Xuất phát từ truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn hoặc không tự mình thực hiện được, trong xã hội rất nhiều người tự nguyện thực hiện công việc của người khác mà hoàn toàn vì lợi ích của người đó. Trong đời sống hàng ngày, việc tự nguyện thực hiện công việc vì lợi ích của người khác diễn ra khá phổ biến. Đó là nét truyền thống đáng quý cần phát huy. Vấn đề này được pháp luật dân sự quan tâm và xây dựng thành chế định riêng, đó là chế định thực hiện công việc không có ủy quyền. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
1. Thực hiện công việc không có ủy quyền
– Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.
– Thực hiện công việc không có ủy quyền có những đặc điểm riêng của quan hệ nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Cụ thể:
+ Thứ nhất, người tự nguyện thực hiện công việc vì lợi ích của người có công việc trong trường hợp người có công việc không biết hoặc biết mà không phản đối đã làm phát sinh nghĩa vụ của người thực hiện công việc. Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có uỷ quyền là nghĩa vụ ngoài hợp đồng, phát sinh từ căn cứ một người tự nguyện thực hiện công việc của người có công việc và hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc. Như vậy, hành vi thực hiện công việc không có uỷ quyền là căn cứ phát sinh nghĩa vụ của người tự nguyện thực hiện công việc của người khác, hoàn toàn vì lợi ích của người khác là hành vi hợp pháp, có tính chất của hành vi pháp lý đơn phương.
+ Thứ hai, quan hệ nghĩa vụ phát sinh từ hành vi thực hiện công việc không có uỷ quyền là quan hệ nghĩa vụ có đặc điểm đền bù. Khoản đền bù là khoản thù lao khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho bên có công việc. Tuy nhiên, nếu người thực hiện công việc không có uỷ quyền có thể từ chối nhận khoản thù lao do chủ của công việc trả.
+ Thứ ba, hành vi của người thực hiện công việc không có uỷ quyền là căn cứ phát sinh nghĩa vụ hoàn lại trong trường hợp người thực hiện công việc không uỷ quyền đã chi phí hợp lý để thực hiện công việc không có uỷ quyền vì lợi ích của người có công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của người có công việc.
+ Thứ tư, hành vi thực hiện công việc không có uỷ quyền làm phát sinh nghĩa vụ ngoài hợp đồng, vì vậy khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền có lỗi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì người thực hiện công việc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người có công việc. Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người thực hiện công việc không có uỷ quyền có thể được giảm mức bồi thường trong trường hợp gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc mà có lỗi vô ý gây thiệt hại cho chủ cả công việc.
2. Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền
Điều 575 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền như sau:
Điều 575. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền
“1. Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
2. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
3. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.
4. Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
5. Trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.”
– Thứ nhất, người thực hiện công việc không có ủy quyền thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình. Khả năng của chủ thể thực hiện công việc là sức mạnh tiềm ẩn, sẵn có của chủ thể và thêm vào đó là những hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng lựa chọn phương thức tiến hành, làm chủ hành vi khi thực hiện các công việc. Ngoài ra, không thể không tính đến khả năng về sức khỏe và hoàn cảnh thực hiện công việc của chủ thể. Điều kiện của chủ thể thực hiện tức là trong hoàn cảnh và những yếu tố khả năng kết hợp lại có thể thực hiện công việc đó. Phải xem xét trong khả năng, điều kiện sẵn có của mình liệu chủ thể có thể thực hiện công việc mang lại lợi ích cho người có công việc hay không. Người đang thực hiện công việc phải có nghĩa vụ thực hiện trong điều kiện cho phép nhằm đem lại lợi ích cho người có công việc được thực hiện. Để xác định việc thực hiện có đúng với khả năng và điều kiện của mình hay không dựa trên sự xác định về nội dung cũng như quá trình thực hiện công việc.
– Thứ hai, người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
Người đang thực hiện công việc phải coi công việc như công việc của chính mình. Một khi đã thực hiện, chủ thể thực hiện công việc không có ủy quyền có ý chí tận tâm, tận lực thực hiện công việc. Nếu trong trường hợp người đang thực hiện công việc đoán biết được ý định của người có công việc được thực hiện, người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như ý định của người có công việc dù sự đoán biết rất khó xác định. Việc thực hiện công việc của người thực hiện công việc phải phù hợp với ý định của người có công việc. Tức là ý chí của người đang tiến hành công việc có mối liên hệ với sự nhận thức ý định của người có công việc. Nhưng ý định này phải hợp pháp, không trái với đạo đức xã hội và quy định của pháp luật.
– Thứ ba, người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.
Pháp luật đã quy định những trường hợp nhất định như người có công việc được thực hiện không yêu cầu, người có công việc được thực hiện đã biết hoặc người thực hiện công việc không biết nơi cư trú của người có công việc được thực hiện thì thì không phải báo cáo quá trình, thực hiện công việc cho người có công việc. Còn trong các trường hợp khác, thì người thực hiện công việc phải có nghĩa vụ thông báo cho người có công việc được thực hiện. Pháp luật cũng không quy định hình thức thông báo nên người thực hiện công việc không có ủy quyền có thể lựa chọn hình thức thông báo phù hợp.
– Thứ tư, trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
Trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết thì người thực hiện công việc không có ủy quyền vẫn phải tiếp tục đảm nhận thực hiện công việc không có ủy quyền cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận. Lúc này nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền cũng chấm dứt.
Hành vi của người thực hiện công việc sẽ chuyển từ hành vi pháp lý ngoài hợp đồng thành hành vi thực hiện hợp đồng ủy quyền nếu trong trường hợp người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện Trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết thì người thực hiện công việc không có ủy quyền vẫn phải tiếp tục đảm nhận thực hiện công việc không có ủy quyền cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận. Lúc này nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền cũng chấm dứt. Hành vi của người thực hiện công việc sẽ chuyển từ hành vi pháp lý ngoài hợp đồng thành hành vi thực hiện hợp đồng ủy quyền nếu trong trường hợp người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc mà lại ủy quyền cho chính người đang tiến hành công việc tiếp tục thực hiện công việc bằng một hợp đồng ủy quyền.
– Thứ năm, trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.
Do khả năng và điều kiện của người thực hiện công việc không có ủy quyền không phù hợp với sự thực hiện công việc nữa thì người thực hiện công việc phải có nghĩa vụ thông báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người có công việc. Ngoài nghĩa vụ thông báo thì người thực hiện công việc không có ủy quyền có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc. Giữa hai chủ thể hình thành một hợp đồng dân sự và hợp đồng này là hợp đồng chuyển nghĩa vụ. Khi người được nhờ đồng ý và người có công việc được thực hiện không biết hoặc biết mà không phản đối thì hợp đồng chuyển nghĩa vụ được giao kết.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.