để giải quyết vụ việc vi phạm giao thông bị phạt nguội và nhận quyết định xử phạt vi phạm.
Sau khi có quyết định xử phạt giao thông, tổ chức, cá nhân có thể nộp phạt theo một trong các cách quy định tại Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP như sau:
4.2.1. Nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông
Nộp phạt tại chỗ là hình thức nộp phạt thuận tiện và đơn giản nhất đối với các lỗi vi phạm giao thông đường bộ thường gặp mà nhiều chủ phương tiện lựa chọn. Tuy vậy theo khoản 1 Điều 56 và khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, hình thức xử phạt này chỉ áp dụng trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 250.000 đồng (với cá nhân) và 500.000 đồng (với tổ chức).
4.2.2. Nộp chuyển khoản cho Kho bạc Nhà nước
Kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, trong vòng 10 ngày, cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền tại Kho bạc nhà nước hoặc nộp chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước. Thông tin chuyển khoản sẽ được ghi rõ trong biên bản vi phạm giao thông.
Nếu quá thời hạn 10 ngày trên mà cá nhân/ tổ chức không nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Cứ mỗi một ngày chậm nộp phạt, cá nhân/ tổ chức đó phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt phải nộp.
4.2.3. Nộp phạt tại ngân hàng thương mại
Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính hướng dẫn người dân nộp ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử. Nếu thực hiện cách nộp phạt vi phạm giao thông theo cách này, cá nhân/ tổ chức vi phạm cần làm theo các bước sau:
Bước 1: Đăng nhập vào hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng (Mobile Banking, Internet Banking hoặc các hình thức thanh toán điện tử tương ứng của ngân hàng).
Bước 2: Ngân hàng sẽ lập chứng từ để nộp ngân sách nhà nước.
Bước 3: Ngân hàng kiểm tra thông tin tài khoản và điều kiện trích nợ tài khoản.
4.2.4. Nộp phạt tại bưu điện
Sau khi đã đăng ký với lực lượng chức năng về việc nộp phạt qua bưu điện, cá nhân/ tổ chức vi phạm sẽ đến bưu điện gần nhất để nộp tiền.
Cá nhân/ tổ chức vi phạm sẽ nhận lại giấy tờ tạm giữ từ cảnh sát giao thông trong vòng 2 ngày (nếu ở trung tâm tỉnh, thành phố) hoặc từ 3 – 5 ngày (nếu ở huyện và các tỉnh thành khác). Trường hợp giấy tờ tạm giữ bị thất lạc, bưu điện và cơ quan liên quan sẽ phối hợp để cấp lại cho người vi phạm.
4.2.5. Nộp phạt online tại cổng dịch vụ công quốc gia
Các bước thực hiện cách nộp phạt vi phạm giao thông online qua cổng dịch vụ công quốc gia như sau:
Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, chọn “Thanh toán trực tuyến”
Bước 2: Chọn “Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính” theo cá nhân hoặc doanh nghiệp
Bước 3: Chọn “Tra cứu, thanh toán vi phạm giao thông”
Bước 4: Có 2 cách để tra cứu
Cách 1: Tra cứu theo mã quyết định (cổng dịch vụ công sẽ gửi tin nhắn về số điện thoại của người vi phạm cung cấp cho CSGT khi lập biên bản)
Cách 2: Chọn “Tra cứu theo biên bản vi phạm“ và nhập các thông tin tương ứng
Bước 5: Sau khi đã nhập các thông tin theo yêu cầu, người vi phạm chọn hình thức nộp tiền phạt và trả giấy tờ theo hướng dẫn của Cổng dịch vụ công.
Như vậy, Luật Dương Gia đã hướng dẫn chi tiết cụ thể về cách tra cứu vi phạm giao thông cũng như cách nộp phạt khi bị vi phạm giao thông. Có điều gì thắc mắc hay trường hợp cần được tư vấn Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo số Hotline 19006568 để được hỗ trợ.