Đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân

dang-ky-thanh-lap-doanh-nghiep-tu-nhan

Doanh nhiệp tư nhân ở Việt Nam dù ra đời muộn hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác nhưng được đánh giá là một trong các hình thức doanh nghiệp năng động và linh hoạt nhất trong tổng thể bức tranh kinh tế và có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường Việt Nam ngày càng phát triển, để doanh nghiệp tư nhân được ra đời và đi vào hoạt động trong thực tiễn đòi hỏi phải có một khung pháp lý hoàn chỉnh về quy trình, điều hiện và hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân. Sau đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc các quy định và trình tự thủ tục để đăng ký thành lập loại hình doanh nghiệp này.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020

1. Khái niệm doanh nghiệp tư nhân

Kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng lần đầu được ghi nhận và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác tại Luật Công ti và Luật Doanh nghiệp tư nhân do Quốc hội thông qua ngày 21/12/1990, đánh dấu sự đổi mới với chủ trương kinh tế chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, sự tồn tại về mặt pháp lí của doanh nghiệp tư nhân được ghi nhận tại Luật doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển, căn cứ Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tư nhân được hiểu như sau:

Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp nên có chung một số những đặc điểm với các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể, Doanh nghiệp tư nhân là tổ chức có tên riêng được nhà nước thừa nhận thông qua việc nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; mục đích của doanh nghiệp tư nhân là thường xuyên, liên tục thực hiên hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuân. Bên cạnh những dấu hiệu chung của một doanh nghiệp kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân còn có những dấu hiệu (đặc điểm) nhận diện riêng:

Thứ nhất, Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu. Đặc điểm này là đặc điểm khác biệt giúp phân biệt DNTN với những loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhiều chủ như công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Với tính chất là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ nên toàn bộ vốn để thành lập DNTN chỉ do một cá nhân là chủ sở hữu doanh nghiệp đầu tư. Chủ DNTN phải đăng kí số vốn đầu tư và phải ghi chép đầy đủ toàn bộ vốn, tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Thứ hai, DNTN không có tư cách pháp nhân. Khoản 1 điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện một tổ chức được công nhận là pháp nhân như sau:

Điều 74. Pháp nhân

1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Như đã phân tích ở đặc điểm thứ nhất, DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân đầu tư vốn và làm chủ. Chủ DNTN có quyền đầu tư tài sản của mình vào doanh nghiệp cho nên DNTN không có tài sản độc lập. Vì vây, DNTN không đủ điều kiện được công nhận là pháp nhân.

Thứ ba, chủ DNTN chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. DNTN không có tư cách pháp nhân, không có tàn sản riêng nên trách nhiệm tài sản đối với đói tác, khách hàng, chủ nợ, những người có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do chủ DNTN chịu trách nhiệm. Việc chịu trách nhiệm vô hạn có nghĩa là chủ DNTN phải chịu trách nhiệm thanh toán  các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bao gồm cả tài sản chủ DNTN đầu tư vào doanh nghiệp và tài sản mà chủ DNTN không đầu tư vào doanh nghiệp. Cụ thể hơn có thể hiểu là chủ DNTN không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của DNTN trong phạm vi số vốn đầu tư đã đăng kí với cơ quan đăng ký kinh doanh mà còn phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình không đầu tư vào doanh nghiệp trong trường hợp số vốn đầu tư đã đăng ký không đủ để thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của DNTN khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Thứ tư, DNTN không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào. Điều này có nghĩa là nếu các DNTN muốn mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp mình thì chỉ giới hạn huy động vốn bằng cách chủ sở hữu doanh nghiệp đầu tư thêm vốn vào doanh nghiệp hoặc đi vay tài chính hoặc từ việc được tặng cho, nhận thừa kế,…

3. Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân

3.1. Điều kiện thành lập

Việc thành lập DNTN trước hết phải đáp ứng các điều kiện chung khi thành lập công ty được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể như sau:

– Về tên công ty: Tên doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác, đảm bảo tên được đặt theo quy tắc được quy định từ Điều 37 đến Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

– Điều kiện về trụ sở công ty: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

– Về ngành nghề kinh doanh: DNTN có thể tự do đăng ký ngành nghề kinh doanh nhưng ngành nghề được đăng ký không được trái pháp luật và thuộc hệ thống ngành được cho phép kinh doanh theo quy định.

– Về vốn: pháp luật không quy định về vốn pháp định (trừ những ngành nghề đặc thù được Luật chuyên ngành quy định khác). Vốn đầu tư của DNTN do chủ doanh nghiệp tự đăng ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số vốn đã đăng ký đầu tư.

– Về chủ thể của doanh nghiệp: Là tổ chức, cá nhân Việt Nam hay nước ngoài đều có thể thành lập doanh nghiệp hình thức tư nhân. Tuy nhiên, cần loại trừ các đối tượng được nêu trong khoản 2 điều 17 của Luật doanh nghiệp hiện hành.

Ngoài các quy định chung, việc thành lập DNTN còn phải đảm bảo tuân thủ các quy định riêng dành cho loại hình doanh nghiệp này được quy định tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

3.2. Trình tự, thủ tục

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ Điều 21 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu quy định tại Phụ lục I-1 được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT.

– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền có thể nộp hồ sơ bằng các hình thức sau:

– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

– Nộp hồ sơ trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Nộp hồ sơ qua Tài khoản đăng ký kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định này.

– Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

– Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

– Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cập nhật thông tin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là một số quy định về thủ tục Đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân. Nếu có bất cứ thắc mắc nào vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 19006568 để được tư vấn và hỗ trợ

Bài viết liên quan

Hotline
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon