Có được ủy quyền làm thủ tục nhận con nuôi hay không?

co-duoc-uy-quyen-lam-thu-tuc-nhan-con-nuoi-hay-khong

Nhận nuôi con nuôi là một hành động mang tính nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần yêu thương, đùm bọc, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, nêu cao giá trị truyền thống gia đình Việt. Việc nhận nuôi con nuôi phải đảm bảo tiến hành theo những trình tự, thủ tục nhất định do pháp luật quy định. Vậy, để biết rằng người nhận con nuôi có được ủy quyền làm thủ tục nhận con nuôi hay không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật nuôi con nuôi năm 2010;

– Nghị định 19/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi;

1. Ủy quyền là gì?

Ủy quyền là việc thỏa thuận của các bên theo đó bên được ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Ủy quyền là một trong hai hình thức đại diện theo quy định của pháp luật được ghi nhận tại Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (gọi là đại diện theo ủy quyền) hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (gọi chung là đại diện theo pháp luật).

2. Có được ủy quyền làm thủ tục nhận con nuôi hay không?

Để trả lời câu hỏi có được ủy quyền đi làm thủ tục nhận nuôi không, bạn đọc cũng cần nắm một số điều về thủ tục nhận con nuôi.

2.1. Đối với việc nhận nuôi con nuôi trong nước

Để nhận nuôi con nuôi trong nước, người nhận con nuôi phải thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi, thủ tục nhận con nuôi gồm các bước lập hồ sơ (gồm hồ sơ của người nhận nuôi con và người được nhận nuôi), nộp hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người liên quan,

Căn cứ theo Điều 22 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về đăng ký việc nuôi con nuôi như sau:

– Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật nuôi con nuôi.

– Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày.

– Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.

Như vậy, khi đăng ký nhận con nuôi, người muốn nhận con nuôi phải thực hiện quá trình gồm tạo hồ sơ của người muốn nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi nộp tại cơ quan có thẩm quyền, sau khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra,xem xét đủ điều kiện thì mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi mới được xác lập và được ghi vào sổ hộ tịch. Cụ thể thủ tục đăng kí này được quy định trong nghị định sau:

Căn cứ theo quy định tại điều 10 Nghị định 19/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật nuôi con nuôi thì Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi như sau:

– Việc đăng ký nuôi con nuôi được tiến hành tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi đăng ký nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và người được nhận làm con nuôi phải có mặt. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi và trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên.

– Trường hợp con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi mà phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh đang lưu giữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã còn để trống, thì căn cứ vào Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, công chức tư pháp – hộ tịch ghi bổ sung các thông tin của cha mẹ nuôi vào phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; tại cột ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi.

– Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi.

Như vậy, việc đăng ký nuôi con nuôi được tiến hành tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi đăng ký nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và người được nhận làm con nuôi phải có mặt, cha mẹ nuôi phải trực tiếp tiến hành đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền không thể cho người khác đại diện mình đi nhận con nuôi nên việc ủy quyền là không được pháp luật quy định. Mặc dù pháp luật không quy định về vấn đề ủy quyền nhận con nuôi nhưng từ những phân tích trên, ta có thể xác định được người nhận con nuôi không được quyền ủy quyền làm thủ tục nhận con nuôi.

2.2. Đối với việc nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Căn cứ theo quy định khoản 2 Điều 37 Luật nuôi con nuôi 2010 về quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và việc tổ chức giao nhận con nuôi.

Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Hết thời hạn nêu trên, nếu người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Như vậy, việc đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cha mẹ nuôi cũng phải có mặt trực tiếp tại Việt Nam để nhận con nuôi, trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia. Nói chung một trong hai người nhận con phải trực tiếp nhận con, không thể ủy quyền cho người khác (người thứ ba) tiến hành thủ tục nhận con nuôi.

3. Thủ tục nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Bước 1: Kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi

– Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của những người quy định tại điều 21 của Luật này trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến.

– Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần được xác minh thì Sở Tư pháp đề nghị Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác minh; cơ quan công an có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp.

– Sau khi kiểm tra, xác minh theo quy định tại khoản 1 điều này, nếu thấy trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.

Bước 2: Kiểm tra và chuyển hồ sơ của người được nhận làm con nuôi

– Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra và xử lý hồ sơ của người nhận con nuôi trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

– Trường hợp người nhận con nuôi đích danh, Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

– Sau khi kết thúc thời hạn thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em nếu trẻ em không được người trong nước nhận làm con nuôi thì Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi cho Sở Tư pháp nơi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi thường trú để xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Giới thiệu trẻ em làm con nuôi

– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người nhận con nuôi, Sở Tư pháp xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi và báo cáo với UBND cấp tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, nếu UBND cấp tỉnh đồng ý thì thông báo cho Sở Tư pháp để làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp; trường hợp không đồng ý thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Trước khi Sở Tư pháp xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với UBND cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì UBND cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để chấm dứt việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả giới thiệu trẻ em làm con nuôi, Bộ Tư pháp kiểm tra việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, nếu hợp lệ thì lập bản đánh giá việc trẻ em Việt Nam đủ điều kiện được làm con nuôi nước ngoài và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú.

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú thông báo về sự đồng ý của người nhận con nuôi đối với trẻ em được giới thiệu, xác nhận trẻ em sẽ được nhập cảnh và thường trú tại nước mà trẻ em được nhận làm con nuôi, Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

Bước 4: Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài và việc tổ chức giao nhận con nuôi

– Sau khi nhận được thông báo từ Bộ Tư Pháp, Sở Tư pháp trình UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, UBND cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

– Ngay sau khi có quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài của UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp.

– Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi, tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp, với sự có mặt của đại diện Sở Tư pháp, trẻ em được nhận làm con nuôi, cha mẹ nuôi, đại diện cơ sở nuôi dưỡng đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ gia đình.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về việc có được ủy quyền làm thủ tục nhận nuôi con nuôi hay không. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon