Hiện nay, nhiều tổ chức đã được thành lập và hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều kiện tiên quyết để một tổ chức được tham gia hoạt động trong những lĩnh vực mà họ mong muốn thì trước hết tổ chức đó phải được xem là một pháp nhân. Pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về điều kiện được xem là có tư cách pháp nhân cũng như những quyền và nghĩa vụ của pháp nhân đó trong quá trình hoạt động, bao gồm cả quyền chuyển đổi hình thức và giải thể pháp nhân. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những quy định liên quan đến vấn đề chuyển đổi hình thức và giải thể của pháp nhân.
Căn cứ pháp lý:
– Bộ Luật dân sự 2015;
1. Pháp nhân, tư cách pháp nhân là gì?
Pháp nhân là một tổ chức được thành lập và tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội,…theo quy định của pháp luật với mục đích hoạt động hợp pháp.
Pháp luật quy định cụ thể về những điều kiện của tư cách pháp nhân để các tổ chức nắm rõ và tuân thủ đầy đủ. Theo quy định tại điều 74 Bộ luật dân sự 2015 một tổ chức có tư cách pháp nhân khi đảm bảo đủ các điều kiện dưới đây:
Thứ nhất, được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
Một tổ chức được xem là pháp nhân kể từ ngày có giấy chứng nhận thành lập, điểm này quy định nhằm nhấn mạnh pháp nhân không phải là một cá nhân cụ thể mà phải là một tổ chức.
Ví dụ: Trường học, bệnh viện, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và một số tổ chức khác. Ngoại lệ: Doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức từ thiện không có tài sản riêng biệt, các tổ chức thành lập nhằm mục đích bất hợp pháp như phản động, chống chính quyền, chống hòa bình,…
Thứ hai, có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
Một pháp nhân phải có cơ quan điều hành, những quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan điều hành đó phải được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân của cơ quan ban hành quyết định thành lập pháp nhân.
Ví dụ: Cơ cấu tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bao gồm: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Ngoài ra, công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
Pháp nhân không phải chịu bất kì sự ràng buộc nào trong việc được ra các quyết định liên quan đến hoạt động, tổ chức, quản lí của pháp nhân đó trong phạm vi đã quy định. Ngoài ra, có thể hiểu giữa pháp nhân và cá nhân hoặc giữa các phòng, ban, ngành… trong một tổ chức hoàn toàn tách bạch, riêng biệt với nhau về tài sản và mỗi pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Mỗi pháp nhân đều có tài sản độc lập, nhất định thuộc sở hữu của pháp nhân đó, để sử dụng trong giao dịch và chịu trách nhiệm liên quan.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Mai do ông Nguyễn Văn A làm tổng giám đốc, chuyên sản xuất các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh kẹo tết. Khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán đã quy định trong hợp đồng với bên công ty cung cấp nguyên vật liệu thì công ty trách nhiệm hữu hạn phải dùng tài sản của công ty để thành toán cho công ty cung cấp nguyên vật liệu, không được dùng tài sản của cá nhân ông Nguyễn Văn A để thanh toán.
Thứ tư, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Nghĩa là, trong các quan hệ pháp luật, người đại diện pháp nhân (là một cá nhân) có quyền thực hiện mọi giao dịch dân sự phát sinh trong quá trình hoạt động, tổ chức, quản lí của pháp nhân. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, pháp nhân tham gia với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước tòa án, và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Công ty Cổ phần C được thành lập vào năm 2008, người đại diện công ty là bà Trần Thị B, thì khi tham gia các giao dịch dân sự thì công ty Cổ phần C thông qua người đại diện là bà B để thực hiện giao dịch đó. Còn trong các trường hợp tham gia tranh chấp công ty Cổ phần C tham gia với tư cách như quy định trên.
Như vậy, pháp nhân phải là một tổ chức được thành lập bởi con người, được Nhà nước quy định tư cách pháp nhân và các vấn đề khác. Tuy nhiên, chỉ có những pháp nhân được thành lập theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật thì mới được xem là có tư cách pháp nhân.
2. Chuyển đổi hình thức của pháp nhân
Trong quá trình hoạt động, phát triển thì các pháp nhân không tránh khỏi các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi hình thức pháp nhân. Bởi nhiều lý do khác nhau chẳng hạn như lĩnh vực hoạt động của công ty không còn đạt được hiệu quả cao, thay đổi của nền kinh tế thế giới, cần phát triển thêm nhiều lĩnh vực khác đang nổi bật, theo điều lệ của pháp nhân đó hoặc theo quyết định của Nhà nước. Vì vậy, pháp luật cũng đã quy định những trường hợp cũng như quyền và nghĩa vụ của pháp nhân khi thực hiện việc chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân, cụ thể như sau:
Đầu tiên, cũng tại Bộ Luật dân sự 2015, điều 92 quy định pháp nhân được quyền chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác. Đồng thời, kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập thì pháp nhân được chuyển đổi đó phải chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi sẽ do pháp nhân chuyển đổi kế thừa. Đây được xem là hậu quả pháp lý của việc chuyển đổi pháp nhân.
Ví dụ: Công ty TNHH ABC được thành lập từ năm 2006 chuyên kinh doanh, sản xuất mặt hàng sắt thép cao cấp. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm 2018 do một số thay đổi về quy mô, cũng như định hướng phát triển lâu bền của công ty thì công ty ABC đã chuyển đổi hình thức thành công ty cổ phần nội thất Miền Trung và hoạt động cho đến nay.
3. Giải thể pháp nhân
Khác với chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân là việc pháp nhân không còn hoặc không đủ điều kiện để tồn tại như một pháp nhân trong các quan hệ pháp luật, có thể vì lí do đã đạt được mục đích đề ra hoặc vi phạm các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tại điều 93 Bộ Luật dân sự 2015 quy định cụ thể các trường hợp giải thể của pháp nhân như sau:
Thứ nhất, theo quy định của điều lệ;
Khi thành lập pháp nhân, mỗi pháp nhân đều có điều lệ riêng của pháp nhân đó, trong đó quy định về những thỏa thuận, ràng buộc chung của những thành viên trong quá trình thành lập, quản lý, hoạt động pháp nhân. Nếu điều lệ của pháp nhân quy định về những trường hợp pháp nhân đó phải giải thể (đã đạt được mục đích các bên đề ra) thì pháp nhân phải dựa vào những quy định đó để tiến hành giải thể và thực hiện những thủ tục cần thiết để giải thể pháp nhân.
Thứ hai, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trong trường hợp, pháp nhân vi phạm nghĩa vụ, vi phạm pháp luật, căn cứ theo quy định trong quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề cập đến việc pháp nhân phải giải thể thì trong thời hạn quy định thì pháp nhân đó phải thực hiện việc giải của mình.
Thứ ba, hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Thời hạn hoạt động là thời hạn mà pháp nhân được phép hoạt động, tổ chức và quản lí theo quy định của pháp luật. Thời hạn hoạt động này được quy định trong điều lệ của mỗi pháp nhân hoặc được quy định trong quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ tư, trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, một số trường hợp khác bắt buộc pháp nhân phải giải thể chẳng hạn pháp nhân là doanh nghiệp thì nếu doanh nghiệp đó không còn đủ số lượng tối thiểu trong thời gian liên tục 06 tháng mà không có thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp, bị thu hồi giấy phép kinh doanh,… thì pháp nhân đó phải giải thể theo yêu cầu của pháp luật.
Việc giải thể pháp nhân dẫn đến các hậu quả pháp lý về tài sản cho nên tại khoản 2 điều 93 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản.”
Tức là, trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện các nghĩa vụ của mình liên quan đến khoản nợ còn tồn tại và các hợp đồng của pháp nhân đó với các tổ chức khác thì pháp nhân phải tiến hành thanh toán các khoản nợ đó và thực hiện các nghĩa vụ chưa hoàn thành trong hợp đồng đã giao kết trước đó; chuyển giao việc thanh toán và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nói trên trong chủ thể khác theo thỏa thuận các bên.
Như vậy, liên quan đến việc giải thể pháp nhân, pháp luật quy định cụ thể các trường hợp phải giải thể và các trường hợp pháp nhân muốn giải thể (bắt buộc và tự nguyện). Lưu ý, khái niệm, quy định của giải thể pháp nhân và phá sản là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau. Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu cần lưu ý để tránh nhầm lẫn. Những quy định về phá sản được đề cập trong điều 95 của Bộ Luật dân sự 2015 và Luật phá sản 2014.
Tóm lại, một tổ chức có tư cách pháp nhân trong quá trình hoạt động, tổ chức nếu muốn chuyển hình thức pháp nhân hoặc giải thể pháp nhân thì phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật này và các luật khác có liên quan. Pháp luật đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của việc chuyển đổi hình thức pháp nhân và các trường hợp pháp nhân phải giải thể nhằm giúp các pháp nhân nắm rõ những quy định trong quá trình tổ chức và hoạt động. Ngoài ra việc quy định chuyển đổi hình thức giúp pháp nhân tránh được rủi ro khác nhau, còn giải thể giúp đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức là con nợ; người lao động vác các pháp nhân khác có liên quan.
Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006586 để được tư vấn hỗ trợ.