Sáng chế đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển. Khai thác thương mại hợp lý loại tài sản trí tuệ này sẽ làm gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Luật Sở hữu trí tuệ và một số luật chuyên ngành khác đã đưa ra các quy định pháp lý nhằm khuyến khích hoạt động này. Nhờ vậy, khai thác thương mại sáng chế đã gặt hái được những kết quả ban đầu.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm lớn việc khai thác thương mại đối với sáng chế. Cụ thể, pháp luật về SHTT, CGCN, thương mại, đầu tư, doanh nghiệp và giao dịch bảo đảm (GDBĐ) đã có những quy định tích cực như: Nhà nước khuyến khích chủ sở hữu khai thác thương mại đối với sáng chế;
Nhà nước giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước cho các tổ chức chủ trì, chủ yếu là các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ; Nhà nước cũng giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu đó cho tổ chức khác có khả năng khai thác thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn bằng quyền SHCN đối với sáng chế để kinh doanh, thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST…
Tuy nhiên, sáng chế mới chỉ được đề cập trong các văn bản pháp luật của Việt Nam chủ yếu nghiêng về hướng bảo hộ quyền SHCN đối với sáng chế, tức là mới chỉ đề cập đến sáng chế ở trạng thái “tĩnh” hơn là các quy định về khai thác thương mại sáng chế – đề cập đến sáng chế ở trạng thái “động”. Do vậy, pháp luật về sáng chế của nước ta vẫn còn khá nhiều hạn chế và bất cập trong việc cụ thể hóa các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế nhằm thúc đẩy hoạt động này.
Xác định được tầm quan trọng của việc khai thác thương mại sáng chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, coi đó là điều kiện sống còn đối với sự phát triển của nước nhà trong thời gian tới, chúng ta đang nhanh chóng tiến hành sửa đổi hệ thống pháp lý có liên quan, đặc biệt là pháp luật về SHTT
2. Tổng quan nghiên cứu
Khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, các công trình nghiên cứu về sáng chế nói chung và khai thác sáng chế nói riêng đã được nghiên cứu một cách chuyên sâu, gắn liền với hoạt động ĐMST. Có khá nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này nhưng phần lớn đều dưới góc độ kinh tế, quản lý. Trong số các bài viết chuyên sâu về việc khai thác thương mại sáng chế dưới góc độ pháp lý, có thể kể đến một số công trình quan trọng như “How Do Patent Laws Iníluence Innovation: Evidence from Nineteenth Century World Fairs” (Pháp luật về sáng chế ảnh hưởng như thế nào đến Đổi mới Sáng tạo: Bằng chứng từ các hội chợ thế giới từ thế kỷ 19) của Moser, P (2003).
Ngoài ra cần kể đến cuốn sách “WIPO Intellectual Property Handbook: Policy, Law and Use” (Cẩm nang Sở hữu trí tuệ: Chính sách, Pháp luật và Sử dụng), WIPO, 2001. Moser, P (2003), How Do Patent Laws Influence Innovation: Evidence from Nineteenth Century World Fairs (Pháp luật về sáng chế ảnh hưởng như thế nào đến Đổi mới Sáng tạo: Bằng chứng từ các hội chợ thế giới từ thế kỷ 19), NBER Working Paper No. w9909.
Tại Việt Nam, công trình nghiên cứu một cách toàn diện nhất dưới góc độ pháp lý về các hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế phải kể đến là cuốn sách chuyên khảo “Quyền SHCN trong hoạt động thương mại” của TS. Nguyễn Thanh Tâm (2006), Nxb. Tư pháp. Công trình thành công ở chỗ đã đề cập đến các đối tượng quyền SHCN (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật thương mại) trong trạng thái “động” với tư cách là quan hệ hàng hóa-tiền tệ như là một yếu tố lợi thế trong thương mại. Tuy nhiên, do cuốn sách chuyên khảo này đề cập ở một phổ rộng các đối tượng của quyền SHCN nên không thể đề cập được một cách tập trung, chuyên sâu về đối tượng sáng chế, đặc biệt là thực trạng khai thác thương mại sáng chế tại Việt Nam.
3. Kết quả nghiên cứu và bình luận
Không có một định nghĩa chuẩn nào về sáng chế và rất khó có thể định nghĩa chính xác về sáng chế. Do vậy, trong quy định pháp lý của nhiều nước không trực tiếp định nghĩa sáng chế trừ một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Liên Xô cũ và Việt Nam. Các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết như Công ước Paris, Công ước thành lập WIPO, Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT), Hiệp định TRIPS, Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA đều không định nghĩa sáng chế. Theo Luật SHTT Việt Nam, Điều 4.12 định nghĩa sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Hình thức khai thác thương mại đối với sáng chế trong bài viết sẽ bao gồm các hình thức như sau:
Thứ nhất, quy định về hình thức chủ sở hữu tự mình khai thác thương mại sáng chế
Tự mình khai thác thương mại đối với sáng chế do mình tạo ra là hình thức được thể hiện nhiều tại các quốc gia phát triển, ví dụ như Steve Jobs, Bill Gates vẫn thường làm. Hình thức tự mình khai thác thương mại sáng chế của chủ sở hữu được thể hiện ở việc chủ sở hữu thực hiện quyền năng căn bản nhất của mình là quyền năng sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế. Quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế chủ sở hữu đồng thời là cơ sở nền tảng, căn cứ dẫn đến việc chủ sở hữu cho phép người khác khai thác thương mại sáng chế thông qua việc chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế. Các quyền năng này đã được thể hiện trong Điều 123 Luật SHTT.
Thứ hai, quy định về khai thác thương mại dưới hình thức chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
Chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế theo quy định hiện hành bao gồm chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế và chuyển giao quyền sử dụng sáng chế. Quy định này là phù hợp thông lệ quốc tế. Theo quan điểm của WIPO, về cơ bản, có hai phương pháp, hình thức mà chủ sở hữu thường sử dụng để khai thác sáng chế, đưa ý tưởng của mình vào sản xuất để thu lợi bao gồm việc bán đứt sáng chế để có được một khoản tiền thanh toán gọn một lần hoặc là li-xăng sáng chế thông qua các thỏa thuận mua bán hoặc li-xăng sáng chế.
Liên quan đến chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế, theo Điều 138, Luật SHTT, chuyển nhượng quyền SHCN đối với sáng chế (chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế) là việc chủ sở hữu quyền SHCN chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế này được coi là việc “bán đứt” sáng chế. Hình thức bán đứt sáng chế cho người khác là cách thức thực hiện quyền năng định đoạt đối với sáng chế của chủ sở hữu.
Thứ ba, quy định về khai thác thương mại dưới hình thức thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế
Đây có thể được coi là một kênh, một hình thức quan trọng để chủ sở hữu sáng chế có thể phần nào tự mình thực hiện việc khai thác thương mại đối với sáng chế. Mặc dù pháp luật về SHTT, CGCN, doanh nghiệp và đầu tư đã có quy định khuyến khích chủ sở hữu sáng chế/công nghệ thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng chính TSTT của mình. Tuy nhiên, các quy định pháp lý cụ thể tại các văn bản pháp quy về SHTT, CGCN, doanh nghiệp, đầu tư và giao dịch bảo đảm (GDBĐ) nhằm khuyến khích việc thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng quyền SHCN của các chủ sở hữu sáng chế vẫn còn bỏ ngỏ. Cụ thể, các quy định pháp luật về thế chấp, góp vốn bao gồm những nội dung chính như sau: loại tài sản thế chấp, góp vốn; thủ tục thế chấp, góp vốn và cơ chế, phương pháp định giá tài sản thế chấp, góp vốn.
