Tài sản trí tuệ là gì? Các loại tài sản trí tuệ

tai-san-tri-tue-la-gi-cac-loai-tai-san-tri-tue

Tài sản trí tuệ đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhận thức chính xác về giá trị, cũng như tầm quan trọng đối với đời sống và hoạt động kinh doanh thương mại. Trên thực tế, các cá nhân, pháp nhân đã phát triển khá sôi động các giao dịch có đối tượng là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít các chủ thể chưa thực sự hiểu rõ về các đối tượng này, thậm chí, không thực hiện các biện pháp quản lí, khai thác cần thiết, dẫn đến, sự lãng phí về tài sản cũng như tạo điều kiện cho thói quen vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trở thành phổ biến. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Tài sản trí tuệ là gì và các loại tài sản trí tuệ theo quy định pháp luật hiện hành

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019;
  • Luật Chuyển giao công nghệ;
  • Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ

1. Tài sản trí tuệ là gì

Hiện nay, trong các quy định của pháp luật không có định nghĩa cụ thể và trực tiếp về tài sản trí tuệ. Khái niệm này có thể được tiếp cận qua nhiều các quy định có liên quan trong các văn bản pháp luật khác nhau.

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sau đây viết tắt là “BLDS”), “

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai ”. Đối chiếu với quy định về tài sản trong BLDS, có thể hiểu, tài sản trí tuệ là loại tài sản thể hiện dưới dạng quyền tài sản (tài sản vô hình), khác với những loại tài sản hữu hình khác.

Khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 (“sau đây viết tắt là Luật SHTT”) quy định:

“Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Theo các định nghĩa này, có thể hiểu: tài sản trí tuệ không phải chính là quyền sở hữu trí tuệ (như cách nhiều người thường mặc nhiên thừa nhận). Tuy nhiên, khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ có thể dẫn tới hai cách hiểu khác nhau, khi chỉ căn cứ trên diễn đạt chiết tự, có thể hiểu là:

(i) quan điểm thứ nhất: tài sản trí tuệ là ba nhóm quyền: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng;

(ii) quan điểm thứ hai: ba nhóm quyền trên là những quyền thuộc ba phân nhánh của quyền sở hữu trí tuệ và đều là các quyền đối với tài sản trí tuệ (chứ không phải là chính tài sản trí tuệ).

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Luật SHTT:

“2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân, đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá. 4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. 5. Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu ”.

Theo nội dung của quy định nêu trên, có thể hiểu:

(i) đối tượng của quyền tác giả là tác phẩm;

(ii) đối tượng của quyền liên quan là cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;

(iii) đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;

(iv) đối tượng của quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng mới.

2. Các loại tài sản trí tuệ

Khi so sánh, đối chiếu các quy định tương ứng giữa BLDS và Luật SHTT về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng của các nhóm quyền cụ thể, có thể thấy một thực tế là các quy định này chưa thực sự có thể trở thành cơ sở rõ ràng để xác định, nhận diện tài sản trí tuệ. Điều này dẫn tới những sự không thống nhất trong cách tiếp cận về tài sản trí tuệ. Có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, có thể tồn tại đồng thời hai quan điểm khác nhau về tài sản trí tuệ:

(i) là quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng);

(ii) là các đối tượng của các quyền này.

Hai quan điểm này xuất phát từ cách diễn đạt không đồng nhất khái niệm của quyền sở hữu trí tuệ (như đã nêu trên) và sự diễn giải đối tượng của các nhóm quyền tương ứng. Tuy nhiên, cả hai cách hiểu này đều có những bất cập nhất định. Tương ứng với các quy định của Luật SHTT, mỗi nhóm quyền này đều bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Theo đó, quyền nhân thân là quyền gắn với chủ thể sáng tạo, có giá trị “chỉ dẫn” chủ thể đã trực tiếp tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ. Ở khía cạnh nhân văn, đây chính là sự vinh danh của xã hội, của Nhà nước, ghi nhận thành quyền trong hệ thống pháp luật đối với những cá nhân cống hiến trí tuệ, tạo ra các sản phẩm trí tuệ, góp phần phát triển nền khoa học, kĩ thuật, công nghệ của toàn nhân loại. Do đó, quyền nhân thân không thể chuyển giao cho chủ thể khác, không thể định giá thành tiền (trừ trường hợp luật có quy định khác) và không giới hạn về thời gian bảo hộ. Khác với quyền nhân thân, quyền tài sản chính là cơ sở để pháp luật cho phép những chủ thể có điều kiện về tài chính có thể sử dụng điều kiện vật chất để tạo ra sản phẩm trí tuệ và thu lợi hợp pháp từ những đối tượng này. Chính vì vậy, nếu đánh đồng toàn bộ các nhóm quyền nêu trên là tài sản trí tuệ thì hoàn toàn không hợp lí, đặc biệt, không thể lí giải đối với quyền nhân thân trong nội dung của các nhóm quyền này. Trường hợp tiếp cận tài sản trí tuệ chính là các đối tượng, cụ thể như: là tác phẩm, là cuộc biểu diễn, là sáng chế, là nhãn hiệu… thì bản thân các đối tượng này chưa đáp ứng phù hợp với tiêu chí là tài sản của pháp luật dân sự. Bởi các lí do:

Một là, các đối tượng này không tồn tại dưới một dạng vật chất nhất định nên không thể xác định là vật, tiền hay giấy tờ có giá (có những cách hiểu rất sai lầm thường thấy như: quyển truyện có thể cầm nắm chính là tác phẩm; tuy nhiên, phải xác định rõ ràng, quyển truyện chỉ là bản thể vật chất của tác phẩm, về phía mình, quyển truyện bằng giấy là một loại tài sản độc lập, thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự về quyền sở hữu đối với vật);

Hai là, các đối tượng này chỉ là đối tượng của các quyền, chứ không phải chính là các quyền, do đó, cũng không thể liệt kê vào nhóm tài sản dưới dạng quyền tài sản; ba là, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các đối tượng này thực chất chỉ có thể thực hiện thông qua các quyền được pháp luật ghi nhận đối với chính các đối tượng. Như vậy, cách tiếp cận tài sản trí tuệ theo hai quan điểm khác nhau này, tuy không thống nhất nhưng cũng không chính xác.

Thứ hai, có thể tồn tại đồng thời hai quan điểm khác nhau về cách hiểu thế nào là “quyền tài sản”: (i) là loại tài sản vô hình, thể hiện dưới dạng quyền; (ii) là nội hàm của nội dung quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng (nội dung của các quyền này bao gồm: quyền nhân thân và quyền tài sản). Từ đó, dẫn đến cách nhận diện về tài sản trí tuệ theo hai hướng khác nhau. Trong hai cách hiểu này, cá nhân người viết cho rằng cần phải tiếp cận cách hiểu “quyền tài sản” tương ứng là chính tài sản trí tuệ theo cách hiểu thứ hai, nghĩa là, tài sản trí tuệ ở đây chính là các quyền tài sản thuộc nội dung của các quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng tương ứng, thay vì chính là quyền sở hữu trí tuệ theo cách hiểu rộng nhất. Như trên đã phân tích, chỉ có quyền tài sản mới là yếu tố giúp những chủ thể có điều kiện vật chất, tài chính làm phát sinh ra sản phẩm trí tuệ (trực tiếp hoặc thuê người) và có thể khai thác, tạo ra và hưởng lợi nhuận từ các quyền mà pháp luật cho phép đối với các sản phẩm này. Nói cách khác, các quyền tài sản này là những quyền mà khi chủ thể khai thác, có thể trị giá thành tiền, có thể sinh ra lợi ích, có thể kiểm soát được và vì vậy, có giá trị là tài sản có thể sở hữu được.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần xác định tài sản trí tuệ là quyền tài sản thuộc nội dung của quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thì chưa tương thích với quy định của các văn bản pháp luật khác, cũng như tạo ra những bất cập, hạn chế đối với việc khai thác các giá trị trí tuệ trong thực tế hiện nay.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (Nghị định số 76/2018/NĐ-CP):

“1. Các đối tượng sau đây được dùng làm tài sản bảo đảm cho vay vốn để thực hiện các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:

a) Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công có thể xác định được giá trị là quyền tài sản;

b) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản; c) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản;

c) Quyền khác phát sinh từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật có thể xác định được giá trị là quyền tài sản”.

Theo quy định này, có thể thấy, Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định hướng dẫn thi hành tiếp cận tài sản trí tuệ theo một hướng rất rộng. Tuy quy định không trực tiếp xác định là khái niệm thế nào là tài sản trí tuệ và Điều 11 này nói về đối tượng dùng làm tài sản bảo đảm nói chung, nhưng có thể thấy, bất kì những quyền tài sản (xác định được giá trị) từ kết quả nghiên cứu khoa học, sáng tạo, đều có thể được thoả mãn là tài sản bảo đảm (nghĩa là đảm bảo giá trị là tài sản). Khi so sánh với cách tiếp cận về tài sản trí tuệ, đã phân tích ở trên, trong Luật SHTT, rõ ràng, có rất nhiều các đối tượng, là kết quả của hoạt động tinh thần sáng tạo, nghiên cứu khoa học, đang không rõ ràng về việc có được nhận diện là tài sản trí tuệ hay không. Có thể lấy ví dụ như: nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp chưa đăng kí hoặc sự nhận diện về uy tín, hình ảnh, tổng thể các yếu tố trong kinh doanh (như thương hiệu) thực sự chưa có căn cứ pháp lý vững chắc trong quy định của Luật SHTT để tự tin với đời sống là tài sản trí tuệ.

Như vậy, có thể thấy, khi áp dụng các quy định của BLDS và Luật SHTT, các chủ thể chưa thực sự có căn cứ pháp lý hoàn toàn rõ ràng và có thể đưa ra nhiều lập luận khác nhau theo quan điểm chủ quan của mình. Thực trạng này không chỉ tạo ra sự không thống nhất trong áp dụng quy định của pháp luật, mà còn khiến cho một số giao dịch, trong đó có vấn đề thương mại hoá tài sản trí tuệ trên thực tế đang gặp một số khó khăn, tạo ra sự chưa tương thích giữa nhu cầu của thực tế và các quy định của pháp luật.

Theo quan điểm cá nhân của tác giả, tài sản trí tuệ nên được hiểu theo nghĩa rộng nhất, đó là: các sản phẩm của hoạt động tinh thần sáng tạo, đảm bảo đầy đủ tiêu chí để xác định là tài sản theo quy định của BLDS. Trường hợp được quy định trong Luật SHTT, các đối tượng sẽ được áp dụng các quy định chuyên ngành về sở hữu trí tuệ. Trường hợp chưa được quy định trong Luật SHTT nhưng đáp ứng các điều kiện về tài sản, thì các đối tượng được điều chỉnh theo quy định chung của BLDS. Việc quy định mở rộng phạm vi như vậy sẽ khuyến khích các giao dịch về các sản phẩm tinh thần sáng tạo, từ đó, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo trong xã hội, theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đồng thời, đảm bảo quyền lợi của các chủ thể hoạt động sáng tạo đối với các sản phẩm sáng tạo mà họ đã tạo ra hoặc đã đầu tư hợp pháp.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon