In hằng trong tâm thức của người Việt từ bao đời nay là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, mãi tự hào về dòng máu “Con rồng cháu tiên”. Thế nên cứ độ mùng 10 tháng 3 âm lịch, ta lại nghe người ta ngân nga câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng 3”. Giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là ngày lễ lớn của toàn dân tộc. Vào ngày này, người dân trên cả nước sẽ được nghỉ lễ để cùng nhau tưởng nhớ đến các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa đặc biệt của ngày Giỗ tổ Hùng Vương.
1. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày gì?
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là ngày để người dân Việt Nam tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị vua Hùng đã gầy dựng nên nước Việt Nam để chúng ta có thể sống và làm việc trên đất nước thân yêu mình ngày hôm nay.
2. Giỗ tổ Hùng Vương năm 2023 vào ngày nào?
Năm nay, Giỗ tổ Hùng Vương sẽ rơi vào ngày Thứ bảy (29/04/2023). Năm nay là một năm đặc biệt khi những dịp lễ lớn của đất nước cùng liên tiếp diễn ra. Sau mùng 10/3, người dân cả nước sẽ tiếp tục hưởng niềm vui của ngày đất nước giải phóng, đại lễ 30/4-1/5. Như vậy, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, chúng ta sẽ chính thức bước vào kì nghỉ lớn.
3. Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Giổ tổ Hùng Vương
3.1. Nguồn gốc của ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Vào thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành “quốc tế” hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”
Từ đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùng 10/03 hằng năm tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
3.2. Ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Người Việt Nam ta bao đời nay luôn tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên đất nước của lịch sử, đất nước ngàn năm văn hiến. Mỗi mùa lễ trôi qua, ta càng thêm tự hào vì đất nước mình tuyệt vời như thế.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta tưởng nhớ về công ơn lớn lao của các vị vua Hùng trong công cuộc dựng xây đất nước. Không những vậy mùng 10 tháng 3 là ngày để chúng ta có cơ hội quay trở về tìm hiểu lịch sử, về gốc gác cội nguồn để càng thêm tự hào về tổ tiên, về dân tộc.
Việt Nam ta có những ngày lễ lớn như thế này để nhắc nhở thế hệ trẻ rằng để có được những ngày trời xanh như hôm nay, đất nước ta đã trải qua giai đoạn lịch sử hùng hồn như thế nào.
Hằng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3, người dân trên khắp cả nước tụ hội về Đền Hùng tại Việt Trì, Phú Thọ để dâng hương, dâng lễ tưởng nhớ các vị vua Hùng.
4. Các hoạt động văn hóa có thể tham gia ngày Giỗ tổ
Vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương có 2 lễ được cử hành tại đền Hùng bao gồm:
– Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, tranh phục truyền thống sẽ xuất phát từ chân núi rồi lần lượt đi qua các đền để đến đền Thượng.
– Lễ dâng hương: Người hành hương sẽ tới đền Hùng để thắp hương. Mỗi người đều dâng lên vài nén hương khi tới đất Tổ. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất gốc cây nơi đây đều linh thiêng.
Ngoài ra, mọi người đến đây có thể tham gia các hoạt động văn hóa khác như chơi các trò chơi dân gian như cuộc thi hát xoan, một hình thức dân ca đặc trưng của Phú Thọ, thi kéo co, thi bơi trải tại ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
Trên đây là những nội dung về ý nghĩa của ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Luật Dương Gia chúc toàn thể bạn đọc sẽ có một kỳ nghỉ lễ thật vui vẻ, cùng nhau tìm hiểu lại gốc gác nguồn gội để càng thêm yêu quý, thêm tự hào vì được sinh ra và lớn lên trên đất nước anh hùng.