Hiện đã có các quy định pháp lý cụ thể về loại tài sản có thể được sử dụng để thế chấp, góp vốn, trong đó bao gồm cả sáng chế. Cụ thể, Thông tư số 45/2013/TT-BTC ghi nhận TSVH của doanh nghiệp là quyền tác giả, quyền SHCN (bao gồm sáng chế), quyền đối giống cây trồng theo quy định của Luật SHTT. Tuy nhiên, còn thiếu các quy định cụ thể về thủ tục thế chấp, góp vốn bằng quyền SHCN đối với sáng chế cũng như cơ chế, phương pháp định giá sáng chế nên các bên đối tác trong kinh doanh khó có thể xác định mức độ giá trị bằng tiền quy đổi từ quyền SHCN đối với sáng chế. Hơn nữa, còn thiếu các quy định pháp lý cụ thể nhằm khuyến khích các ngân hàng tài trợ cho các chủ sở hữu sáng chế có vốn để kinh doanh. Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 04 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Thứ tư, thực tiễn áp dụng quy định về các hình thức khai thác thương mại sáng chế
Trong vài năm trở lại đây, nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước về việc bảo quyền SHTT đã tăng lên. Theo báo cáo thường niên của Cục SHTT, số lượng đơn đăng ký xác lập quyền SHTT có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, so với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích là đối tượng có số lượng cả đơn đăng ký cũng như VBBH là rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, Bảng 1 dưới đây cho thấy số lượng cụ thể và tương quan số lượng VBBH sáng chế/giải pháp hữu ích cấp cho người Việt Nam cũng như người nước ngoài trong giai đoạn 2010-2020.
Bảng 1: Số lượng VBBH sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp cho người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020
Năm | Số lượng VBBH sáng chế | Số lượng VBBH giải pháp hữu ích | ||||
Người
Việt Nam |
Người
nước ngoài |
Tổng số |
Người Việt Nam | Người
nước ngoài |
Tổng số |
|
2010 | 29 | 793 | 822 | 35 | 23 | 58 |
2011 | 40 | 945 | 985 | 46 | 23 | 69 |
2012 | 45 | 980 | 1025 | 59 | 28 | 67 |
2013 | 59 | 1203 | 1262 | 74 | 33 | 117 |
2014 | 36 | 1332 | 1368 | 66 | 20 | 86 |
2015 | 63 | 1325 | 1388 | 86 | 31 | 117 |
2016 | 76 | 1347 | 1423 | 114 | 24 | 138 |
2017 | 109 | 1636 | 1745 | 118 | 28 | 146 |
2018 | 205 | 2014 | 2219 | 290 | 65 | 355 |
2019 | 169 | 2451 | 2620 | 230 | 72 | 302 |
2020 | 139 | 4180 | 4319 | 201 | 77 | 278 |
Tổng số | 970 | 18.206 | 19.176 | 1.319 | 424 | 1.743 |
Bảng 1 cho thấy số lượng VBBH sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp ở Việt Nam chưa nhiều, không tương xứng với tiềm năng. Trong giai đoạn 2010-2020, số lượng sáng chế của người Việt Nam được bảo hộ tại Việt Nam là 970, số lượng giải pháp hữu ích là 1.319, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ. Đồng nghĩa là loại TSTT này chưa phát triển ở Việt Nam.
Hơn nữa, trong tổng số VBBH sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp giai đoạn 2010-2020, tổng số bằng sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp của người Việt Nam chiếm tỷ lệ khá thấp so với tổng số văn bằng sáng chế/giải pháp hữu ích đã được cấp cho người nước ngoài: 2.289/18.630 = 12%. Thực trạng số lượng VBBH sáng chế ít ỏi được cấp cho các chủ sở hữu sáng chế Việt Nam đã cho thấy hạn chế trong việc tự khai thác thương mại sáng chế của các chủ thể này.
