Xác minh tài sản là quyền sử dụng đất trước khi kê biên và kiến nghị

xác-minh-tai-san-la-quyen-su-dung-dat-truoc-khi-ke-bien-va-kien-nghi

Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của người phải THADS là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự (THADS) được pháp luật THADS quy định và được áp dụng phổ biến trên thực tế. Khi kê tài sản là quyền sử dụng đất của người phải THADS bên cạnh việc áp dụng pháp luật THADS, chấp hành viên còn áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là pháp luật đất đai. Bài viết, phân tích, đánh giá một số hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn xác minh tài sản là quyền sử dụng đất của người phải THADS và đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực hiện pháp luật về vấn đề này.

Căn cứ pháp lý:

– Luật thi hành án dân sự năm 2014;

– Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ;

1. Khái quát về kê biên quyền sử dụng đất

Trong THADS, khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành sẽ buộc các đương sự và các chủ thể có liên quan nghiêm chỉnh và triệt để thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp, sau khi hết thời hạn tự nguyện THADS do chấp hành viên ấn định nhưng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án mặc dù có điều kiện thi hành án nên chấp hành viên phải áp dụng một hoặc một số các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế THADS.

Trong số các biện pháp cưỡng chế THADS thì biện pháp kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất là biện pháp phổ biến được áp dụng. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế, được chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, có tài sản để thực hiện nghĩa vụ đó nhưng lại không tự nguyện thực hiện.

Các quy định pháp luật THADS về kê biên, xử lý tài sản là cơ sở pháp lý để thực hiện biện pháp này, nhằm tránh việc người phải thi hành án chống đối, cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoặc người phải thi hành án tẩu tán tài sản, không chịu thi hành án; bảo đảm việc thi hành bản án và các quyết định của Tòa án được diễn ra được thuận lợi, đúng pháp luật.

Hiện nay, việc kê biên, xử lý tài sản nói chung và kê kiên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất nói riêng được quy định bởi Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (gọi tắt là Luật THADS năm 2014). Trong đó tài sản bị kê biên, xử lý là quyền sử dụng đất có thể là tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án nhưng cũng có thể là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, có thể là tài sản thuộc biện pháp thế chấp bảo đảm cho khoản tiền vay theo hợp đồng tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, việc kê biên, xử lý tài sản để thi hành bản án, quyết định của tòa án còn được hướng dẫn trong một số văn bản như: Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS năm 2014; Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong thi hành án;…

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định về kê biên tài sản là quyền sử dụng đất vẫn tồn tại những vướng mắc, bất cập nhất định. Bài viết phân tích, đánh giá một số hạn chế, vướng mắc về vấn đề này.

2. Thực trạng xác minh tài sản là quyền sử dụng đất trước khi kê biên và kiến nghị

Để thực hiện việc kê biên tài sản, trước đó chấp hành viên phải thực hiện việc xác minh tài sản của người phải THADS. Kết quả xác minh, nếu người phải THADS có tài sản thuộc diện được kê biên thì chấp hành viên sẽ tiến hành việc kê biên tài sản của người phải THADS.

Việc xác minh điều kiện thi hành án được quy định tại Điều 44 Luật THADS năm 2014, Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 và Điều 3 Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục THADSv à phối hợp liên ngành trong THADS.

Theo các quy định này, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức THADS trong việc xác minh điều kiện THADS.[1]

Kết quả xác minh là căn cứ để xác định người phải thi hành án có điều kiện hay chưa có điều kiện thi hành án. Là cơ sở để chấp hành viên tiến hành việc kê biên tài sản hoặc trong trường hợp người phải THADS không có tài sản thì chấp hành viên sẽ tham mưu cho thủ trưởng cơ quan THADS ra các quyết định ủy thác, đình chỉ, hoãn thi hành án, quyết định xác định việc chưa có điều kiện thi hành án.

Xác minh chính xác điều kiện thi hành án của người phải THADS là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác thi hành án, đảm bảo được sự công bằng, khách quan. Xác minh xác minh tài sản trong thi hành án là trách nhiệm của chấp hành viên.

Ngoài ra, người được thi hành án cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án cho cơ quan THADS. Căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 44a Luật THADS. Qua nghiên cứu các quy định về xác minh quyền sử dụng đất của người phải THADS, tác giả nhận thấy có một số các hạn chế, bất cập sau:

– Luật THADS năm 2014 chỉ có các quy định chung về xác minh điều kiện THADS, trong đó có đề cập đến các bước thực hiện khi xác minh điều kiện THADS.[2] Trong khi đó, quyền sử dụng đất là loại tài sản đặc biệt, liên quan đến thủ tục đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai, là loại có giá trị lớn thường được các cơ quan THADS lựa chọn kê biên trong THADS nhưng lại không có bất kỳ quy định riêng nào về thủ tục xác minh liên quan đến loại tài sản này. Do đó, pháp luật THADS cần bổ sung các quy định về xác minh tài sản là quyền sử dụng đất.

– Trong một số trường hợp, công tác phối hợp giữa toà án nhân dân và cơ quan THADS vẫn còn những hạn chế nhất đinh, toà án nhân dân không giải thích hoặc chậm giải thích theo yêu cầu của cơ quan THADS khi việc đo đạc, xác định ranh giới, diện tích đất trên thực tế và diện tích đất theo bản án tuyên có sự chênh lệch, chồng lấn với diện tích đất của người thứ ba (như việc xác minh tài tài của người phải THADS tại Vũng Tàu trong vụ án Epco – MP) hoặc thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất được tuyên trong bản án, quyết định của toà án và thông tin ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khác nhau.

Ví dụ: Theo Bản án số 06/2012/KDTM-ST ngày 21/3/2012 của TAND thành phố HP và Bản án số 196/2012/KDTM_PT ngày 17/12/2012 của Toà phúc thẩm tại Hà Nội thì tài sản thế chấp bảo đảm thi hành án là quyền sử dụng đất và nhà xưởng xây dựng trên diện tích 192m2 tại thôn HM, xã MĐ, huyện TN, thành phố HP mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 143/QSDĐ/HP_TN-MĐ do UBND huyện TN, thành phố HP cấp ngày 16/8/1999 cho chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Văn T. Tuy nhiên, trên thực tế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 143/QSDĐ/HP_TN-MĐ mang tên hộ gia đình ông Nguyễn Văn T. Sau khi kê biên tài sản, cơ quan THADS đã có văn bản đề nghị toà án xem xét, giải thích nhưng toà án chậm giải thích.[3]

– Một trong các chủ thể có vai trò quan trọng trong xác minh quyền sử dụng đất của người phải THADS là cơ quan quản lý đất đai. Theo điểm b khoản 6 Điều 44 và khoản 7 Điều 44 Luật THADS thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên.

Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp các cơ quan quản lý  đất đai không cung cấp hoặc không kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan THADS, dẫn đến việc THADS bị chậm, kéo dài. Trong khi đó, theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, một trong những tồn tại, hạn chế của công tác THADS là: “Hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan có liên quan trong một số trường hợp chưa cao; có lúc, có việc còn chậm, chưa tích cực, nhất là trong các khâu xác minh tài sản thi hành án, đo vẽ, xác định hiện trạng ranh giới tài sản, đất đai…”[4]

Chẳng hạn: Vụ việc thi hành Bản án số 72/2017/KDTM-PT ngày 17/8/2017 của TAND thành phố H xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh, thương mại số 05/2014/KDTM-ST ngày 15/5/2014 của TAND quận T, thành phố H với nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam và bị đơn là Công ty TNHH V có nội dung:

Công ty THHH V phải trả cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam số tiền cả gốc và lãi tính đến ngày 15/5/2014 là 53.428.639.166 đồng. Trong trường hợp Công ty TNHH V không trả nợ đủ hoặc trả không đủ khoản nợ thì Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, bao gồm: quyền sử dụng đất tại thửa đất số 18, tờ bản đồ số 21, diện tích 749m2 tại phường T, quận M, thành phố H đã được cấp giấy chứng nhận số CQ00502 ngày 23/9/2010 do UBND quận M thành phố H cấp mang tên Phí Hồng S theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của người thứ ba, số công chứng 150-2011/HĐTC -TCB ngày 11/01//2011 tại Văn phòng Công chứng T, thành phố H”.

Tuy nhiên, khi xác minh THADS, cơ quan THADS xác định diện tích đất tại thửa đất số 18, tờ bản đồ số 21 có diện tích 789m2, chênh so với diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 40 m2 nên Chi cục THADS quận M đã có văn bản gửi UBND phường T, quận M, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố H chi nhánh quận M để nghị cung cấp mốc giới diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cho đến nay cơ quan THADS không nhận được văn bản trả lời của các cơ quan nói trên.

Sau hơn 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cho đến nay cơ quan THADS vẫn chưa thể tiến hành kê biên tài sản vì chưa xác định được cụ thể ranh giới thửa đất.[5] Với xu thế hiện nay, cơ quan nhà nước sẽ quản lý xã hội bằng công nghệ nên các thông tin về tài sản, chủ sở hữu tài sản, trong đó có quyền sử dụng đất… sẽ ngày càng được công khai, minh bạch; dữ liệu lưu trữ thông tin trên toàn quốc. Do đó, chính sách về xác minh điều kiện THADS cần được xác định cho phù hợp.[6]

[1] Chính phủ, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS năm 2014.

[2] Điều 44 Luật THADS năm 2014.

[3] VKSNDTC, Tài liệu Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát THADS, hành chính năm 2017, Nghệ An, tháng 7/2017, tr 16-17.

[4] Bộ Tư Pháp, Báo cáo số 262/BC – BTP Tổng kết THADS, theo dõi thi hành án hành chính năm 2020 và phương hướng, nhiện vụ, giải pháp năm 2021, ngày 11/12/2020; tr 17.

[5] Bùi Nguyễn Phương Lê (2022), Luận án tiến sĩ luật học: Thi hành án đối với quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện hành, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr 97-98.

[6][6] Tổng cục THADS, Hội thảo những định hướng chính sách lớn phục vụ sửa đổi Luật THADS, Hà Nội ngày 30/11/2020; tr 9.

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon