Hòa giải là gì? Có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai hay không?

Hòa giải là một trong những phương pháp được sử dụng khá phổ biến và có những ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp, việc áp dụng biện pháp hòa giải vào giải quyết tranh chấp giúp các bên tranh chấp tiết kiệm được nhiều chi phí khi khởi kiện ra Tòa án và thời gian giải quyết cũng nhanh hơn. Vậy hòa giải là gì, có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai hay không? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

– Luật đất đai năm 2013

1. Hòa giải là gì?

Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ hanh chấp đã phát sinh.

Trên thực tế, biện pháp hòa giải là việc bên thứ ba xuất hiện có vai trò thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách ổn thỏa. Thông thường, việc hoà giải được tiến hành sau khi thương lượng (khiếu nại) giữa các bên đã không đạt được kết quả.

Về bản chất, hòa giải là một biện pháp mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả giúp cho các bên tranh chấp tìm ra một phương pháp thống nhất để tháo gỡ mâu thuẫn, bắt đồng trong quan hệ pháp luật, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và văn hóa của người Việt Nam. Hòa giải có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo cơ sở đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Từ các định nghĩa nêu trên, ta có thể thấy hòa giải có một số đặc điểm cơ bản như sau:

– Thứ nhất, hòa giải là một biện pháp quan trọng được sử dụng với mục đích để giải quyết tranh chấp.

– Thứ hai, hòa giải phải có bên thứ ba làm bên trung gian để giúp cho các bên thỏa thuận với nhau về giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp. Người có vai trò làm trung gian phải có vị trí độc lập với các bên và hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến tranh chấp. Bên thứ ba làm trung gian không đại diện cho quyền lợi của bất cứ bên nào và không có quyền đưa ra phán quyết.

– Thứ ba, hoà giải trước hết phải là sự thoả thuận giữa các bên, thể hiện ý chí và quyền định đoạt của chính các bên tranh chấp. Nói cách khác, chủ thể của quan hệ hoà giải phải chính là các bên tranh chấp. Các thỏa thuận, cam kết từ kết quả của quá trình hòa giải không có giá trị bắt buộc cưỡng chế thi hành mà phụ thuộc vào thiện chí, sự tự nguyện của các bên.

Ý nghĩa của việc hòa giải

Với các đặc điểm và định nghĩa được đưa ra, có thể hiểu hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập, làm trung gian, giúp các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết được những bất đồng và đạt được thỏa thuận phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và tự nguyện thực hiện những thỏa thuận đó.

Việc hoà giải đã góp phần giải quyết kịp thời, từ gốc mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư, từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Không những thế, hòa giải còn góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội. Đặc trưng cơ bản của hòa giải là bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Chính bởi viì vậy, hòa giải là một phương thức để thực hiện dân chủ. Thông qua hòa giải, vai trò tự quản của người dân được tăng cường. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Hòa giải còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và duy trì và phát huy đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

2. Có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai hay không?

Căn cứ Điều 202 Luật đất đai 2013quy định về việc hòa giải tranh chấp đất đai như sau:

– Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

–  Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

– Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Bên cạnh đó, Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hòa giải không thành như sau:

– Hòa giải không thành là trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận.

– Trong trường hợp này, các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 2 điều 10 Nghị định 15/2014/NĐ – CP có quy định trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Điều 23 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 có quy định hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

Do đó, theo quy định hiện hành trong trường hợp các bên tranh chấp về đất đai thì trước hết sẽ phải hòa giải tại UBND cấp xã khi hòa giải không thành tại UBND cấp xã sẽ được hòa giải viên hướng dẫn các bên khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Tòa án nhân dân) để giải quyết vụ việc.

Nói cách khác, việc tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất nếu muốn khởi kiện. Như vậy, tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không hòa giải trước thì Tòa án sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.

3. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

Hiện nay, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được quy định chi tiết tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP), cụ thể:

– Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện việc thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện việc thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải.

+ Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cần lưu ý rằng việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trong trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

– Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung cụ thể sau đây:

+ Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải.

+ Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu.

+ Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai.

+ Những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Đối với biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Uỷ ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Uỷ ban nhân dân cấp xã theo đúng quy định.

– Sau thời hạn mười ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

– Trong trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013.

Cần lưu ý đối với trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thực hiện việc lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

– Bộ Tài chính quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho hòa giải tranh chấp đất đai.

Việc giải quyết tranh chấp góp phần đảm bảo pháp luật đất đai được tuân thủ, phát huy vai trò trong đời sống xã hội. Ý nghĩa của việc hòa giải trong tranh chấp đất đai giúp góp phần gìn giữ quan hệ tình cảm giữa các bên tranh chấp, hạn chế việc đi lại cũng như các thủ tục tố tụng và tiền bạc của các bên đương sự.

Bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về Hòa giải là gì, có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện tranh chấp đất đai hay không. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006568 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon