Thời hiệu là gì? Các loại thời hiệu

thoi-hieu-la-gi-cac-loai-thoi-hieu

Thời hiệu là một sự kiện dẫn đến hậu quả làm phát sinh quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền được bảo vệ quyền dân sự bị vi phạm. Thời hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Vậy pháp luật quy định như thế nào về thời hiệu? Thời hiệu gồm các loại nào? Hãy cũng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

1. Thời hiệu là gì?

Khác với thời hạn, thời hiệu chỉ do pháp luật quy định, các bên không có quyền thỏa thuận như thời hạn. Vì vậy, thời hiệu mang tính bắt buộc. Mọi sự thỏa thuận của các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự nhằm thay đổi thời hiệu hoặc cách tính thời hiệu đều bị xem là vô hiệu và việc áp dụng thời hiệu cũng mang tính bắt buộc với Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết các yêu cầu của người khởi kiện.

Thuê Luật sư khởi kiện dân sự tại Đà Nẵng

Căn cứ theo Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thi phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”.

Thời hiệu là một sự kiện dẫn đến hậu quả làm phát sinh quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền được bảo vệ quyền dân sự bị vi phạm.

Một trong những nội dung đổi mới cơ bản của Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu là quy định:

“Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ” (Theo khoản 2 Điều 149 BLDS 2015).

Theo đó, khi thụ lý vụ việc, Tòa án có trách nhiệm giải thích cho các bên về quyền, nghĩa vụ của mình, bao gồm cả quyền về áp dụng thời hiệu. Nếu ít nhất một bên yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết do đã hết thời hiệu thì Tòa án có trách nhiệm áp dụng quy định về thời hiệu. Trường hợp các bên vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền, lợi ích của mình thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết theo tinh thần bảo vệ tố đa quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

2. Các loại thời hiệu

Căn cứ theo Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 quy định có bốn loại thời hiệu như sau:

2.1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự

Theo khoản 1 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự. Như vậy, thời hiệu hưởng quyền dân sự còn được gọi là thời hiệu xác lập quyền dân sự. Tuy nhiên, không phải bất cứ một quan hệ dân sự nào cũng có thể được xác lập theo thời hiệu. Về cơ bản thời hiệu hưởng quyền dân sự xác định với những trường hợp do luật quy định và thỏa mãn đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, có những trường hợp thời hiệu dân sự không được áp dụng:

+ Chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu toàn dân là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Sở hữu toàn dân có ý nghĩa quan trọng đối với toàn xã hội và có tác dụng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân, vì vậy pháp luật dân sự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu toàn dân vô thời hạn. Người chiếm hữu nó không thể trở thành chủ sở hữu tài sản đã chiếm hữu dù trong bất kể thời gian nào;

+ Việc hưởng quyền nhân thân không gắn với tài sản. Quyền nhân thân về bản chất là gắn liền với một chủ thể, không thể chuyển giao cho chủ thể khác, vì vậy, thời gian không thể làm thay đổi quyền nhân thân của chủ thể và quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn.

2.2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự

Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ theo khoản 2 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015. Trong thời hạn yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, người có quyền có thể khởi kiện nếu nghĩa vụ không được thực hiện sau khi người đó đã trực tiếp yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự không áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với Nhà nước. Điều đó có nghĩa không ai có thể dược miễn trừ việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với Nhà nước, dù nghĩa vụ đó đã được xác lập trong bao lâu. Quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước được bảo vệ không giới hạn về thời gian.

2.3. Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện theo khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015.

Tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

Theo đó, khi thụ lý vụ việc, Tòa án có trách nhiệm giải thích cho các bên về quyền, nghĩa vụ của mình, bao gồm cả quyền về áp dụng thời hiệu. Nếu ít nhất một bên yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết do đã hết thời hiệu thì Tòa án có trách nhiệm áp dụng quy định về thời hiệu. Trường hợp các bên vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền, lợi ích của mình thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định các thời hạn khác nhau của thời hiệu khởi kiện đối với từng loại quan hệ pháp luật dân sự cụ thể. Ví dụ như:

+ Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

+ Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật Dân sự 2015 là 02 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập.

+ Đối với khởi kiện về hợp đồng, Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015) thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

+ Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

+ Đối với giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội (Điều 123 BLDS 2015) và giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124 BLDS 2015) thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

2.4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong quan hệ dân sự, người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền. Người có quyền có thể yêu cầu Toà án buộc người có nghĩa vụ thực hiện đúng nghĩa vụ của họ thông qua việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Quyền yêu cầu Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình chỉ được thực hiện trong một thời hạn xác định khi các quyền này bị xâm phạm, hạn đó mà chủ thể không thực hiện quyền khởi kiện thì bị mất quyền khởi kiện.

3. Trường hợp không áp dụng thời hiệu

Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

+ Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;

+ Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu;

+ Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 :

+ Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

  • Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
  • Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

+ Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

  • Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
  • Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Trên đây là nội dung chi tiết về quy định của pháp luật về thời hiệu và các loại thời hiệu. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon