Pháp luật dân sự hiện hành đã quy định về chế định đại diện, trong đó có quy định về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Trong nền kinh tế thị trường, ngày càng nhiều pháp nhân là doanh nghiệp tham gia vào các giao dịch kinh doanh, thương mại. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có quyền nhân danh doanh nghiệp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự – thương mại, đồng thời quản lý, tổ chức, hoạt động và điều hành kinh doanh vì lợi ích của doanh nghiệp đó. Bài viết dưới đây sẽ đi vào phân tích về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của họ đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015;
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Khoản 1 điều 134 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Đồng thời, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân như sau:
Điều 137. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân
“1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.”
Như vậy, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH một thành viên:
+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu, nếu như Điều lệ công ty không quy định khác thì Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu, trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
– Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH hai thành viên trở lên: Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
– Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.
– Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần:
+ Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.
+ Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân.
2. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Điều 13. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.”
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Không chỉ riêng người đại diện theo pháp luật, các thành viên khác đảm nhiệm các chức vụ quản lý cũng như nhân viên làm việc cho doanh nghiệp đều phải đề cao tính trung thực, làm việc cẩn thận và có hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Khi nhắc đến tính trung thực là nhắc đến một trong những tiêu chuẩn đạo đức của người kinh doanh, một yếu tố góp phần làm nên thành công và các mối quan hệ bền vững.
– Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
Vấn đề được đề cập nhiều cũng như được bàn luận nhiều nhất là bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh được định nghĩa tại khoản 23, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Thêm vào đó, những dữ liệu này có khả năng được áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ được hoặc không sử dụng thông tin đó.
Giá trị kinh tế mà thông tin đem lại xuất phát từ yếu tố bí mật, không phổ biển của nó. Một khi thông tin được tiết lộ, ai cũng biết, giá trị thương mại của thông tin và lợi thế cạnh tranh nó đem lại cho chủ sở hữu sẽ không còn. Cuối cùng, những thông tin này phải được bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được, đòi hỏi chủ sở hữu hay người nắm giữ bí mật kinh doanh hợp pháp phải bảo mật thông tin bằng các biện pháp cần thiết, nhằm ngăn cản các đối tượng quan tâm tiếp cận, tìm hiểu, thu thập và phổ biến thông tin.
Với vai trò là người đại diện theo pháp luật, việc tiếp cận được bí mật kinh doanh của doanh nghiệp không phải là điều khó khăn. Thậm chí, với cương vị lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật có cơ hội và khả năng tiếp cận liên tục bí mật kinh doanh. Do đó, việc đặt ra yêu cầu bảo vệ thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp đối với người đại diện theo pháp luật là điều hoàn toàn hợp lý.
Bên cạnh đó, người đại diện theo pháp luật giữ một chức vụ và địa vị cao trong quản lý doanh nghiệp như Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc. Ở vị trí này, họ cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn tài chính, tài sản của doanh nghiệp. Do đó, nguy cơ tham ô tài sản của doanh nghiệp cũng có thể xảy ra. Do đó, việc quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có trách nhiệm trung thành với công ty, không được lạm dụng địa vị của mình để trục lợi là hoàn toàn phù hợp, hạn chế những hệ lụy do tình trạng tham nhũng gây ra, ảnh hưởng đến nội bộ công ty cũng như có thể gây lũng đoạn thị trường.
– Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
Luật Doanh nghiệp hiện hành không hạn chế việc một người làm đại diện theo pháp luật cho nhiều doanh nghiệp, không cấm họ tham gia quản lý hoặc góp vốn vào các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, để đảm bảo cho cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh và nguồn vốn an toàn cũng như sự cạnh tranh lành mạnh, với quy định rằng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp là nhằm hạn chế việc thao túng tài chính, trục lợi cá nhân hay chỉ phối nguồn vốn, quyền lực của người đại diện theo pháp luật.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm theo luật định.
Có thể thấy rằng, khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các yêu cầu trên đây thì bản thân họ chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do những vi phạm đó gây ra. Thông thường, trách nhiệm này là trách nhiệm dân sự.
Nếu trách nhiệm này được quy định rõ ràng trong điều lệ doanh nghiệp hoặc hợp đồng lao động, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tính hợp hợp pháp của những điều khoản, nội dung quy định đó để đòi bồi thường thiệt hại và người đại diện theo pháp luật tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhờ, thuyên chuyển công tác hoặc thậm chí sẽ bị khai trừ, buộc thôi việc, sa thải khỏi doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì doanh nghiệp phải chứng minh được lỗi và hành vi trái pháp luật của người đại diện theo pháp luật, định mức được giá trị thiệt hại xảy ra trên thực tế và chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra.
Như vậy, bài viết trên đây đã làm rõ nội dung về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích. Trường hợp có thắc mắc bạn có thể liên hệ tổng đài 19006586 để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.