Ý nghĩ trong đầu về việc phạm pháp có phải tội phạm hay không? Các đặc điểm của tội phạm

y-nghi-trong-dau-ve-viec-pham-phap-co-phai-toi-pham-hay-khong-cac-dac-diem-cua-toi-pham

Tội phạm, theo luật hình sự Việt Nam, phải là hành vi của con người. Những gì mới chỉ trong tư tưởng, chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi thì không thể là tội phạm. Chỉ qua hành vi của mình, con người mới có thể gây ra thiệt hại, gây ra sự nguy hiểm cho xã hội và những gì trong suy nghĩ, trong tư tưởng của con người cũng chỉ có thể được xác định qua chính những biểu hiện bên ngoài mà trước hết là qua chính hành vi của họ. Trong luật hình sự Việt Nam, sự xác nhận tội phạm chỉ có thể là hành vi được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản, đó là “nguyên tắc hành vi”.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

1. Ý nghĩ trong đầu về việc phạm pháp có phải tội phạm hay không?

Trước khi có BLHS đầu tiên, tuy chưa có định nghĩa hoàn chỉnh về khái niệm tội phạm trong luật nhưng cũng đã có nhiều định nghĩa tội phạm trong các sách báo pháp lí. Những định nghĩa này đều đã thể hiện được “nguyên tắc hành vi”. Ví dụ: Trong cuốn Một số vấn đề pháp lí phổ thông Việt Nam (xuất bản năm 1963), tội phạm đã được định nghĩa là hành vi nguy hiểm cho những quan hệ xã hội chủ nghĩa, chống đối pháp luật, tội lỗi và phải chịu hình phạt. Từ khi có BLHS đầu tiên (BLHS năm 1985), nguyên tắc hành vi đã được chính thức thể hiện trong luật.

Theo nguyên tắc hành vi, luật hình sự Việt Nam không những không đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với tư tưởng của con người mà còn không đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với cả những biểu hiện của con người ra thế giới khách quan mà không phải là hành vi.

2. Các đặc điểm của tội phạm

Theo luật hình sự Việt Nam, hành vi bị coi là tội phạm được phân biệt với những hành vi không phải là tội phạm qua các dấu hiệu: Nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện và phải chịu hình phat. Từ đó, căn cứ vào định nghĩa về tội phạm tại khoản 1 Điều 8 BLHS thì tội phạm có bốn đặc điểm sau:

2.1. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm

Tính nguy hiểm cho xã hội được coi là đặc điểm cơ bản nhất, có tính quyết định cho việc xác định tội phạm và các đặc điểm khác của tội phạm. Do có tính nguy hiểm cho xã hội nên hành vi được quy định trong luật hình sự là tội phạm và phải chịu hình phạt. Nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu về nội dung của tội phạm.

Nguy hiểm cho xã hội bao gồm tính gây thiệt hại về khách quan và tính có lỗi về chủ quan. Sự nguy hiểm cho xã hội của tội phạm về khách quan là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Đó là những quan hệ xã hội quan trọng được quy định trong Điều 8 BLHS. Đó là “…độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Nếu những quan hệ xã hội này bị hành vi phạm tội gây thiệt hại hoặc đe dọa sẽ gây thiệt hại sẽ có ảnh hưởng đáng kể cho điều kiện phát triển của Nhà nước.

Khi đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phải xem xét toàn diện tất cả các tình tiết liên quan đến tội phạm, những tình tiết đó là:

– Nội dung, tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại;

– Tính chất của hành vi khách quan, bao gồm tính chất của phương pháp, thủ đoạn, công cụ và phương tiện phạm tội;

– Mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quan hệ xã hội được luật Hình sự bảo vệ;

– Tính chất và mức độ của lỗi;

– Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh chính trị xã hội khi tội phạm xảy ra;

– Động cơ, mục đích của người phạm tội;

– Nhân thân của người có hành vi phạm tội…

2.2. Tính có lỗi của tội phạm

Lỗi chính là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Xử sự của con người bình thường là sự thống nhất giữa các yếu tố khách quan và chủ quan. Hai mặt khách quan và chủ quan của tội phạm có liên hệ chặt chẽ với nhau. Không thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà không có lỗi của người phạm tội.

Một người bị coi là có lỗi khi người ấy thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nếu hành vi ấy là kết quả của sự lựa chọn và quyết định của chính họ trong khi họ có đủ điều kiện để lựa chọn xử sự khác phù hợp đối với đòi hỏi của xã hội.

Khi xác định “có lỗi” là một dấu hiệu của tội phạm cùng với dấu hiệu “nguy hiểm cho xã hội”, BLHS Việt Nam muốn nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi. Luật Hình sự Việt Nam không cho phép quy tội khách quan tức là chỉ căn cứ vào diễn biến của hành vi mà không quan tâm đến lỗi của họ đối với hành vi đã thực hiện. Đồng thời cũng không cho phép quy tội chủ quan tức là buộc tội dựa vào sự nhận lỗi của họ mà không làm rõ hành vi phạm tội. Việc áp dụng hình phạt không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà qua đó còn nhằm mục đích giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, phòng ngừa tội phạm xảy ra. Mục đích này chỉ có thể đạt được khi hình phạt được áp dụng cho người có lỗi. Đối với người không có lỗi, hình phạt không thể phát huy được tác dụng giáo dục. Do vậy, “có lỗi” phải được xác định là một nguyên tắc của luật hình sự và cần được coi là một dấu hiệu quan trọng của tội phạm.

2.3. Tính trái pháp luật hình sự của tội phạm

Tính trái pháp luật hình sự được coi là biểu hiện mặt hình thức pháp lý của dấu hiệu tính nguy hiểm của tội phạm. Tính trái pháp luật hình sự thể hiện ở chỗ: Tội phạm đều được phải quy định trong BLHS. Nếu một hành vi thực tế xâm hại đến quan hệ xã hội được luật Hình sự bảo vệ, được đánh giá là nguy hiểm, nhưng chưa được quy định là tội phạm thì chưa có cơ sở buộc người thực hiện hành vi ấy phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc xác định tội phạm phải được luật hình sự quy định là sự thừa nhận nguyên tắc đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc: “Không ai bị kết án vì một hành vi mà lúc họ thực hiện luật pháp quốc gia hay quốc tế không coi là tội phạm” (khoản 2 Điều 11). Trong sự thống nhất với việc xóa bỏ nguyên tắc tương tự và cấm hồi tố, việc khẳng định dấu hiệu này của tội phạm là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc pháp chế.

Trong BLHS năm 2015, dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự” không chỉ được thể hiện ở Điều 8 mà còn thể hiện ở Điều 2 và Điều 7, cụ thể:

– Điều 2 BLHS quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự

– Khoản 2 Điều 7 BLHS quy định: “Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.

Việc xác định “được quy định trong BLHS” là dấu hiệu của tội phạm không những là cơ sở đảm bảo cho việc chống tội phạm được thống nhất, tránh tùy tiện mà còn là động lực thúc đẩy cơ quan lập pháp kịp thời bổ sung, sửa đổi luật theo sát sự thay đổi của tình hình tội phạm. Tính được quy định trong BLHS tuy chỉ là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lý, phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu về mặt nội dung của tội phạm nhưng vẫn có tính độc lập tương đối và có ý nghĩa quan trọng. Hai dấu hiệu – tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự có mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Dấu hiệu trái pháp luật hình sự tuy có tính độc lập tương đối nhưng vẫn là dấu hiệu được xác định bởi tính nguy hiểm cho xã hội. Chỉ trên cơ sở thừa nhận tính nguy hiểm cho xã hội, kết hợp tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự để có thể nhận thức được một cách đầy đủ dấu hiệu được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nhằm tránh những trường hợp xác định tội phạm một cách hình thức, máy móc, khoản 2 Điều 8 BLHS quy định “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm”.

Hiện nay, theo quy định của BLHS, dấu hiệu “được quy định trong luật hình sự” phải được hiểu là “được quy định trong BLHS” mặc dù tính trái pháp luật hình sự có nghĩa rộng hơn vì luật hình sự bao gồm BLHS và các luật khác có quy phạm pháp luật hình sự.

2.4. Tính phải chịu hình phạt của tội phạm

Trong luật Hình sự Việt Nam tội phạm là sự vi phạm pháp luật hình sự ở mức độ nghiêm trọng nhất vì nó xâm phạm tới những quan hệ xã hội quan trọng nhất của Nhà nước. Chính vì vậy, tội phạm thì phải bị xử lý bằng những biện pháp cưỡng chế Nhà nước nghiêm khắc nhất là hình phạt.

Nói tội phạm có tính phải chịu hình phạt có nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào, có tính nguy hiểm cho xã hội cũng đều bị đe dọa phải chịu hình phạt. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc áp dụng và thi hành trong thực tế các biện pháp tư pháp và hình phạt có tính chất bắt buộc tuyệt đối cho mọi trường hợp phạm tội. Trong thực tế có những trường hợp phạm tội không phải chịu hình phạt, điều đó thể hiện chính sách nhân đạo trong luật Hình sự của Nhà nước ta. Đó là những trường hợp có tội phạm nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt tù.

Vì có những trường hợp không phải chịu hình phạt như vậy nên có ý kiến cho rằng không nên coi tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu của tội phạm. Quan niệm như vậy sẽ không thấy được mối liên hệ giữa tội phạm và hình phạt. Trong các hành vi của con người, chỉ có tội phạm là hành vi có thể bị áo dụng hình phạt. Có thể có tội mà không phải chịu hình phạt nhưng không thể áp dụng hình phạt khi không có tội. Nếu không coi tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu của tội phạm thì sẽ không thấy được hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất luôn gắn liền với tội phạm. Trong những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt, người phạm tội tuy không phải chịu hình phạt nhưng không có nghĩa tội phạm mà họ thực hiện không có tính chịu hình phạt mà trái lại, khả năng đe dọa phải chịu hình phạt vẫn có. Người phạm tội không phải chịu hình phạt vì đã được miễn với những lí do khác nhau. Đó là những lí do đã được quy định trong các điều 29, 59, 62 và 65 của BLHS.

Như vậy, nói tội phạm có tính chịu hình phạt có nghĩa là bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe dọa có thể phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước là hình phạt.

Với việc thừa nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, tính chịu hình phạt không chỉ đối với chủ thể thực hiện tội phạm mà còn đối với cả pháp nhân thương mại khi pháp nhân thương mại có quan hệ nhất định với tội phạm và người phạm tội theo quy định của Điều 75 BLHS.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon