Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thế khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, các bên có thể thỏa thuận chuyển giao quyền yêu cầu hoặc chuyển giao nghĩa vụ cho bên thứ ba. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích nội dung về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015.
1. Chuyển giao quyền yêu cầu là gì?
Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận giữa bên có quyền với bên thứ ba (bên thế quyền) nhằm chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thứ ba đó. Bên thế quyền là chủ thể mới, có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với mình.
Thực chất, chuyển giao quyền yêu cầu là một hợp đồng bởi việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Ví dụ: Mua bán hoặc tặng cho quyền đòi nợ…
2. Các trường hợp không được phép chuyển giao quyền yêu cầu
Khoản 1 điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu
“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.”
Như vậy, điều luật cho phép bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được phép chuyển giao quyền yêu cầu cho người khác. Chuyển giao quyền yêu cầu là sự thỏa thuận giữa các bên mà theo đó bên có quyền yêu cầu sẽ chuyển giao quyền yêu cầu cho người thứ ba.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích cho các bên đặc biệt là bên yếu thế trong quan hệ dân sự, trong một số trường hợp điều luật quy định về việc không được phép chuyển giao quyền yêu cầu. Đó là quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Đây là quyền tài sản gắn liền với nhân thân của người có quyền. Cụ thể, quyền yêu cầu cấp dưỡng được pháp luật trao cho những người ở trong những điều kiện đặc biệt và thường có mối quan hệ thân thích với người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín… bao gồm cả thiệt hại về vật chất cùng thiệt hại về tinh thần cho cả người bị thiệt hại và thân nhân của người bị thiệt hại. Nêu những quyền này được chuyển giao thì nó không còn ý nghĩa đối với người có quyền nữa. Vì vậy, trong trường hợp này pháp luật không cho phép chuyển giao quyền yêu cầu.
Bên cạnh đó, điều luật cũng quy định về trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu thì các bên cũng không được chuyển giao. Quy định này thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với sự tự do ý chí và sự tự định đoạt của các bên và dự liệu các trường hợp cần thiết khác trong tương lai mà pháp luật cần hạn chế việc chuyển giao quyền yêu cầu.
3 Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm
Điều 368 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 368. Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
“Trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.”
Biện pháp bảo đảm được hiểu là biện pháp do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà theo đó bên bảo đảm dùng tài sản hoặc công việc mình có khả năng thực hiện được để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Biện pháp bảo đảm theo Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản; đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp; cầm giữ tài sản. Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm kèm theo như: chuyển giao quyền đòi nợ trong hợp đồng vay có bảo đảm bằng thế chấp; chuyển giao quyền yêu cầu giao tiền trong hợp đồng mua bán có bảo đảm bằng đặt cọc…
Điều luật có quy định về hậu quả pháp lý của việc chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm kèm theo. Theo quy định tại điều luật thì khi quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đương nhiên được chuyển giao theo mà không cần có sự thỏa thuận của các bên.
Quy định này xuất phát từ bản chất của biện pháp bảo đảm là bảo đảm cho nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ được thực hiện đúng. Hơn nữa, khi chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ không thay đổi và với ai thì người mang nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đó. Chính vì vậy, pháp luật quy định như vậy để đảm bảo sự thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ cũng như bảo đảm được quyền lợi cho bên được chuyển giao quyền yêu cầu mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên phải thực hiện nghĩa vụ.
4. Nghĩa vụ của bên chuyển giao quyền yêu cầu
Theo Điều 366 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền. Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, bên chuyển quyền cũng phải có nghĩa vụ chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền. Giấy tờ có liên quan có thể bao gồm tất cả các loại giây tờ bên chuyển quyền có được từ mối quan hệ với bên có nghĩa vụ như hợp đồng chính, hợp đồng bảo đảm, chứng minh thư, sổ hộ khẩu, hóa đơn, chứng từ…
Đây là một nghĩa vụ pháp lý nói chung và là một nghĩa vụ dân sự nói riêng cho nên nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong những nội dung trên thì bị coi là vi phạm nghĩa vụ dân sự và phải gánh chịu trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự có thể là buộc phải thực hiện nghĩa vụ hoặc bồi thường thiệt hại.
Khi chuyển giao quyền yêu cầu thì bên chuyển quyền đã hoàn toàn chấm dứt quyền của mình đối với bên có nghĩa vụ. Người thế quyền trở thành người có quyền mới và có toàn quyền yêu cầu đối với bên có nghĩa vụ. Chính vì vậy, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ đối với bên thế quyền thì người chuyển giao quyền yêu cầu cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Hay nói cách khác, sau khi thực hiện xong việc chuyển quyền, người chuyển giao quyền yêu cầu không còn liên quan và không có quyền, nghĩa vụ gì trong mối quan hệ với người thể quyền và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì nếu người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền.
5. Chuyển giao nghĩa vụ
Trong quan hệ nghĩa vụ, nếu như bên có quyền có thể chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thứ ba, thì bên có nghĩa vụ cũng có thể chuyển giao nghĩa vụ cho bên thứ ba thực hiện. Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ như sau:
Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ
“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.
Theo đó, có thể hiểu chuyển giao nghĩa vụ là sự thỏa thuận của bên có nghĩa vụ và bên thứ ba trong đó bên có nghĩa vụ sẽ chuyển giao nghĩa vụ đó cho bên thứ ba. Khi nghĩa vụ được chuyển giao thì bên thứ ba được gọi là là bên thế nghĩa vụ. Quan hệ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền chấm dứt, làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ giữa bên thế nghĩa vụ và bên có quyền, bên thế nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền.
– Khi nghĩa vụ được chuyển giao, thì quan hệ nghĩa vụ giữ bên có nghĩa vụ và bên có quyền chấm dứt, làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ giữa bên thế nghĩa vụ và bên có quyền. Chuyển giao nghĩa vụ cần có sự thỏa thuận giữa các bên là bên có nghĩa vụ, bên thế nghĩa vụ và bên có quyền. Khác với chuyển giao quyền yêu cầu, chỉ cần có sự thỏa thuận giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao, mà không cần sự đồng ý của bên có quyền. Thì trong chuyển giao nghĩa vụ cần thiết phải có sự đồng ý của bên có quyền thì việc chuyển giao mới được tiến hành hay không.
Quy định này là phù hợp và cần thiết bởi lẽ, nếu trong chuyển giao quyền yêu cầu bên có nghĩa luôn phải thực hiện cùng một nghĩa vụ như nhau dù người tiếp nhận là ai, thì trong chuyển giao nghĩa vụ bên có quyền còn phải xem xét đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên thế nghĩa vụ. Tức, người nhận chuyển giao nghĩa vụ có thể là người không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của bên có quyền.
Ví dụ: pháp luật quy định những người dưới 18 tuổi không được thực hiện những hành vi nhất định, nhưng nếu bên có nghĩa vụ chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ dưới 18 tuổi, thì đương nhiên nghĩa vụ sẽ không thể thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên có quyền. Bởi trong quan hệ chuyển giao quyền, nghĩa vụ, bên chuyển giao sau khi đã chuyển giao xong thì đồng nghĩa với việc giải phóng mình khỏi quan hệ với bên còn lại. Lúc này, nếu bên thế nghĩa vụ không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền cũng không thể đòi bên chuyển giao nghĩa vụ thực hiện thay. Chính vì vậy, việc chuyển giao nghĩa vụ cần thiết phải có sự đồng ý của bên có quyền.
– Các bên có thể tự do chuyển giao nghĩa vụ cho bên thứ ba, tuy nhiên trừ các trường hợp sau:
+ Nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ. Tương tự với chuyển giao quyền yêu cầu, pháp luật quy định chuyển giao nghĩa vụ không được thực hiện trong trường hợp nghĩa vụ đó có liên quan đến nhân thân của bên có nghĩa vụ.
Nghĩa vụ có liên quan đến nhân thân có thể kể đến như: nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm,…Đây là quyền tài sản gắn liền với nhân thân của người có quyền không thể định giá được. Nghĩa vụ cấp dưỡng là liên quan đến nhân thân của bên có nghĩa vụ, thể hiện tình cảm gia đình, đó là nét đẹp đạo đức tồn tại lâu đời cần được duy trì và phát triển.
Vì vậy, nếu chuyển giao nghĩa vụ cho người khác thì nó không còn đúng với bản chất mà pháp luật hướng đến nữa. Khoản 1 Điều 107 Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này”. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”. Thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín chỉ mang tính chất an ủi, làm dịu đi nỗi đau mất mát về tinh thần, đồng thời để bên có nghĩa vụ nhận ra hành vi sai trái của mình để sửa lỗi. Vì vậy, việc chuyển giao nghĩa vụ cho người khác trong trường hợp này cũng không thể thực hiện.
+ Pháp luật quy định không được chuyển giao. Tùy thuộc và đối tượng, tính chất của quan hệ nghĩa vụ mà pháp luật quy định trong một số trường hợp nghĩa vụ không được phép chuyển giao cho người khác thực hiện thay. Ví dụ: Khoản 2 Điều 517 BLDS năm 2015 quy định: “Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ”.
+ Không có sự đồng ý của bên có quyền. Như đã phân tích ở trên, việc chuyển giao nghĩa vụ được xác lập dựa trên cơ sở sự đồng ý của bên có quyền. Nếu không có sự đồng ý của bên có quyền, thì chuyển giao nghĩa vụ không được thực hiện.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về chuyển giao quyền yêu cầu và chuyển giao nghĩa vụ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.