Thực hiện công việc không có ủy quyền là gì? Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện

thuc-hien-cong-viec-khong-co-uy-quyen-la-gi-nghia-vu-cua-nguoi-co-cong-viec-duoc-thuc-hien

Thực hiện công việc không có ủy quyền là chế định quan trọng trong pháp luật Dân sự Việt Nam. Việc thực hiện công việc không có uỷ quyền có thể hiểu là hành vi pháp lý đơn phương của một người tự nguyện thực hiện công việc của người khác, hoàn toàn vì lợi ích của người khác thì người thực hiện công việc phải thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình và thực hiện công việc như của chính mình cho đến khi chuyển giao công việc cho chủ của công việc hoặc người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc và được hưởng thù lao khi thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho người có công việc, đồng thời có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ của công việc trong trường hợp có lỗi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại cho chủ của công việc… Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích nội dung về nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện và những vấn đề pháp lý có liên quan đến việc thực hiện công việc không có ủy quyền.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Thực hiện công việc không có ủy quyền là gì?

– Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.

– Thực hiện công việc không có ủy quyền có những đặc điểm riêng của quan hệ nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Cụ thể:

+ Thứ nhất, người tự nguyện thực hiện công việc vì lợi ích của người có công việc trong trường hợp người có công việc không biết hoặc biết mà không phản đối đã làm phát sinh nghĩa vụ của người thực hiện công việc.

+ Thứ hai, quan hệ nghĩa vụ phát sinh từ hành vi thực hiện công việc không có uỷ quyền là quan hệ nghĩa vụ có đặc điểm đền bù. Khoản đền bù là khoản thù lao khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho bên có công việc. Tuy nhiên, nếu người thực hiện công việc không có uỷ quyền có thể từ chối nhận khoản thù lao do chủ của công việc trả.

+ Thứ ba, hành vi của người thực hiện công việc không có uỷ quyền là căn cứ phát sinh nghĩa vụ hoàn lại trong trường hợp người thực hiện công việc không uỷ quyền đã chi phí hợp lý để thực hiện công việc không có uỷ quyền vì lợi ích của người có công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của người có công việc.

+ Thứ tư, hành vi thực hiện công việc không có uỷ quyền làm phát sinh nghĩa vụ ngoài hợp đồng, vì vậy khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền có lỗi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì người thực hiện công việc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người có công việc. Trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

2. Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện

BLDS hiện hành quy định về nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện như sau:

Điều 576. Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện

“1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.”

Người thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ bàn giao công việc trong trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không thể tiếp tục thực hiện công việc hoặc đã hoàn thành công việc. Người có công việc khi đó phải tiếp nhận công việc hoặc có thể người đại diện hoặc người thân thích sẽ phải tiếp nhận công việc giúp cho người có công việc được thực hiện. Trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình, người có công việc được thực hiện vẫn phải tiếp nhận công việc do người thực hiện công việc bàn giao. Vì rõ ràng người thực hiện công việc đã dùng hết khả năng, điều kiện của mình để thực hiện công việc như công việc của chính mình với mục đích đem lại lợi ích cho người có công việc.

Người có công việc được thực hiện phải thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện không có ủy quyền đã bỏ ra kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả như ý muốn của người có công việc. Bởi lẽ rõ ràng người thực hiện công việc không có nghĩa vụ thực hiện nhưng đã cố gắng hết sức mình để thực hiện công việc của người khác, không những là về sức lực mà còn về vật chất nhằm đem lại lợi ích lớn hay nhỏ cho người có công việc được thực hiện. Họ đã thực hiện công việc một cách tốt nhất có thể trong điều kiện khả năng của mình thì người thực hiện công việc không có ủy quyền cần nhận được những gì mà họ đã phải bỏ ra khi thực hiện công việc dù kết quả có ra sao.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho người có công việc được thực hiện trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối. Khi một người tận dụng hết khả năng của mình để thực hiện công việc của người khác. một cách chu đáo, đem lại lợi ích cho người có công việc được thực hiện thì ngoài những chi phí hợp lý thì người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc một khoản thù lao tương ứng với sự nỗ lực của người thực hiện công việc để công việc được thực hiện một cách chu đáo, đem lại lợi ích cho người có công việc. Nếu người thực hiện công việc từ chối nhận khoản thù lao này thì nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện chấm dứt.

3. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

BLHS hiện hành quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như sau:

Điều 577. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

“1. Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.

2. Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.”

Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể Điều luật trên quy định hai mức độ lỗi và đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong quá trình thực hiện công việc, người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện. Người thực hiện công việc không có ủy quyền nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người có công việc được thực hiện mà vẫn thực hiện, dù mong muốn hoặc không mong muốn nhưng đã có thái độ để mặc cho thiệt hại xảy ra. Khi thực hiện hành vi gây thiệt hại, người thực hiện công việc không có ủy quyền có mục đích thiệt hại sẽ xảy ra có thể ở mức độ mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc không mong muốn có thiệt hại nhưng mong muốn thiệt hại xảy ra. Đó là lỗi cố ý phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra trong khi thực hiện công việc không có ủy quyền. 

Tuy nhiên, trong trường hợp do lỗi vô ý mà gây thiệt hại khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc của người đó có thể giảm mức bồi thưởng thiệt hại.

4. Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền

Khi một người tự nguyện thực hiện công việc cho người khác cho dù họ không có nghĩa vụ thì giữa người thực hiện công việc và người có công việc đã có mối quan hệ pháp lý. Tuy nhiên, mối liên hệ không tồn tại vĩnh viễn mà sẽ chấm dứt khi xuất hiện các sự kiện pháp lý do pháp luật quy định. Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 578 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ được chấm dứt.

Điều 578. Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền

Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện.

2. Người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc.

3. Người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 của Bộ luật này.

4. Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.

– Trong quá trình thực hiện công việc không có ủy quyền, nếu thấy không cần thiết hoặc vì một lý do nào đó mà người có công việc được thực hiện không muốn người thực hiện công việc tiếp tục thực hiện công việc thì họ có thể yêu cầu chấm dứt thực hiện công việc. Dù theo ý chí chủ quan của người thực hiện công việc với sự cân nhắc tính toán của bản thân là tự nguyện thực hiện công việc để đem lại lợi ích cho người khác. Nhưng khi người có công việc không muốn người thực hiện công việc tiếp tục công việc nữa thì kể từ thời điểm đó người thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt.

– Một người thực hiện công việc của người khác khi người đó không có điều kiện thực hiện công việc. Nếu sau đó người có công việc đủ điều kiện tiếp nhận công việc hoặc người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc đủ điều kiện để tiếp nhận công việc thì nghĩa vụ của người thực hiện công việc chấm dứt.

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt khi người thực hiện công việc không có ủy quyền vì lý do chính đáng không thể tiếp tục thực hiện công việc được nữa. Lý do chính đáng cũng có thể những sự kiện xảy ra mà làm cho người thực hiện công việc không thể tiếp tục được công việc như: ốm đau, tai nạn bất ngờ…

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết rõ ràng nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền gắn liền với nhân thân. Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền chết thì việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt.

Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện và những vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon