BLTTDS năm 2015 bổ sung nguyên tắc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng và quy định về thẩm quyền dân sự của Tòa án. Theo Hiến pháp năm 2013 thì các quyền con người, quyền công dân về dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật cho nên mọi tranh chấp, khiếu kiện, mọi yêu cầu của cơ quan , tổ chức, cá nhân về dân sự nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác (theo quy định của pháp luật) thì Tòa án phải có trách nhiệm giải quyết, không được từ chối.
1. Xác định thẩm quyền đối với yêu cầu kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Điều 14 BLDS năm 2015 đã quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây chính giải pháp tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. “Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo Tòa án phải thực sự là chỗ dựa của Nhân dân trong việc giải quyết các vụ án dân sự đồng thời cũng thống nhất, đồng bộ với BLDS năm 2015” . Để cụ thể hóa với Hiến pháp, đồng bộ với BLDS năm 2015, khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015 bổ sung nguyên tắc “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”..
Trên cơ sở nguyên tắc được bổ sung tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS, các quy định về thẩm quyền dân sự của Tòa án cũng có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trong đó có hai điểm mới căn bản:
(i) Sửa đổi, bổ sung một số loại việc cho phù hợp với pháp luật nội dung như : BLDS năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Thi hành án dân sự năm 2014…
(ii) Thể chế nguyên tắc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng cho nên ở các điều khoản quét của các điều, từ Điều 26 đến Điều 33, BLTTDS năm 2015 quy định: Các tranh chấp, yêu cầu dân sự nếu chưa được liệt kê cụ thể từ điều 26 đến điều 33 BLTTDS năm 2015 và pháp luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác thì Tòa án phải thụ lý để giải quyết theo thủ tục TTDS.
Để tránh việc giải quyết tràn lan, không phải mọi khởi kiện, mọi yêu cầu nào của cơ quan, tổ chức, cá nhân Tòa án cũng thụ lý giải quyết, BLTTDS năm 2015 đã giới hạn vụ việc chưa có điều luật để áp dụng mà Tòa án phải thụ lý giải quyết là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc đó phát sinh pháp luật không quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác.
Tuy nhiên, cho đến nay, TANDTC chưa có thống kê về số vụ việc thuộc các trường hợp này mà Tòa án đã thụ lý, giải quyết. Hiện nay, thực tiễn giải quyết các vụ việc thuộc trường hợp này còn có quan điểm khác nhau giữa các Tòa án. Chẳng hạn, vụ tranh chấp kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do TAND thành phố BT tỉnh ĐK và TAND tỉnh ĐK giải quyết có các quan điểm khác nhau.
Nội dung vụ việc như sau[1]: Ngày 08/5/2015 TAND thành phố BT tỉnh ĐK xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn K, bà Nguyễn Thị H với ông Phan Thành L, bà Huỳnh Thị M do Văn phòng công chứng ĐA công chứng. Ngày 20/4/2012, bà Nguyễn Thị H cùng bà Huỳnh Thị M đến Văn phòng công chứng ĐA để ký công chứng vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh ĐK, bên thế chấp là ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị H, bên vay là ông Phan Thành L và bà Huỳnh Thị M với lý do bà M đã giả mạo chữ ký của ông K. TAND thành phố BT tỉnh ĐK đã chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố hợp đồng thế chấp trên là vô hiệu. Song Tòa án lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu là giải quyết việc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh ĐK đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn.
Ngày 27/7/2017, ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị H khởi kiện Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh ĐK yêu cầu Ngân hàng trả lại ông bà giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Ngân hàng đang giữ.
TAND thành phố BT tỉnh ĐK xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản đang tranh chấp (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Ngân hàng trả lại cho nguyên đơn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 10/8/2017, Ngân hàng kháng cáo toàn bộ bản án trên. Tại bản án phúc thẩm số 47/2018, ngày 12/3/2018, TAND tỉnh ĐK đã nhận định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được coi là tài sản hay quyền tài sản, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nó chỉ là chứng thư pháp lý thể hiện quyền sử dụng đất. Do đó, đương sự không có quyền khởi kiện tại Tòa án” và áp dụng Công văn số 141/TANDTC –KHXX ngày 21/9/2011 để chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng và hủy bản án sơ thẩm số 60/2017/DS-ST ngày 27/7/2017 của TAND thành phố BT tỉnh ĐK.