Tương tự như thực trạng chủ sở hữu sáng chế tự khai thác thương mại sáng chế, hiện không có số liệu thống kê chính xác về số lượng sáng chế được chuyển nhượng quyền sở hữu cũng như số lượng sáng chế được chuyển giao quyền sử dụng tại Việt Nam. Chỉ tính số lượng các hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu và hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích được đăng ký thực hiện tại Cục SHTT, chưa tính đến kết quả khai thác, ứng dụng sáng chế, thống kê chính thức giai đoạn 2010-2020 được thể hiện tại Bảng 2 như sau:
Bảng 2: Số lượng hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu và li-xăng sáng chế đăng ký tại Cục SHTT giai đoạn 2010-202026
Năm | Số hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng SC/GPHI thành công | Số hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu SC/GPHI thành công |
2010 | 2 | 25 |
2011 | 4 | 18 |
2012 | 1 | 28 |
2013 | 4 | 42 |
2014 | 5 | 67 |
2015 | 3 | 45 |
2016 | 6 | 53 |
2017 | 3 | 71 |
2018 | 5 | 47 |
2019 | 3 | 103 |
2020 | 8 | 48 |
Tổng số | 44 | 547 |
Như vậy, trong thời gian qua, tổng số hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu và hợp đồng li-xăng sáng chế/giải pháp hữu ích được thực hiện thành công mỗi năm trung bình cũng chỉ trong khoảng 22 – 106 hợp đồng, quá nhỏ so với tiềm năng. Thực tiễn cho thấy các ngân hàng Việt Nam đều đòi phải thế chấp tài sản có giá trị, chủ yếu là nhà, đất mới cho vay. Do vậy, việc đi vay vốn ngân hàng tại Việt Nam bằng hình thức thế chấp quyền SHCN đối với sáng chế gần như không xảy ra vì không có quy định cụ thể. Đây đang là một vấn đề Việt Nam đang mắc phải cần được giải quyết bằng các chính sách, pháp luật cụ thể.
4. Kết luận và đề xuất
Để hoàn thiện pháp luật về khai thác thương mại sáng chế, các nhà làm luật của chúng ta cần chú ý các phương hướng sửa đổi như sau:
– Quy định cụ thể hơn nữa các quyền độc quyền của chủ sở hữu sáng chế: Pháp luật hiện hành của Việt Nam đã đưa ra được những quyền cơ bản nhất của chủ sở hữu sáng chế trong việc sử dụng sáng chế, phù hợp các quy định chung của thông lệ quốc tế. Đặc điểm của hình thức này là chủ sở hữu tự mình khai thác theo nguyên tắc tự làm, tự ăn và tự chịu rủi ro. Tuy nhiên, các quy định hiện hành của chúng ta về các quyền độc quyền của chủ sở hữu sáng chế vẫn chưa được quy định một cách cụ thể. Do vậy, trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế nhanh hiện nay của Việt Nam, chúng ta cũng cần có những quy định cụ thể hơn nữa nhằm đem lại sự lựa chọn tối ưu, khuyến khích chủ sở hữu sáng chế lựa chọn hình thức khai thác thương mại sáng chế phù hợp.
– Bãi bỏ các hạn chế trong việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế: Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, hoạt động thu hút công nghệ, sáng chế từ nước ngoài vào Việt Nam được coi như quá trình “song sinh” với hoạt động thu hút ĐTNN vào Việt Nam. Vậy mà, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế vẫn chưa tạo ra sự khuyến khích đầu tư, phát triển và đổi mới công nghệ tiên tiến theo đúng chủ trương của Việt Nam.
Việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế phải chăng chỉ mang tính hình thức hoặc chỉ là quá trình phải “làm thủ tục”? Hình thức ở chỗ phần lớn các hợp đồng phải được đăng ký và phải trải qua quá trình xét duyệt của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. “Làm thủ tục” ở chỗ quá trình xem xét kỹ lưỡng, xét duyệt mất khá nhiều thời gian, thậm chí cần phải có sự can thiệp của các nhà tư vấn có quan hệ tốt với chính quyền và đương nhiên là làm tốn thêm kinh phí của các bên giao kết hợp đồng.
– Cụ thể hóa hơn nữa các quy định pháp lý về định giá sáng chế, thủ tục góp vốn quyền sử dụng sáng chế: Đã có một số văn bản pháp quy đề cập đến việc định giá sáng chế, góp vốn quyền SHCN đối với sáng chế được xây dựng và ban hành. Tuy nhiên, tập hợp các văn bản pháp luật đó hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá sáng chế mà mới chỉ bao gồm những quy định mang tính chất nguyên tắc, ví dụ như quy định về cách thức hạch toán kế toán đối với TSVH bao gồm cả sáng chế. Do vậy, sự thiếu cụ thể hóa này sẽ làm hạn chế khả năng sử dụng, khai thác thương mại sáng chế.