Theo chúng tôi, Công văn số 141/TANDTC – KHXX ngày 21/9/2011 được ban hành trong bối cảnh khoản 12 Điều 25 BLTTDS năm 2004 quy định các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Có thể thấy, tranh chấp kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tranh chấp dân sự và cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định dạng tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức nào. Do đó, áp dụng khoản 14 Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Mặc dù, Công văn số 141/TANDTC – KHXX ngày 21/9/2011 không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, song lại có ý nghĩa quan trọng đối với các tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự. Theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 (có hiệu lực vào ngày 1/1/2021) thì khi văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Như vậy, với quy định này, dẫn đến cách hiểu là các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ vẫn có hiệu lực áp dụng cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế.
Theo Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 thì văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.
Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó; trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.[2] Do đó, theo tôi, để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 thì TANDTC cần ra văn bản hủy bỏ Công văn 141 nêu trên.
2. Thẩm quyền đối với tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất
Khi giải quyết vụ án dân sự, trước hết tòa án phải xác định tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo loại việc hay không, sau đó sẽ xác định tranh chấp đó thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh hay TAND cấp huyện và cuối cùng là xác định tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cụ thể nào (Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ). Theo điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2011 thì “toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản”.
Trên cơ sở Điều 35 BLTTDS năm 2011, khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS năm 2011 hướng dẫn: “Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản,… mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS”.
Quy định và hướng dẫn trên dựa trên cơ sở cho rằng, bản chất của tranh chấp về thừa kế bất động sản là tranh chấp thừa kế chứ không phải tranh chấp bất động sản. Tuy nhiên, khi áp dụng các quy định trên đã gặp phải vướng mắc trên thực tế, bởi tòa án có điều kiện tốt nhất khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến bất động sản phải là tòa án nơi có bất động sản.
Do đó, điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2011 và quy định theo hướng: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.” Ngày 13/9/2019 TANDTC có ban hành Công văn số 212/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, có hướng dẫn về trường hợp vụ án tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản tranh chấp khác nhau.
Điểm 7 Phần III của Công văn nêu rõ: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của BLTTDS thì tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS thì: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”. Trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên căn cứ các quy định nêu trên thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết”.
Như vậy, cho đến nay chưa có hướng dẫn nào khác hướng dẫn của khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP về thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.
Theo tác giả, về nguyên tắc, khi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2011 đã được BLTTDS năm 2015 sửa đổi thì nội dung hướng dẫn tại khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP đương nhiên không còn giá trị hướng dẫn áp dụng. Tuy nhiên, cũng theo lập luận ở trên, do chưa có văn bản nào của HĐTPTATC hủy bỏ hiệu lực của khoản 4 Điều 8 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP nên trên thực tế hiện nay, nhiều tòa án vẫn áp dụng quy định này để xác định thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về thừa kế bất động sản là quyền sử dụng đất là không hợp lý.
Chẳng hạn, vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất[3]. Trong vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản này nguyên đơn là ông Nguyễn Văn D địa chỉ: S24, đường C, phường T, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; bị đơn là bà Nguyễn Thị Thu H, địa chỉ: Tổ H2, phường T, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Phần nhận định của bản án đã nhận định về vấn đề xác định thẩm quyền theo lãnh thổ trong trường hợp này như sau:
“Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và yêu cầu của các đương sự Hội đồng xét xử xác định thẩm quyền và quan hệ pháp luật là: “Tranh chấp về thừa kế tài sản” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân thành phố Bắc Giang được quy định tại khoản 5 Điều 26; khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS”.
[1] Bản án phúc thẩm số 47/2018/DS-PT ngày 12/3/2018 về Tranh chấp kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của TAND tỉnh ĐK.
[2] Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.
[3] Bản án 34/2017/DS-ST ngày 11/09/2017 về tranh chấp thừa kế tài sản của TAND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.